Vì một thị trường xuân lành mạnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/2/2015 | 3:41:26 PM

YBĐT - Đó chính là "khẩu quyết", là nhiệm vụ trọng tâm và cũng chính là mục tiêu mà Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Yên Bái đặt ra và quyết tâm thực hiện trong thời gian này.

Lực lượng quản lý thị trường huyện Văn Yên kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh.
(Ảnh: Quang Thiều)
Lực lượng quản lý thị trường huyện Văn Yên kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh. (Ảnh: Quang Thiều)

Trong thời buổi kinh tế thị trường hội nhập, hàng hóa đa dạng, phong phú như hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy thứ mình cần nhưng có mua được hàng tốt hay không lại là cả một vấn đề. Tôi mang theo nỗi lo ấy ra chợ sắm tết

. Đang đắn đo chọn lựa xem nên mua thứ gì cho phù hợp mà lại an toàn cho sức khỏe của gia đình mình thì một giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng cất lên ở quầy hàng bên cạnh khiến tôi chú ý: "Để tránh mua phải hàng giả, khi mua hàng các bác nên lựa chọn các địa chỉ bán hàng đáng tin cậy và yêu cầu cơ sở bán hàng xuất hóa đơn, xem hàng hóa có đủ tem nhãn mác, có đầy đủ các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, địa chỉ sản xuất, tên đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hay không và chỉ mua những hàng hóa có thương hiệu, đừng ham rẻ mà mua những mặt hàng không chứng minh được nguồn gốc. Quá trình sản xuất, mua bán hoặc kinh doanh mà phát hiện các vi phạm pháp luật về hàng lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm hãy thông tin cho lực lượng quản lý thị trường qua đường dây nóng số: 1900585826, sau đó nhấn 029 hoặc số điện thoại thường trực: 0293.863.710 để chúng tôi kịp thời ngăn chặn và xử lý…". Hóa ra đó là một nữ cán bộ QLTT đang làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, thấy bà con lo ngại chuyện hàng thật hàng giả nên nán lại trao đổi với bà con.

Cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần của người nữ cán bộ quản lý thị trường (QLTT) đã theo tôi suốt cả ngày hôm ấy nên ngay sáng hôm sau tôi quyết định tìm đến Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái. Gặp ông Phan Bá Hùng - Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Yên Bái, cũng vẫn với một thái độ ân cần, cởi mở và nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt có phần cương nghị, nghiêm khắc khiến tôi không khỏi bất ngờ bởi lâu nay tôi thường nghe từ giới kinh doanh những lời nhận xét và ấn tượng không "đẹp" về cách hành xử của QLTT. Biết vậy, ông Hùng chỉ cười, bảo: "Đúng đấy, hầu hết mọi người đều nghĩ vậy chứ không chỉ riêng giới kinh doanh đâu. Chỉ những ai thật sự hiểu về mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại mới có thể chia sẻ và thông cảm cho lực lượng mình thôi".

Quả thực, chỉ đến khi tiếp xúc với những cán bộ QLTT như ông hay người nữ cán bộ đã gặp, tôi mới hiểu thật sự về những người làm công tác QLTT, mới biết trên “mặt trận” mà những chiến sỹ là các cán bộ QLTT đang chiến đấu cam go, phức tạp như thế nào. Họ không chỉ đấu tranh chống lại những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật mà còn chống lại những hành vi suy đồi đạo đức, làm trái với lương tâm con người, đấu tranh vì một thị trường lành mạnh, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Là một tỉnh nằm sâu trong nội địa, không có biên giới và hầu như không có cơ sở sản xuất, song do có địa bàn tương đối rộng, giáp ranh với nhiều tỉnh nên Yên Bái trở thành đầu mối vận chuyển hàng hóa và là nơi tập trung kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Những năm gần đây, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại diễn ra rất phức tạp, trở thành vấn đề nóng ở Yên Bái, đặc biệt trong các dịp tết Nguyên đán. Với đội ngũ cán bộ là 117 người, phân bổ ở 12 đội QLTT, trong đó có 9 đội trực thuộc huyện thị, thành phố và 3 đội trực thuộc Chi cục (Cơ động, Liên ngành đường sắt và Chống hàng giả), Chi cục QLTT Yên Bái nhiều năm liền nằm trong tốp 10 chi cục QLTT đứng đầu toàn quốc.

Trong năm 2014, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 1.406 vụ, đấu tranh và xử lý 1.145 vụ với 1.208 hành vi sai phạm, trong đó có 69 vụ buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu; 88 vụ hàng cấm, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 180 vụ hàng kém chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; 15 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép; 2 vụ mua bán khoáng sản trái phép và 854 vụ gian lận thương mại. Tổng giá trị thực hiện là hơn 5,5 tỷ đồng.

Trong đó xử phạt vi phạm hành chính 2,6 tỷ đồng, bán hàng tịch thu hơn 2 tỷ đồng và tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 0,8 tỷ đồng. Sự liệt kê tưởng như khô khan nhưng đó lại là những con số biết nói. Số vụ và giá trị xử lý càng lớn cho thấy tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn. Và điều đó cũng cho thấy sự nỗ lực đấu tranh của các chiến sỹ trên mặt trận đặc biệt này.

Mỗi năm có đến hàng nghìn vụ buôn lậu, vận chuyển kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại xảy ra trên địa bàn tỉnh mà lực lượng QLTT đã xử lý. Song mỗi vụ việc có tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm và tình huống diễn biến khác nhau đòi hỏi các cán bộ QLTT phải đủ nhanh nhạy, đủ bản lĩnh và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sự khôn khéo nhưng đồng thời phải cương quyết mới ứng phó được. Ngoài những vụ việc lớn do các đối tượng bất chấp thủ đoạn, kể cả tính mạng để vận chuyển, kinh doanh trục lợi cũng có những vụ việc tuy nhỏ nhưng lại là hành vi vi phạm nghiêm trọng trở thành những câu chuyện dở khóc, dở cười cho cán bộ QLTT.

Ông Hùng tâm sự: "Như vụ buôn phụ tùng xe máy giả của con nuôi một cán bộ công tác lâu năm trong Chi cục, sau khi bắt giữ, cán bộ đó đến xin tôi nể tình 31 năm công tác của đồng chí mà tha cho. Tôi chỉ bảo với đồng chí rằng: Nếu những chiếc xe máy được lắp phụ tùng giả mạo kém chất lượng này lưu thông trên đường mà xảy ra tai nạn thì đồng chí nghĩ thế nào? Chưa kể vô tình chính chúng ta là nạn nhân mà còn có thể gây tai họa cho bao nhiêu người khác… Nghe vậy, đồng chí cũng hiểu ra và thông cảm cho tôi. Ấy là với những người hiểu biết thì còn giải thích, phân tích được, chứ có nhiều trường hợp nói mãi mà họ không nghe thì phải cương quyết hơn, dù có làm đúng theo luật cũng phải thật khôn khéo, nhẹ nhàng…".

Trò chuyện với ông Hùng tôi được biết không riêng gì người tiêu dùng mà ngay cả  lực lượng chuyên về chống hàng giả nhiều lúc cũng còn phải giật mình, bởi hàng giả bây giờ quá tinh vi. Hàng giả được làm giống như hàng thật, nhãn giả, địa chỉ giả, công dụng, chất lượng giả… đến cả tem chống hàng giả cũng bị làm giả. Còn đối với hàng ngoại nhập lậu, các đối tượng thường lợi dụng chính sách cư dân biên giới, khai sai hoặc gian lận số lượng chủng loại, gian lận về giá, về chính sách mặt hàng, hợp thức hóa bằng chứng từ mua bán nội địa, hạ thấp giá mua bán, quay vòng chứng từ, gắn nhãn mác sản xuất tại Việt Nam lên hàng hóa nhập lậu, cất giấu trên các phương tiện vận chuyển như khoang xe, thùng xe, cốp xe... được ngụy trang bởi các hàng hóa có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hợp pháp, các đối tượng thường vận chuyển vào ban đêm hoặc vào các ngày nghỉ, lễ, tết.

- Hàng Trung Quốc trên thị trường vẫn còn là nỗi lo của người tiêu dùng Yên Bái, ông nghĩ thế nào về điều này?

Nghe tôi hỏi, nét mặt ông Hùng bỗng chùng hẳn xuống: 

- Hàng Trung Quốc cũng có những mặt hàng có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên lâu nay vẫn được người tiêu dùng Việt Nam chọn lựa. Song đại đa số hàng Trung Quốc đưa vào thị trường chúng ta là hàng nhập lậu, không bảo đảm chất lượng. Mặc dù trong những năm qua, lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý rất nhiều vụ vi phạm kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, tuy nhiên những mặt hàng đó vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường, có lẽ do còn khá nhiều kẽ hở trong các quy định của pháp luật, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, là nhận thức của người tiêu dùng với thói quen mua bán hàng không yêu cầu cơ sở xuất hóa đơn bán hàng nên cũng vô tình tiếp tay cho các đối tượng gian lận trục lợi. Thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái và Ban Chỉ đạo 127 (nay là Ban chỉ đạo 389) của tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên thị trường, chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh, UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, kết hợp với công tác kiểm tra làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thương nhân và người tiêu dùng, vận động thương nhân ký cam kết không buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, từng bước làm lành mạnh hóa thị trường ngăn chặn nạn buôn lậu, kích thích phát triển sản xuất trong nước.

Tết Nguyên đán đang cận kề, những ngày này, thị trường ở cả thành thị lẫn nông thôn đã trở nên nhộn nhịp, sôi động. Khắp nơi tràn ngập những sắc màu rực rỡ của hoa thơm, quả ngọt, của trà, mứt, bánh, kẹo. Đây cũng chính là dịp để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái thừa cơ tung hoành, là dịp để nhiều tư thương lợi dụng sự điều chỉnh giá của Nhà nước để găm hàng, độc quyền, liên kết giá, đẩy giá các mặt hàng thiết yếu lên cao tạo ra những “cơn sốt” để kiếm lời gây bất lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp. Bởi vậy mà cuộc chiến của lực lượng QLTT trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong những ngày này càng trở nên cam go, phức tạp hơn.

Ngay từ cuối tháng 11 năm 2014, Chi cục đã tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra và chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường không kể ngày lẫn đêm, ngày thường hay ngày nghỉ, cắt cử cán bộ túc trực 24/24 giờ nắm bắt tình hình và biến động của thị trường. Gặp các anh trong những ngày làm việc được cho là căng thẳng nhất trong năm mà tôi vẫn thấy những nét mặt tươi rói đầy tự tin quyết thắng. Đã thành thông lệ nên cứ đến dịp cuối năm là toàn thể cán bộ trong Chi cục, từ lãnh đạo đến nhân viên đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đấu tranh vì một thị trường lành mạnh để nhân dân yên tâm, vui tươi đón mừng xuân mới.

Nguyễn Thị Tâm

Các tin khác
Tuyến đường bê tông thôn 6, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên hoàn thành đã giúp hàng trăm hộ dân vùng nguyên liệu sắn thuận tiện trong việc vận chuyển, nâng cao giá trị hàng hóa.

YBĐT - Đến Văn Yên vào những ngày này, đi trên các con đường liên xã, liên thôn nối dài từ vùng thấp đến vùng cao, băng rôn, biểu ngữ đỏ thắm chào mừng 50 năm ngày thành lập huyện. Chính những con đường giao thông nông thôn (GTNT) đó đã góp phần quan trọng, thúc đẩy giao lưu kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Bộ Tài chính vừa công khai sơ bộ kết quả kiểm tra công tác quản lý, bình ổn giá (BÔG) tại một số địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Các chuyên gia lựa chọn cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Hôm qua (31/1), 7 con cá ngừ của ngư dân Bình Định đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Chiều 31/1, các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã công bố giá gas tháng 2/2015 sẽ tăng 416,6 đồng/kg, tương đương 5.000 đồng/bình 12 kg so với tháng trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục