Những đổi thay về “chất”

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/2/2015 | 8:08:16 AM

YBĐT - Một mùa xuân mở đầu những kỳ vọng trên chặng đường năm năm phát triển tiếp theo của đất nước, Yên Bái đã có những đổi thay đẹp đẽ, diệu kỳ và cũng ấp ủ bao khát vọng chờ mong một nông thôn (NTM) mới toàn diện.

Đồng chí Vương Đình Huệ - ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cùng đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp cấy mô của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Yên Bái.
Đồng chí Vương Đình Huệ - ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cùng đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp cấy mô của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Yên Bái.

Chỉ cách đây vài khắc xuân, nhà nông Yên Bái đặt ra cho mình khát vọng, ở đó, gói ghém tất cả từ tình yêu cuộc sống đến những lãng mạn cao đẹp và xây dựng các vùng quê đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, bền vững hơn. Trong ý chí ấy, khát vọng ấy lại chính những người nông dân chịu thương, chịu khó, cần mẫn là “chủ thể”. Và đến hôm nay, các vùng quê đã có những đổi thay đáng trân trọng, không chỉ lớn về tầm vóc mà còn cả tư duy. Để sáng sớm nay, chào đón xuân Ất Mùi với một nụ cười rạng rỡ, tự tin nhất. Những con đường bê tông uốn lượn theo các bản, làng chạy vòng vào các ngõ, xóm, ra đồng, liên xã khép kín.

Những trường học, trạm y tế, trụ sở UBND, nhà văn hóa khu dân cư xây dựng khang trang, bề thế hơn. Con em các dân tộc không chỉ tung tăng cắp sách đến trường dưới sự dạy bảo trìu mến của các cô giáo, thầy giáo mà còn được học bài dưới ánh điện lưới quốc gia. Những đổi thay bên ngoài đã đẹp và vui nhưng những đổi thay trong sâu xa tâm hồn người dân lại càng đáng trân trọng gấp bội. Vốn xây dựng NTM là rất cần thiết và cấp bách nhưng để xây dựng thành công, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, cần phải huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là sự tham gia của người dân. Bởi chúng ta có vốn đầu tư mà không nhận được sự đồng thuận, sự vào cuộc của người dân thì cũng không thể nào thành công được.

Xây dựng NTM người dân phải là chủ thể - Chủ tịch UBND xã Phù Nham (huyện Văn Chấn) Nguyễn Văn Duyên đã nhận thức rõ. Phù Nham là địa phương luôn dẫn đầu về năng suất ở cánh đồng Mường Lò nhưng nay, bà con không lấy năng suất làm tiêu chí mà lấy giá trị canh tác trên mỗi héc-ta làm thước đo.

Ngoài việc quy hoạch và phát triển vùng lúa đặc sản hàng hóa, bà con còn chuyển một số diện tích trồng lúa sang sản xuất chuyên canh rau màu, nhiều diện tích đạt giá trị từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Khác với Phù Nham, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 30ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm đã và đang phát huy hiệu quả khá cao.

Nhờ đưa các giống mới vào gieo cấy, năng suất và sản lượng lúa của tỉnh không ngừng tăng lên.

Như để minh chứng cho tính hiệu quả của công cuộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Chủ tịch UBND xã Trần Quang Trung dẫn chúng tôi đi xem các cánh đồng và mô hình cụ thể. Với 1,2 mẫu ruộng, gia đình anh Nguyễn Văn Vinh đã chuyển toàn bộ sang trồng dâu nuôi tằm, cho thu nhập 80 triệu đồng/năm, cao gấp 2 lần trồng lúa. Việc trồng dâu, nuôi tằm ở Báo Đáp không làm đơn lẻ mà sản xuất theo chuỗi. Mỗi nhóm hộ sản xuất một khâu. Nhóm chuyên trồng dâu, nhóm chuyên nuôi tằm giống, nhóm chuyên nuôi tằm thương phẩm và nhóm chuyên bao tiêu sản phẩm. Cách làm đó không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn hứa hẹn hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, bà con trong xã còn mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao làm hàng hóa từ 35ha năm 2011 lên 200ha vào năm 2014.

Có thể nói, sau bốn năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, ngày càng có nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất, quan trọng hơn là người dân đã thực sự đóng vai trò chủ thể. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình là 1.179 tỷ đồng, toàn tỉnh đã xây dựng mới trên 300 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn cho các xã. Trong quá trình đầu tư, các địa phương đều xác định lấy phát triển giao thông nông thôn làm khâu đột phá. Vì tiêu chí giao thông nông thôn đối với một tỉnh miền núi là một trong những tiêu chí khó. Do đó, để hỗ trợ các xã từng bước hoàn thành tiêu chí này, tỉnh đã xây dựng, phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015.

Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố hóa, mở mới 900km đường, với tổng số vốn đầu tư 469,8 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 271 tỷ đồng, nhân dân và các tổ chức, cá nhân đóng góp 198,8 tỷ đồng), góp vào thành tích đưa Đề án về đích trước thời gian 1 năm.

Nhân dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Đức Toàn)

Ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn khởi nói: "Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, Chương trình còn xây dựng trên 50 mô hình sản xuất tại 29 xã đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Quá trình triển khai, các mô hình đã có sự chuyển biến tích cực về sản xuất hàng hoá, đặc biệt, từng bước hình thành sự liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập. Một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: hỗ trợ trâu nái sinh sản luân chuyển giữa các hộ tại huyện Lục Yên; trồng ớt tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái; hỗ trợ cho các nhóm hộ mua máy cày, máy bừa thị xã Nghĩa Lộ".

Từ không xã nào đạt quá 10 tiêu chí, nay, Yên Bái đã có 107 xã đạt 5 tiêu chí NTM trở lên, trong đó, 41 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên và 1 xã đạt được 19 tiêu chí để trở thành xã NTM. Đặc biệt, người dân đã hiểu rõ về Chương trình và tích cực tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công lao động, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Quan trọng hơn, sản xuất phát triển, thu nhập của người dân cũng nâng lên, cái đói đã không còn, cái nghèo đang dần khép lại, số hộ giàu ngày xuất hiện ngày một nhiều.

Một mùa xuân mới lại về, dẫu chưa hết những trăn trở, nghĩ suy nhưng hành trang "nông thôn mới" đang đi sâu về chất sẽ là động lực, là hướng đi để mọi vùng quê phát triển.

 Thanh Phúc

Các tin khác
Ông Nguyễn Đình Huệ chăm sóc vườn đào
đón tết.

YBĐT - Không chỉ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với nghề sản xuất miến đao, vài năm gần đây, xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) còn được biết đến với nghề trồng đào cảnh.

Người dân xã Bảo Hưng thu hái chè.

YBĐT - Nếu như mùa xuân trên rẻo cao là vẻ đẹp của những cánh hoa đào, hoa mận nở khắp các lưng đèo, sườn núi thì ở Bảo Hưng, một xã vùng thấp của huyện Trấn Yên, đó là chiếc áo xanh đến mỡ màng của những búp chè Bát Tiên căng đầy nhựa sống.

Đồng chí Dương Văn Tiến (người complê sáng) - Bí thư Huyện ủy Yên Bình thăm Nhà máy may tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng.

YBĐT - Năm 2014 là năm nước rút thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, huyện Yên Bình đã giành được những thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực.

YBĐT - Tết Ất Mùi đã cận kề. Những ngày này trên khắp các chợ, các đại lý trên địa bàn thành phố Yên Bái đã nhộn nhịp không khí mua sắm tết. Nhìn chung giá cả các mặt hàng trong dịp tết 2015 này đều không có nhiều biến động, hàng hóa phục vụ tết đa dạng phong phú.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục