“Chiếu hoa” đã trải
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/2/2015 | 9:08:18 AM
YBĐT - Xuân Ất Mùi đã đến, mang theo bao niềm tin và khát vọng cho Yên Bái, mảnh đất cửa ngõ vùng Tây Bắc. Giữa thiên nhiên trù phú, con đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như một “mắt xích” gắn kết các vùng kinh tế miền xuôi với miền ngược. Chính điều này đã giúp Yên Bái trở thành “mảnh đất vàng” với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (thứ hai, trái sang) trao đổi với các nhà đầu tư tại khu vực khai thác của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Ấn Độ tại Việt Nam.
|
Trên con đường tràn ngập sắc màu ngày xuân, chúng tôi ngược quốc lộ 70, đến Cụm công nghiệp Thịnh Hưng (xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình). Dù đã cận tết nhưng hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Daesung global Hàn Quốc vẫn đang hối hả hoàn thành nốt những mẻ hàng cuối cùng.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, công nhân nhà máy may hồ hởi: “Là doanh nghiệp nước ngoài nhưng Công ty rất quan tâm đến người lao động. Tiền lương và chế độ đãi ngộ đều rất tốt nên cuộc sống gia đình của chúng tôi đã được nâng lên rất nhiều”.
Daesung global Hàn Quốc là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên “đặt gạch” tại cụm công nghiệp Thịnh Hưng. Cuối năm 2013, nhà máy may xuất khẩu của Công ty chính thức khởi công. Để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục đầu tư. Nhờ đó, đầu năm 2014, nhà máy đã có toàn bộ cơ sở hạ tầng để thực hiện dự án. Đến nay, Công ty đã đầu tư trên 60 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và thiết bị máy móc.
Theo ông Kim Sang Hoo - Giám đốc Điều hành Công ty: “Khi đến Yên Bái, Công ty rất lo lắng vấn đề tuyển chọn công nhân lao động nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, chúng tôi đã có đội ngũ công nhân lành nghề, có thể may các sản phẩm theo yêu cầu của đơn hàng. Khi có các điều kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư trên 100 tỷ đồng để mở rộng dây chuyền hoạt động, đồng thời, tạo việc làm cho 3 nghìn công nhân lao động với thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng”.
Ông Đoàn Hữu Phung - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Đến nay, đã có 22 dự án FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đầu tư trên 139,6 triệu USD, nổi bật là các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam, Công ty liên doanh Canxi Cacbonat YBB, Công ty Hương liệu Việt Trung, Công ty Unico Global YB... Đây là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, công nghệ chế biến hiện đại, khối lượng sản phẩm lớn và có vị trí trên thị trường”.
Bên cạnh các doanh nghiệp FDI, Yên Bái cũng đã trở thành điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư trong nước. Là một trong những dự án đầu tư khá hiệu quả của Yên Bái, năm qua, nhà máy sản xuất tấm lợp phibroximăng và ngói xi măng An Phúc Yên Bái (Khu công nghiệp phía Nam, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái) đã đầu tư gần 25 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tấm lợp theo tiêu chuẩn công nghệ của Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam. Tuy mới thử nghiệm để ra sản phẩm nhưng Công ty đã tạo việc làm cho 80 lao động địa phương với mức lương bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Nữ công nhân trong dây chuyền nhà máy may của Công ty TNHH Daesung Global Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, Yên Bình.
(Ảnh: Thanh Miền)
Ông Cao Minh Phương - Phó giám đốc Công ty cổ phần An Phúc Yên Bái cho biết: “Sau khi tìm hiểu thị trường tiêu thụ, chúng tôi đã quyết tâm thực hiện dự án tại thành phố Yên Bái. Với các chính sách ưu đãi trong đầu tư của tỉnh, chưa đầy 10 tháng sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản và chuẩn bị đi vào sản xuất, kinh doanh”.
Với lợi thế, tiềm năng sẵn có, các doanh nghiệp đầu tư ở Yên Bái chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực chế biến nông - lâm sản, chế biến khoáng sản...
Trong 5 năm trở lại đây, đã có 146 dự án đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký gần 13 ngàn tỷ đồng và trên 100 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.200 doanh nghiệp phát triển sản xuất trong các lĩnh vực. Thành công trên của Yên Bái không thể không nói đến tầm nhìn, sự định hướng và các giải pháp “mở cửa” kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã “bắt” đúng mong muốn của nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng chuyên canh gắn với chế biến như vùng chè, vùng sắn và rừng kinh tế. Nhờ vậy, đến hết năm 2014, toàn tỉnh có trên 12.000ha chè, sản lượng đạt gần 100 ngàn tấn búp; vùng rừng kinh tế trên 200.000ha, sản lượng khai thác mỗi năm trên 300.000m3.
Bên cạnh đó, là nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, với 257 điểm mỏ cùng nhiều loại khoáng sản, trong đó, một số loại khoáng sản có trữ lượng cao và chất lượng tốt như cao lanh, fenspat, đá vôi trắng, quặng sắt… Ngoài ra, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án trong và ngoài nước. Một trong những bước đi đầu tiên Yên Bái chú trọng thực hiện là xây dựng hệ thống hạ tầng liên hoàn đáp ứng đầu tư phát triển công nghiệp. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng năm 2020 gồm 5 khu công nghiệp do tỉnh quản lý với tổng diện tích gần 1.200ha và 19 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các huyện và thành phố với diện tích 1.100ha. Hầu hết các khu đã hoàn chỉnh về kết cấu hạ tầng như: điện, đường, nước, bưu chính viễn thông, đáp ứng mọi yêu cầu của nhà đầu tư.
Ngoài việc thực hưởng các ưu đãi chung theo quy định của Chính phủ, Yên Bái còn thêm các ưu đãi riêng cho nhà đầu tư về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ san tạo và giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương... Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư được thực hiện theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” nhằm tiết kiệm thời gian.
Với việc quảng bá tốt các tiềm năng, lợi thế cũng như sự ưu đãi, thông thoáng trong cơ chế, chính sách, Yên Bái đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Thể hiện rõ nhất là sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách… tăng dần theo các năm; người lao động có việc làm, thu nhập ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng… Chỉ tính riêng năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp ước 7.100 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp 7%; kim ngạch xuất khẩu 50 triệu USD (bằng 102% kế hoạch). Thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp đang thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Sang một năm mở đầu nhiệm kỳ mới, tin tưởng rằng, với những “chiếu hoa” đã trải, Yên Bái sẽ tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy của các đối tác đồng hành cùng sự phát triển chung.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Một mùa xuân mở đầu những kỳ vọng trên chặng đường năm năm phát triển tiếp theo của đất nước, Yên Bái đã có những đổi thay đẹp đẽ, diệu kỳ và cũng ấp ủ bao khát vọng chờ mong một nông thôn (NTM) mới toàn diện.
YBĐT - Không chỉ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với nghề sản xuất miến đao, vài năm gần đây, xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) còn được biết đến với nghề trồng đào cảnh.
YBĐT - Nếu như mùa xuân trên rẻo cao là vẻ đẹp của những cánh hoa đào, hoa mận nở khắp các lưng đèo, sườn núi thì ở Bảo Hưng, một xã vùng thấp của huyện Trấn Yên, đó là chiếc áo xanh đến mỡ màng của những búp chè Bát Tiên căng đầy nhựa sống.
YBĐT - Năm 2014 là năm nước rút thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, huyện Yên Bình đã giành được những thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực.