Chuyển động nghề rừng
- Cập nhật: Thứ hai, 29/12/2014 | 2:47:40 PM
YBĐT - Khi sương sớm còn chưa tan, những thiếu nữ Dao xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn đã lên rừng, cần mẫn chăm chút cho từng gốc cây nhỏ. Từng tốp người hò nhau dựng cột bê tông, giăng dây thép gai làm hàng rào, ngăn gia súc phá hoại.
- Chào bà con! - Đồng chí Bí thư Huyện ủy Văn Chấn - Trần Văn Mộc cất tiếng.
- Chào các cán bộ! - Ông Triệu Văn Kinh ở thôn Nậm Chậu đáp lời.
- Bà con lao động đông vui quá! Tình hình trồng rừng thế nào rồi?
- Cây đã mọc rồi, bà con phấn khởi lắm! Hôm nay, phải huy động cả bản rào lại ngăn không trâu, bò phá.
- Bà con đi đủ cả chứ?
- Vâng! Đông đủ cả. Trước, dân bản chỉ biết khai thác của rừng, có trồng ít quế, gia súc cũng phá hết nên bà con nản. Giờ có Đảng, Nhà nước cho cây giống bà con phấn khởi lắm! Sang năm, bà con mong Nhà nước hỗ trợ trồng thêm trăm héc-ta nữa.
- Năm nay, khi bắt đầu thực hiện mô hình trồng rừng này tưởng cũng gặp khó khăn như khi vận động trồng chè Shan vài năm trước. Nhưng khi tuyên truyền, vận động bà con nhận thức được giao đất, giao rừng, trồng rừng là trồng cho mình và con em mình nên sự đồng thuận rất cao - đồng chí Phạm Bá Dư - Chủ tịch UBND xã Nậm Búng tiếp lời.
Câu chuyện của đồng chí Dư làm chúng tôi nhớ lại chuyện vài năm về trước, khi tỉnh và huyện có chủ trương trồng 500ha chè Shan tại vùng cao, trong đó, 2 thôn Sài Lương, Nậm Chậu của xã Nậm Búng được vận động trồng với diện tích khá lớn. Do chỉ quen khai thác tự nhiên nên đồng bào không đồng thuận.
Dự án đành chuyển đi nơi khác. Giờ, tư tưởng của bà con đã khác nhiều lắm rồi! Từ việc thâm canh tăng vụ đến trồng chè, trồng rừng, bà con đều một lòng ủng hộ. Chẳng thế mà, chỉ mấy tháng thôi, khu đồi hoang rộng gần 40ha bấy lâu mọc đầy lau lách, cỏ dại, giờ, đã khoác lên mình những mầm xanh hi vọng. Hàng xoan mới trồng theo đường đồng mức, ôm ấp những sườn đồi, "bén hơi" đất mới, đâm những chồi non mơn mởn. Vài năm nữa thôi, những hàng xoan kia sẽ thành những cánh rừng xanh tốt. Rời Nậm Búng, chúng tôi đến Nậm Lành. Với hơn 700ha quế các loại, sản lượng hàng năm trên 500 tấn quế vỏ cùng hàng chục tấn cành, lá, nơi đây đã thành "thủ phủ" của cây quế ở Văn Chấn.
Ông Lý Kim Kinh - Bí thư Đảng bộ xã cho biết: "Cây quế gắn liền với đời sống của đồng bào Dao nên bà con luôn chú trọng phát triển rừng quế. Người dân rất ý thức trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đáp ứng nhu cầu của nhân dân, xã đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện quy hoạch diện tích đất trồng quế và vận động bà con tận dụng mọi khoảng đất trống để trồng".
Với trên 63% diện tích đất lâm nghiệp, trong đó, 51% đất có rừng, huyện Văn Chấn xác định kinh tế rừng là một trong những hướng mũi nhọn. Để phát huy thế mạnh về rừng, những năm qua, huyện đã rà soát, phân loại rừng, đất rừng, tiến hành đo vẽ, lập bản đồ hiện trạng đất lâm nghiệp cho từng địa phương.
Trên cơ sở đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển rừng cho từng năm, từng xã, thị trấn; kết hợp giao khoán bảo vệ với việc phát triển rừng, đã làm thay đổi căn bản nhận thức về rừng của nhân dân. Huyện đã huy động được các nguồn lực tham gia, bảo vệ, đầu tư trồng, chăm sóc rừng góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái. Công tác trồng rừng, chăm sóc và khoán bảo vệ rừng đã giải quyết việc làm khoảng 3 vạn lao động.
Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Với mục tiêu đến năm 2015, độ che phủ rừng đạt 52,5% và giữ vững ổn định diện tích rừng đến năm 2020, Hạt đã tham mưu với UBND huyện xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm cung cấp cho công nghiệp chế biến; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, áp dụng các giải pháp lâm sinh hữu hiệu nhằm năng cao năng suất, chất lượng rừng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp, các hộ gia đình chế biến gỗ đang dần mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm".
Với thị trường lâm sản đang phát triển mạnh, việc quản lý và phát triển rừng chuyển từ tự phát sang tự giác, theo định hướng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa đã và đang làm thay đổi thói quen, nhận thức của nhân dân về nghề rừng. Đây là cơ sở, để nhân dân Văn Chấn nâng cao hiệu quả, giá trị những khu rừng, từ đó, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống những người làm nghề rừng.
Trần Van
(Đài TT - TH huyện Văn Chấn)
Các tin khác
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam vừa ký hiệp định vay vốn bổ sung trị giá 85 triệu USD để tài trợ cho việc tăng cường và mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn tại 6 tỉnh: Bình Định, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Phú Yên và Thừa Thiên-Huế.
Tổng diện tích điều chỉnh về tỉnh Hòa Bình quản lý là 1.114,46 ha, thuộc huyện Kỳ Sơn, bao gồm 2 xã: Xã Yên Quang 781,56 ha; xã Phú Minh: 332,9 ha.
Vượt qua nhiều khó khăn, sau 10 năm thi công, sáng 27-12, Nhà máy thủy điện Ngòi Phát, lớn thứ hai ở tỉnh Lào Cai, đã chính thức chạy ba tổ máy, công suất 72MW, phát điện lên lưới quốc gia, cung cấp điện năng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi Tây Bắc.
Giá vàng thế giới "đội" đến hai con số nhưng giá kim loại quý trong nước chỉ tăng nhỏ giọt. Do đó, chênh lệch giá giữa hai thị trường co mạnh về mức 4,3 triệu đồng/lượng.