Chăn nuôi thủy sản ở xã vùng ven
- Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2015 | 2:40:07 PM
YBĐT - Nằm ven thành phố Yên Bái, nổi tiếng với làng nghề miến đao, Giới Phiên nay lại đang phát huy tiềm năng về chăn nuôi thủy sản. Nhiều năm nay, nhân dân trong xã đã khai thác lợi thế này để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã kiểm tra diện tích ao nuôi của tổ nuôi trồng thủy sản thôn 1.
|
Giới Phiên hiện có 27,5ha mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản, trong đó, 25ha hồ, đập thủy lợi với một số hồ, đập lớn như: đầm Châu, Đầm Xanh, đầm Quân, Dộc Hóp, còn lại là diện tích ao nuôi tại các gia đình. Phong trào chăn nuôi thủy sản phát triển ở tất cả 6 thôn nhưng tập trung nhiều nhất ở thôn 1 vì có diện tích mặt nước lớn.
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ở thôn 1, trước đây, do gần sông nên thường xuyên bị ngập nước, chỉ cấy được 1 vụ, năng suất không cao. Từ năm 2006, chúng tôi xin thành phố chuyển sang đào ao, thả cá. Đến nay, nghề nuôi cá cơ bản đã phát triển, nhiều hộ có thu nhập ổn định từ 30 - 100 triệu đồng/năm như các ông: Nguyễn Đức Huệ, Nguyễn Văn Phòng, Hà Sỹ Phương…".
Được biết, với thị trường tiêu thụ thuận lợi, cá ở đây không chỉ cung cấp cho thành phố mà còn chuyển về các tỉnh miền xuôi với sản lượng bình quân mỗi năm trên 30 tấn, thu nhập trên 2 tỷ đồng. Để giúp người dân chăn nuôi thủy sản ổn định, có thêm nguồn thu, xã đã chú trọng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng cường công tác khuyến ngư. Đặc biệt, ở Giới Phiên, người nuôi cá liên kết thành tổ hợp tác, phát triển theo phương thức thâm canh mang lại hiệu quả cao.
Chúng tôi đến ao nuôi của tổ nuôi trồng thủy sản thôn 1 đúng lúc các thành viên trong tổ đang miệt mài với công việc, người đánh bắt cá, người cho cá ăn… Ông Nguyễn Đức Huệ - Tổ trưởng tổ nuôi trồng thủy sản vừa thả lưới vừa trò chuyện với chúng tôi: "Ao này rộng 4.500m2, trước đây, là ruộng trũng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đắp đập, nuôi cá. Sau 2 năm đầu thất bại do thiên tai, dịch bệnh, nay, đã phát triển ổn định, mỗi năm, đánh bắt khoảng 2/3 số lượng cá trong ao, cho thu nhập trên 30 triệu đồng".
Kế bên là một ao khác rộng gần 2ha, có vài người đang ngồi câu cá, ông Huệ bảo, đấy là ao nhà ông Nguyễn Văn Phòng giao cho con trai quản lý. Nhà ông Phòng chủ yếu làm dịch vụ cho câu thuê. Mùa này, ít người chứ vào mùa hè mỗi ngày có từ 10 - 15 người ngồi câu với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày/người, cũng cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Tổ nuôi trồng thủy sản thôn 1 có 5 thành viên với diện tích ao nuôi trên 4ha, thành viên ít cũng có trên 2.000m2, nhiều trên 2ha. Các thành viên liên kết với nhau, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ những lúc thiên tai, dịch bệnh nên cá phát triển nhanh, cho thu nhập cao, năng suất đạt 4 tấn/ha, thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Trần Tiến Dũng - một trong những thành viên tổ nuôi trồng thủy sản cho biết: "Tham gia tổ nuôi trồng thủy sản rất có lợi, chúng tôi thường xuyên được tập huấn, hỗ trợ thuốc phòng trị bệnh cho cá. Đặc biệt, các thành viên thường xuyên giúp đỡ nhau về con giống, kỹ thuật…". Từ diện tích ruộng 1 vụ kém hiệu quả, đến nay, 1 hệ thống ao nuôi với các loại cá trắm, chép, trôi, rô phi… mang lại thu nhập cao, tạo bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Được biết, từ những kết quả trên, thời gian tới, xã tiếp tục đề nghị thành phố chuyển 10ha ruộng kém hiệu quả tại các khe, ngách sang đào ao, nuôi thủy sản.
Cùng với việc mở rộng diện tích, xã sẽ khắc phục một số những hạn chế như: thiếu nguồn vốn đầu tư, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thiếu kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản... Để nghề nuôi cá thật sự phát triển, thời gian tới, chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp với ngành chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, trong đó, chú trọng đào tạo tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn; tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, tăng năng suất; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi thủy sản trên những diện tích ruộng 1 vụ lúa, 1 vụ cá.
Hồng Duyên
Các tin khác
Đó là một trong các biện pháp mà Bộ Tài chính đề xuất xử lý các doanh nghiệp không giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu.
YBĐT - Hội Nông dân xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn có 564 hội viên, sinh hoạt ở 10 chi hội thôn, bản, chiếm 85% số hộ làm nông nghiệp. Với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua, Hội luôn là cầu nối cho mọi hoạt động liên kết "4 nhà", tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT), tín chấp vay vốn... giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
YBĐT - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán. Thời điểm này lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường bắt đầu tăng; các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng tích cực chuẩn bị hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Đây cũng là thời điểm hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng có cơ hội hoành hành. Vì vậy, cũng như các địa phương, huyện Lục Yên đang tập trung cao độ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp, kiểm tra để phát hiện và xử lý các vi phạm.