“Cách mạng xanh” trên đồng ruộng
- Cập nhật: Chủ nhật, 4/1/2015 | 11:51:01 AM
YBĐT - Kinh tế nông nghiệp, nông thôn đang có bước phát triển vượt bậc, từ vùng thấp đến vùng cao theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những vùng chuyên canh gắn với chế biến... Đó là những cái được lớn nhất của ngành nông nghiệp Yên Bái trong năm 2014.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất, chất lượng lúa ngày một cao.
|
Bước vào năm sản xuất 2014, nhà nông Yên Bái gặp không ít khó khăn do hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra liên tục, đặc biệt trong sản xuất vụ đông xuân. Nhiều đợt rét đậm, rét hại trái với quy luật và kéo dài, số giờ nắng ít so với trung bình nhiều năm… gây thiệt hại nghiêm trọng gần 2.000ha lúa mới cấy, gần 6.395ha ngô giảm từ 15 - 20% năng suất. Điều kiện thời tiết không thuận lợi làm phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Những trở ngại lâu nay của ngành nông nghiệp như: giá nhiều loại vật tư đầu vào tăng nhanh, thị trường tiêu thụ chưa thật sự ổn định, giá cả bấp bênh... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động đầu tư cho sản xuất. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến địa phương và sự nỗ lực của bà con nông dân, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tổng diện tích gieo trồng đạt 102.689ha, bằng 109,2% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 285.919,9 tấn, bằng 104,2% kế hoạch.
Bên cạnh đó, diện tích, năng suất, sản lượng cũng như chất lượng đối với các loại rau, đậu, cây công nghiệp ngắn ngày cũng tăng mạnh. Sản lượng chè búp tươi ước 85.000 tấn, đạt 100% kế hoạch; trồng mới, trồng thay thế 758,86ha chè bằng các giống chè Shan, Bát Tiên đạt 152% kế hoạch, đáp ứng cho chế biến. Tổng đàn gia súc tăng 5,6% (trâu 98.226 con, bò 18.752 con, lợn 505.035 con). Đàn gia cầm 3,751 triệu con. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, toàn tỉnh trồng mới 15.506,5ha, đạt 103,4% kế hoạch; khai thác và tiêu thụ được 280.032,26m3 gỗ rừng trồng các loại.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã có bước phát triển rõ nét từ nhận thức đến hành động, đã có 107 xã đạt trên 5 tiêu chí NTM trở lên (chiếm 70,3%), trong đó, 41 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên và một xã hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Những con số đó đã đẹp và vui, đặc biệt các địa phương vùng cao đã chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô. Đây là giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp (riêng năm 2014, hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã chuyển đổi 520ha từ lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô).
Bên cạnh đó, bà con đã ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, đưa các giống mới, có chất lượng vào sản xuất, xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị thu nhập. Yên Bái đã khôi phục và phát triển vùng lúa nếp tan Tú Lệ, cam Trần Phú, chè Suối Giàng kết hợp với tuyên truyền, quảng bá, tạo dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, từ đó, xây dựng thị trường tiêu thụ; tập trung đầu tư, hỗ trợ những sản phẩm thế mạnh, có ưu thế và khả năng cạnh tranh.
Xác định chè là cây trồng thế mạnh, ngành nông nghiệp đã tập trung các nguồn lực đầu tư vào quá trình sản xuất từ khâu quy hoạch vùng sản xuất an toàn, trồng cải tạo thay thế chè cũ đến đào tạo chuyển giao kỹ thuật canh tác cho trên 20.000 lượt hộ; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP trên chè búp tươi cho 69 cơ sở, nhóm hộ. Cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển NTM, tỉnh cũng đã xây dựng Đề án phát triển giao thông nông thôn, Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp...
Đặc biệt, năm 2014, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa giai đoạn 2014 - 2020. Nghị quyết ra đời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và xu thế phát triển thông qua những định hướng mục tiêu rõ nét. Đây sẽ là nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung phát huy hiệu quả theo chuỗi giá trị; mở rộng vùng sản xuất các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế vùng phù hợp với nhu cầu thị trường gắn với xây dựng NTM tại các địa phương.
Một cuộc “cách mạng xanh” trên đồng ruộng đã và đang bắt đầu - đó là niềm tin mới, khí thế mới để nông nghiệp Yên Bái tự tin vững bước vào năm 2015 và những năm tiếp theo.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Cùng với chè, tre măng Bát Độ, cây dâu giờ đã là cây trồng mũi nhọn của huyện Trấn Yên. "Một nong tằm là ba nong kén, một nong kén là chín nén tơ", cứ thế mà nhân lên, gần một vạn vòng trứng tằm từ 170ha dâu cho sản lượng kén 150 tấn, nếu mỗi ki-lô-gam kén có giá 110.000 đồng thì nông dân Trấn Yên năm 2014 đã thu về 16 tỷ đồng - con số không nhỏ với vùng đất thuần nông.
YBĐT - Hiện nay, Yên Bái đã có trên 860 trang trại, cơ sở chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, trong đó, có 5 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô lớn...
YBĐT - Trên công trường bản Noọng, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tiếng máy trộn bê tông giòn giã, những người “công nhân thôn” nhịp nhàng chuyền tay nhau xô sỏi, xô cát đổ vào máy trộn bê tông rất chuyên nghiệp.
Xuất khẩu Việt Nam với những kỷ lục mới về tăng trưởng, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014.