Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao
- Cập nhật: Thứ năm, 15/1/2015 | 2:24:46 PM
YBĐT - So với các địa phương khác trong tỉnh, thành phố Yên Bái có diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp không nhiều. Để tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập và hướng tới một nền nông nghiệp mang tính hàng hóa, thành phố đã triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao".
Mô hình trồng nấm của bà Nguyễn Thị Dịu ở phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái).
|
Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Năm 2008, gia đình bà Nguyễn Thị Dịu, ở tổ 6 phường Hợp Minh bắt đầu cải tạo khu vườn tạp để trồng nấm. Từ nguồn vốn khởi đầu 100 triệu đồng, đầu tư lán trại trồng 3.000 bịch nấm Linh chi, đến năm 2010, khu trồng nấm của gia đình bà đã phát triển với quy mô 3.000 bịch nấm Linh chi và 15.000 bịch nấm sò. Cũng chính vào thời gian này, thành phố bắt đầu triển khai Đề án Hỗ trợ sản xuất đối với các hộ trồng nấm thương phẩm và nấm dược liệu. Từ đây, gia đình bà Dịu đã nhận được thêm sự hỗ trợ của thành phố cho mô hình trồng nấm của gia đình.
Bà Dịu cho biết: "Sau khi được thành phố hỗ trợ sản xuất nấm theo Đề án, gia đình tôi đã mở rộng quy mô sản xuất nấm, đầu tư thêm nhiều máy móc phục vụ cho việc nuôi trồng nấm thương phẩm. Tính đến nay, gia đình đã được thành phố hỗ trợ trên 66,8 triệu đồng cho xây dựng lán trại, mua máy hút chân không, máy đánh nguyên liệu. Đây là tiền đề để gia đình phát triển quy mô từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa và tạo việc làm cho 4 lao động".
Đến nay, gia đình bà đã có 5 lán trại nuôi trồng nấm với diện tích gần 600m2. Trong đó, có 2 lán nuôi nấm linh chi, 3 lán nuôi nấm sò. Trong năm 2014, gia đình treo 1 vạn bịch nấm Linh chi, 3,5 vạn bịch nấm sò. Sản lượng nấm linh chi khô đạt 4 tạ với giá bán từ 300 đến 800 nghìn đồng/kg; nấm sò cho sản lượng 1,5 tấn, có giá bán trung bình 25.000 nghìn đồng/kg. Gia đình cũng phát triển được thị trường bán nấm rộng rãi khắp trong và ngoài tỉnh. Trừ chi phí, năm 2014, riêng nấm Linh chi đã cho gia đình khoản thu nhập trên 50 triệu đồng. Mô hình trồng nấm của gia đình bà Dịu đã góp phần cung cấp cho thành phố một sản phẩm nông nghiệp sạch mang tính hàng hóa và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cũng hướng tới phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đã 15 năm nay, gia đình ông Nguyễn Đức Huệ ở thôn 1, xã Giới Phiên được biết đến là một địa chỉ cung cấp cây đào cảnh cho người dân thành phố mỗi độ tết đến xuân về. Với diện tích 7.000m2 đất của gia đình, ông Huệ đã dùng tới 5.000m2 cho việc trồng đào, quất và cây quýt cảnh.
Ông Huệ cho biết, trong một lần tình cờ đi xuống làng Phú Thượng ở Nhật Tân thấy người dân nơi đây thâm canh cây trồng có hiệu quả, từ 1 sào cho thu nhập 20 triệu đồng, trong khi đó người dân mình cũng trồng cấy quanh năm mà thu nhập chưa được 5 triệu đồng/sào. Sau khi nghiên cứu thấy đất đai, khí hậu ở Yên Bái hợp với cây đào, gia đình bắt tay vào trồng đào cảnh. Khởi đầu chỉ có 100 gốc đào Nhật Tân. Đến năm 2012, thành phố đã hỗ trợ mô hình trồng đào cảnh của gia đình là 30% cây giống với số tiền 15 triệu đồng.
Đến nay, gia đình đã phát triển lên 1 nghìn gốc đào gồm đào bích, đào phai, cùng với đó là hàng trăm cây quất, cây quýt cảnh cung cấp cho thị trường. Không chỉ bán đào cảnh, gia đình còn trồng tới 1 nghìn cây đào giống cung cấp cho người dân có nhu cầu. Với mong muốn phát triển vườn đào không chỉ của gia đình mà muốn phát triển nghề trồng đào cảnh có thương hiệu ở Giới Phiên, ông Huệ đã giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật cho anh em họ hàng, bà con làng xóm xung quanh cùng trồng đào cảnh với diện tích 1,7ha. Bằng việc trồng đào cảnh, trung bình mỗi năm gia đình có thu nhập 150 đến 200 triệu đồng.
Gia đình bà Dịu ở Hợp Minh và ông Huệ ở Giới Phiên chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố đã tìm được hướng đi mới cho phát triển sản xuất kinh tế hộ. Cùng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người nông dân thành phố, những chính sách hỗ trợ của tỉnh và thành phố đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân chuyển đổi dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao và đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế.
Ông Phùng Tiến Thanh - Trưởng phòng Kinh tế thành phố trao đổi: "Một vài năm trở lại đây, thành phố đã và đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, cụ thể là triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao thành phố Yên Bái giai đoạn 2012- 2015". Trong 2 năm 2013 và 2014, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho các nội dung của Đề án trên cơ sở lồng ghép với các nguồn hỗ trợ của tỉnh và nguồn hỗ trợ khác để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng này.
Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án trong 2 năm 2013 và 2014 là 7,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của tỉnh là 3,2 tỷ đồng, nguồn của thành phố là 3,1 tỷ đồng, nguồn của chương trình phục hồi thu nhập đường cao tốc là 1,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, bà con nông dân đã đầu tư trồng rau an toàn, nuôi trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gia cầm, ba ba, cá lồng….
Đặc biệt, các mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn và vừa đã cho hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của thành phố năm 2014 đạt 120 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013. Đặc biệt là trong năm 2012 và 2013, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sản xuất nông nghiệp đã góp phần không nhỏ ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Bước sang năm 2015, thành phố Yên Bái sẽ thực hiện lồng ghép Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao" với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh và chương trình xây dựng nông thôn mới. Hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng chính là mục tiêu và động lực để nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy cuộc vận động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tiến Bình - Việt Hà
Các tin khác
Thực hiện Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính vừa công bố giá mua thóc định hướng vụ đông xuân 2014-2015.
Ngày 14-1, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tính đến 18 giờ ngày 13-1, hệ thống bán vé tàu điện tử thống kê còn một số hành khách đã đặt chỗ và trả tiền mua vé đi tàu dịp Tết Ất Mùi 2015 nhưng chưa đến ga lấy vé.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư thay đổi thiết kế, điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư để đảm bảo tính khả thi của dự án.
YBĐT - Trước đây, người Mông ở Trạm Tấu chủ yếu trồng ngô vụ xuân hè do vụ hè thu thường nắng nóng, kèm theo gió Lào, độ ẩm thấp và mưa rào khiến đất dốc bị rửa trôi bề mặt nên năng suất thấp. Tuy nhiên, với quyết tâm khai thác tiềm năng đất đai và thế mạnh cây ngô theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện đang tích cực triển khai trồng vụ hè thu theo kỹ thuật canh tác bền vững ở các xã trọng điểm nhằm tạo nên vùng ngô hàng hóa có diện tích tập trung.