Sản xuất thành công lạc giống L14
- Cập nhật: Thứ năm, 5/2/2015 | 1:42:07 PM
YBĐT - Nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ, giảm giá thành về lạc giống, nâng cao trình độ kỹ thuật về sản xuất cho người dân và từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa, trong năm 2013 - 2014, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã xây dựng mô hình sản xuất lạc giống L14 vụ thu đông mang lại hiệu quả cao.
Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra tình hình trồng lạc trên đất bán ngập hồ Thác Bà. (Ảnh: Kiều Mười)
|
Yên Bái có lịch sử trồng lạc lâu đời, với diện tích hàng năm trên 2.000ha, trong đó, vụ xuân trên 1.400ha, vụ thu trên 600ha và có khoảng 250ha có thể trồng lạc vụ thu đông. Huyện cũng là một trong những địa phương có phong trào trồng lạc khá tốt, bình quân mỗi năm trên 650ha, với lợi thế có diện tích đất bán ngập dưới cốt 58 hồ Thác Bà. Hàng năm, vào vụ xuân, khi nước rút, nhân dân trong huyện có thể tận dụng để trồng lạc vụ xuân với diện tích trên 400ha, chiếm trên 60% tổng diện tích lạc cả năm của huyện.
Tuy diện tích trồng lạc lớn nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu giống bảo đảm chất lượng cho sản xuất vụ xuân, nông dân chủ yếu dùng lạc xuân năm trước làm giống cho vụ xuân năm sau, tỷ lệ mọc mầm thấp, không bảo đảm mật độ. Mỗi vụ, huyện thiếu trên 64 tấn lạc giống chiếm 80% diện tích. Cứ mỗi khi vào vụ, người dân rất khó khăn trong việc tìm mua giống bảo đảm chất lượng để gieo trồng vì nguồn giống trên thị trường khan hiếm, giá cao.
Để phát triển cây lạc thành vùng sản xuất hàng hóa, cho năng suất cao, chất lượng tốt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã xây dựng và triển khai Dự án Xây dựng mô hình sản xuất lạc giống L14 vụ thu đông; Dự án thực hiện tại 2 xã Mỹ Gia và Xuân Lai trong 2 năm 2013 và 2014, quy mô 8ha với sự tham gia của 25 hộ dân; áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lạc xác nhận do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định số 4100/QĐ/BNN-KHCN ngày 29/12/2006, sản xuất trên đất ruộng 1 vụ, đất chuyên màu, có độ phì khá, bằng phẳng, đầy đủ ánh sáng, chủ động tưới tiêu, sạch cỏ dại và sâu bệnh, vụ trước cấy lúa hoặc trồng ngô và ít bị tác động của điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Khu ruộng giống sản xuất bố trí liền khu, cách ruộng giống lạc khác 3m (cách ly bằng không gian); tiến hành khử lẫn triệt để 4 giai đoạn; chọn thời vụ theo khung thời vụ tốt nhất của địa phương. Song song với đó, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 100 hộ dân trực tiếp tham gia sản xuất giống và các hộ dân sản xuất lạc điển hình của 2 xã.
Qua tập huấn, 100% các hộ tham gia tập huấn đã nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong quá trình sản xuất giống lạc tại nông hộ như: chọn ruộng, sử dụng giống xác nhận I, quy trình kỹ thuật canh tác, khử lẫn, thu hoạch, bảo quản và các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ruộng giống, hạt giống tiêu chuẩn. Thời vụ thực hiện từ bắt đầu ngày 24/8 và thu hoạch ngày 12/12, trong quá trình gieo trồng, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật cũng như khử lẫn để lạc bảo đảm độ thuần và chất lượng.
Nhờ nắm bắt tốt quy trình kỹ thuật và sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cây lạc sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, bình quân tại xã Mỹ Gia 16,61 tạ/ha, xã Xuân Lai 16,12 tạ/ha, cao hơn năng suất trung bình của toàn huyện 4,41%. Sản xuất lạc giống L14 vụ thu đông cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất lạc thương phẩm khoảng 11 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nông dân vùng sản xuất giống và phụ cận đã tiếp cận với giống do Dự án trực tiếp sản xuất, phục vụ sản xuất vụ sau, giảm giá thành về giống từ 10.000 -15.000 đồng/kg, tiết kiệm chi phí về giống cho từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha. Không chỉ vậy, mô hình đã tạo được phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thành công của mô hình là tiền đề để Yên Bình tổ chức chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất lạc giống vụ thu đông cho các hộ dân sản xuất trên địa bàn, đưa sản xuất cây lạc ngày một hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 19/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2015 định hướng đến năm 2020 và Đề án 04 của Tỉnh ủy, Yên Bái đã có sự chuyển biến tích cực trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển cho các ngành sản xuất, nâng cao khả năng thu hút đầu tư, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
YBĐT - Tân Thịnh là xã vùng ven của thành phố Yên Bái với diện tích đất nông nghiệp gần 80 ha. Chỉ tính trong năm 2014, toàn xã đã thu được 253 tấn rau các loại mang về hơn 2 tỉ đồng, góp phần cải thiện kinh tế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân...
YBĐT - Kết thúc kế hoạch năm 2014, nông dân toàn tỉnh đã đưa vào gieo trồng 28.470ha ngô, tăng 1.757ha so với cùng kỳ và bằng 109% kế hoạch, sản lượng đạt 83.620 tấn. Cây ngô đã giải quyết công ăn, việc làm cho hàng chục ngàn hộ nông dân, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, nhất là đối với đồng bào vùng cao. Hiệu quả kinh tế từ sản xuất ngô là rất lớn nhưng nhìn tổng thể thì vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Trong năm 2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tập trung thực hiện cổ phần hóa 24 đơn vị trực thuộc.