Thị xã Nghĩa Lộ: Giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/1/2015 | 10:49:24 AM

YBĐT - Năm 2014, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đề ra mục tiêu giảm 4% hộ nghèo. Tuy nhiên, kết thúc năm, địa phương này giảm được 5,13%, vượt 1,13% kế hoạch. Có được kết quả đáng phấn khởi đó là nhờ trong thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong mục tiêu giảm nghèo theo hướng bền vững.

Ông Đỗ Quang Minh - Chủ tịch UBND thị xã cho biết: "Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo giảm nghèo thị xã phân công các thành viên phụ trách địa bàn để chỉ đạo, theo dõi sát sao công tác giảm nghèo; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo gắn với các chương trình, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương".

Bên cạnh đó, thị xã Nghĩa Lộ luôn thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, trong đó, các mô hình giảm nghèo theo hướng bền vững luôn được đặt lên hàng đầu, tiêu biểu như: mô hình giảm nghèo bền vững - phát triển đàn bò sinh sản hay Dự án Chăn nuôi lợn nái...

Bà Vi Thị Sâm - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã cho biết: "Năm 2009 chúng tôi tiếp nhận và triển khai Dự án Mô hình giảm nghèo bền vững - phát triển đàn bò sinh sản cho 61 hộ nghèo tham gia ở 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi. Đến nay, tổng đàn bò lên tới hơn 100 con, luân chuyển được 77 hộ. Ngoài ra, chúng tôi còn triển khai có hiệu quả Dự án Chăn nuôi lợn nái cho 46 hộ nghèo tham gia, đến nay đã luân chuyển được 9 hộ, sinh sản được 182 con, nâng tổng đàn lên 227 con lợn". Điều đáng ghi nhận, hầu hết các hộ nghèo khi được tham gia các dự án đều phấn khởi và có chí hướng thoát nghèo rõ ràng.

Chị Lò Thị Vượng ở xã Nghĩa Lợi tâm sự: "Tôi rất phấn khởi vì trong năm 2014 gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Để làm được điều này, mỗi thành viên trong gia đình phải cố gắng, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, nhất là khi có sự hỗ trợ về các nguồn vốn vay ưu đãi thì bản thân mình phải biết vươn lên trong sản xuất, chăn nuôi".

Bên cạnh thực hiện tốt các chương trình trên, hoạt động của các tổ chức xã hội luôn đóng góp một phần quan trọng không nhỏ vào công tác giảm nghèo của thị xã. Cụ thể, Hội Phụ nữ hỗ trợ tiền và ngày công giúp chị em thoát nghèo; Hội Cựu chiến binh và Hội Cựu thanh niên xung phong hỗ trợ tiền để xóa nhà tạm cho hội viên, đặc biệt tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiền, tặng trâu, quà giúp các hộ đặc biệt khó khăn, từng bước vươn lên. Nhờ vậy, trong năm, trên địa bàn thị xã đã xóa được hàng chục nhà tạm, nhận được hàng trăm triệu đồng từ các nhà, đơn vị hảo tâm hỗ trợ cho hộ nghèo.

Thị xã Nghĩa Lộ còn chú trọng đào tạo nghề gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Trong năm 2014, Nghĩa Lộ phấn đấu đào tạo nghề cho 600 lao động nông thôn. Hầu hết các đối tượng đều áp dụng các kiến thức vào lao động sản xuất nên bộ mặt nông thôn ở các địa phương ở Nghĩa Lộ có nhiều khởi sắc. Anh Lò Văn Hóa ở xã Nghĩa Phúc nói: "Trước đây gia đình mình cũng nghèo nhưng khi được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho mình được tham gia học nghề chăn nuôi thú y, mình đã mở rộng mô hình chăn nuôi lợn nái, đem lại thu nhập cao".

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự năng động sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại của người dân nên công tác giảm nghèo ở thị xã Nghĩa Lộ đạt được nhiều kết quả. Kết thúc năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,4%, trong năm không có hộ nghèo đứt bữa. Tỷ lệ người nghèo có bảo hiểm y tế đạt 100%. Cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư đúng hướng, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.

Văn Tuấn

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên báo chí ngày 18.1, Bộ Công thương đã yêu cầu Tập đoàn điện lực VN (EVN) tính toán cập nhật phương án giá điện trên cơ sở các thông số đầu vào dựa trên giá điện từ thời điểm tăng giá điện lần gần nhất (1.8.2013) đến 31.12.2014.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo

Sân bay Phan Thiết có diện tích hơn 500 ha, dự kiến sau 3 năm xây dựng, sân bay sẽ đi vào hoạt động năm 2018.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo chính thức danh sách các ngân hàng thương mại được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chưa kê khai giảm cước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục