Nâng cao chất lượng đàn lợn nuôi bằng giống ngoại
- Cập nhật: Thứ ba, 24/2/2015 | 2:36:19 PM
YBĐT - Chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay đang phát triển theo hướng gia trại, trang trại quy mô tập trung thế nhưng chủ yếu vẫn là giống lợn địa phương năng suất, chất lượng chưa cao. Để hướng tới phát triển chăn nuôi hàng hóa bền vững, tạo ra sản phẩm sạch, người chăn nuôi cần cải tạo đàn lợn giống để có chất lượng con giống tốt và mang lại giá trị kinh tế cao.
Giống lợn ngoại được nuôi tại các trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Đàn lợn hiện nay của tỉnh đạt trên 505.000 con, vì vậy đây vẫn là giống vật nuôi chủ yếu trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi của địa phương. Toàn tỉnh có 4 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại với khoảng 1.400 nái bố mẹ sản xuất khoảng 25.000 lợn thương phẩm, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nuôi thịt tại cơ sở. Ngoài ra, có khoảng trên 10 trang trại có quy mô trên 20 nái sản xuất giống lợn siêu nạc trong các nông hộ.
Mỗi năm, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa của tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 40 cơ sở chăn nuôi có quy mô nuôi 10 nái trở lên, số còn lại sản xuất giống tại các nông hộ với quy mô nhỏ từ 1 đến 5 con nái. Hiện nay, đàn lợn nái trên 5.000 con của tỉnh cũng chỉ cung cấp được khoảng 70% nhu cầu giống lợn phục vụ cho chăn nuôi của người dân. Số còn lại người chăn nuôi tự mua giống trôi nổi ngoài tỉnh về không bảo đảm chất lượng cũng như an toàn dịch bệnh. Nguồn lợn đực giống, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh xây dựng 22 điểm truyền tinh nhân tạo trong nông hộ tại các vùng chăn nuôi hàng hóa.
Năm 2014, các điểm mô hình đã tổ chức cung ứng tinh và phối giống được 20.329 liều cho lợn nái trong vùng với tỷ lệ phối đạt lần đầu trên 85%. Các điểm truyền tinh nhân tạo đã phối giống cho khoảng 40% tổng đàn nái tại vùng thấp. Công tác truyền tinh nhân tạo lợn đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng con giống thương phẩm, do chất lượng lợn đực giống tốt. Tuy nhiên, hiện tại, chất lượng đàn lợn nái trong vùng còn thấp, người dân vẫn chủ yếu là nuôi lợn nái nội (Móng Cái, Lang hồng…) nên chất lượng con giống sản xuất ra chưa cao (chỉ đạt 50% máu ngoại), hiệu quả chăn nuôi còn thấp, chưa phù hợp với xu thế phát triển chăn nuôi hàng hoá. Từ đó cho kết quả đàn lợn thương phẩm với giống lợn địa phương chiếm khoảng 30%, lợn hướng nạc 60%, lợn nạc mới chiếm khoảng 10%. Mặc dù lợn nái ngoại cho hiệu quả kinh tế cao nhưng do đầu tư ban đầu khi nuôi lợn nái ngoại lớn cộng phương thức chăn nuôi chưa phù hợp, người dân chưa có cơ hội tiếp cận… nên các giống lợn nái địa phương, Móng Cái, Lang hồng vẫn chiếm khoảng 95% tổng đàn nái, lợn nái ngoại và nái lai chỉ chiếm khoảng 5%.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Tất Thắng thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh (huyện Yên Bình) cho biết: "Trước đây, gia đình nuôi lợn nái Móng Cái, tuy có dễ nuôi nhưng lợn lớn chậm, tỷ lệ đẻ con trên năm ít, nếu tính trung bình chỉ được khoảng 13 con/năm, còn lợn nái ngoại được 22 con/năm. Chu kỳ đẻ trung bình của nái nội 1,6 lứa/lợn nái/năm, số con sơ sinh trung bình là 10 con/lứa, trọng lượng xuất chuồng sau 2 tháng là 13kg, trong khi năng suất nái ngoại là 2 lứa/nái/năm, số con bình quân trên ổ là 11con, trọng lượng lúc 2 tháng xuất chuồng là 25kg".
Được biết, hiện nay, tại các huyện vùng thấp cũng có một số lượng nhỏ đàn lợn nái lai F1 có thể sản xuất ra lợn thương phẩm 3/4 máu ngoại. Tuy nhiên, đàn nái lai F1 bố mẹ này được chọn lọc chủ yếu từ đàn lợn thương phẩm độ thuần không cao, đẻ kém, số con ít, không đồng đều. Ông Nguyễn Ngọc Bái - Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh cho biết: "Theo nghiên cứu và đánh giá thì giống lợn ngoại hiện tại chủ yếu được nuôi trong các trang trại vừa và lớn, hiện tại cho hiệu quả kinh tế cao do lợn tăng trưởng nhanh, hiệu quả sử dụng thức ăn cao, tỷ lệ nạc cao, thị trường tiêu thụ ổn định, xuất bán chủ yếu cho các thị trường bên ngoài".
Như vậy, để phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả và bền vững, người chăn nuôi cần thay đổi cơ cấu giống lợn, đưa các giống lợn siêu nạc vào sản xuất, thay thế dần đàn lợn mỡ hiện nay, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo cần thay thế dần đàn nái nội năng suất thấp bằng đàn nái ngoại năng suất cao, tiến tới giảm dần cơ cấu đàn nái, tăng hiệu quả đầu tư; cần nhân rộng các mô hình nuôi giống lợn nái ngoại trong nông hộ cho phù hợp với việc phát triển sản xuất trong nền kinh tế thị trường.
Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn ngoại; các huyện vùng thấp cần duy trì số lượng các cơ sở chăn nuôi lợn ngoại hiện có, tiến hành nhập thêm một số giống lợn ngoại hậu bị cấp bố mẹ để chủ động cung cấp giống lợn nuôi thịt cho người dân; tăng số lượng và chất lượng đực giống đạt tiêu chuẩn cung cấp tinh cho các cơ sở chăn nuôi lợn nái; khuyến khích các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn nái ngoại phát triển, cung cấp giống tại chỗ đảm bảo về chất lượng, an toàn dịch bệnh; tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi lợn nái ngoại cho nông hộ…
Được biết, trong năm 2015, Trung tâm Giống vật nuôi xây dựng Trại lợn giống ông bà siêu nạc công nghệ cao ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình. Trại giống đi vào hoạt động sẽ cung cấp lợn giống bố mẹ, tinh lợn đực ngoại chất lượng cao cho các trang trại và các nông hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Đây được coi như giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Bảy năm trôi qua song câu chuyện vận động người Mông thôn Làng Mảnh, xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô và trồng ngô 2 vụ trên đất dốc vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi từ đó đã đánh dấu sự đổi thay khi nhiều hộ gia đình người Mông giàu lên, có xe máy, ti vi… phục vụ đời sống; con cái được ăn học chính từ tiền bán ngô.
YBĐT - Từ thành thị tới các vùng quê, mạch máu giao thông luôn thông suốt và không ngừng được đầu tư mở rộng, nâng cấp đã đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hóa, góp phần quan trọng để công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác đã tạo cơ hội cho kinh tế Yên Bái cất cánh trong mùa xuân mới.
YBĐT - Tết này, hơn 150 hộ người Dao ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn đã có một cái tết sung túc hơn. Chẳng là, năm nay, quế được giá. Điều đó cũng chẳng có gì lạ. Nhưng sự đặc biệt ở đây là người dân nhiều năm nay, cùng trồng, cùng chăm sóc, bảo vệ rừng quế gần bốn chục tuổi ra đời từ phong trào trồng quế nhớ ơn Bác Hồ để hôm nay, trở thành nguồn sống của thôn…
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 5 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi (từ ngày 15-19/2), Tập đoàn đã đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất, kinh doanh của các địa phương và nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của đồng bào cả nước.