Cây chanh tứ mùa trên đất Thịnh Hưng
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/3/2015 | 2:37:00 PM
YBĐT - Lúc nào vườn chanh tứ mùa của gia đình anh Lê Đức Luyến ở thôn Hơn, xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) cũng đông khách ra vào mua bán. Người thì mua quả chanh tươi về dùng, người thì mua cành chanh giống để trồng. Với hơn 200 gốc chanh tứ mùa, năm 2014 vừa qua, gia đình anh Luyến thu hoạch hơn 3 tấn quả, bán với giá trung bình tại vườn là 15 nghìn đồng/kg quả chanh tươi đã đem về cho gia đình anh gần 60 triệu đồng.
Nông dân Thịnh Hưng thu hái chanh.
|
Được trồng tại vườn nhà và hái trực tiếp trên cây đảm bảo tươi ngon lại không có chất bảo quản nên chanh quả của gia đình anh Luyến cũng như bà con nơi đây thu hái đến đâu được khách hàng gần xa tiêu thụ hết tới đó. Chị Nguyễn Thị Phương - một khách hàng ở huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) cho biết đã 3 năm nay chị thường xuyên đến đây mua đem về quê bán, bà con rất thích vì chanh tươi, thơm và mọng nước, sử dụng lại an toàn nên rất đắt hàng.
Hộ gia đình ông Đào Trung Học ở thôn Liên Hiệp được xem là một trong những hộ đầu tiên đưa cây chanh tứ mùa về đất Thịnh Hưng. Cách đây gần 20 năm, khi ấy gia đình ông Học đang trồng rất nhiều giống chanh địa phương, trong một chuyến đi Đà Lạt thăm người bạn, ông mua 5 cành chanh tứ mùa về trồng thử, thấy có hiệu quả, ông đã mạnh dạn phá bỏ toàn bộ vườn chanh địa phương để trồng chanh tứ mùa.
Hiện tại, trong vườn nhà ông có gần 300 gốc chanh, nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và nắm bắt đầy đủ các yếu tố về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năm nào vườn chanh nhà ông Học cũng sai trĩu quả. Cứ khoảng 20 ngày ông hái 1 lứa, mỗi lứa thu hoạch khoảng từ 4 đến 5 tạ quả cung cấp ra thị trường. Tiếng lành đồn xa, tư thương ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và thành phố Yên Bái đã tìm đến tận vườn nhà ông để mua, giá bán buôn dao động từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg.
Có thời điểm, giá chanh quả lên cao, ông bán tới 50 nghìn đồng/kg. Ngoài ra ông còn chiết cành cung cấp giống cho các hộ có nhu cầu với giá từ 25 đến 30 nghìn đồng 1 cành. Mỗi năm từ cây chanh tứ mùa, gia đình ông Học thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Tới đây ông dự kiến sẽ trồng thêm khoảng gần 200 gốc chanh nữa. Ông Học cho hay trồng chanh tứ mùa dễ chăm sóc, đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Từ tiền bán chanh ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi con cái học hành chu đáo.
Nhiều người dân khác đến với cây chanh tứ mùa cũng rất tình cờ, do xem ti vi, đọc sách báo rồi tìm tới các mô hình trồng chanh ở trong và ngoài huyện để tham quan học tập kinh nghiệm, sau đó về trồng thử tại vườn nhà thấy có hiệu quả là tiếp tục nhân rộng. Từ chỗ chỉ có vài hộ trồng chanh tứ mùa, đến nay toàn xã Thịnh Hưng đã có trên 50 hộ trồng giống chanh này. Hộ nào trồng nhiều khoảng gần 500 gốc và hộ trồng ít là 50 gốc. Đặc điểm của giống chanh này là cho quả quanh năm, kỹ thuật trồng đơn giản, chi phí đầu tư ban đầu thấp, thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch vừa tròn 1 năm, phù hợp với mọi đồng đất và ít bị ảnh hưởng của thời tiết nên rất hiếm khi mất mùa.
Theo kinh nghiệm của những người trồng chanh tứ mùa ở Thịnh Hưng thì giống chanh này tuy dễ trồng nhưng phải để ý chăm sóc nếu không rất dễ bị sâu đục thân, nấm quả và nấm lá. Ngoài ra, người trồng nên bón lót phân chuồng và tưới nước đều đặn để chanh cho quả đẹp, mọng nước. Tuổi đời trung bình của một cây chanh có thể kéo dài từ 10 đến 15 năm, ra hoa và đậu quả quanh năm, khi đợt quả này sắp cho thu hoạch thì ở đầu các cành lộc non đã nở đợt hoa mới và kết trái trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, thời điểm chanh ra hoa nhiều và kết trái sai nhất là vào tháng 2, 3, 7, 8 và kéo dài tới giáp tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng chanh quả ở thị trường tăng cao. Một cây chanh nếu được chăm sóc tốt, mỗi năm cho thu hoạch gần 1 tạ quả. Việc nhạy bén đưa giống chanh tứ mùa vào trồng của một số hộ dân ở Thịnh Hưng đã không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho bà con mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng nông thôn này.
Ông Lương Xuân Trường - Phó chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng cho biết: “Tới đây, để khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chanh tứ mùa, xã sẽ chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chanh cho người dân, đồng thời tiếp tục kiến nghị với huyện để có chính sách hỗ trợ người dân nhằm phát triển nghề trồng chanh tứ mùa thành vùng sản xuất hàng hóa, góp phần đắc lực vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương theo hướng bền vững”.
Kiều Mười
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tặng 19 Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và 46 Giải Bạc Chất lượng Quốc gia năm 2014 cho 65 doanh nghiệp.
Ngày 13-3, Tập đoàn Viettel phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện kiểm thử công nghệ thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tại trạm thu phí Tasco Quảng Bình (thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
YBĐT - Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện nay cả nước có dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) và 2 xã Đức Vân, Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) chưa qua 21 ngày.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.