Giống vật nuôi - cần giải pháp nâng cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/5/2015 | 3:29:09 PM

YênBái - YBĐT - Hiện nay, xu hướng phát triển hình thức chăn nuôi trang trại, quy mô lớn đã và đang được tỉnh Yên Bái quan tâm.

Cơ sở chăn nuôi quy mô hơn 300 lợn nái, đực giống và trên 1.400 lợn thịt của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Yên Bái.
Cơ sở chăn nuôi quy mô hơn 300 lợn nái, đực giống và trên 1.400 lợn thịt của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Yên Bái.

Đây cũng là hướng đi phù hợp với yêu cầu thực tế. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo thêm điểm tựa, giúp người dân có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa nhưng chăn nuôi ở tỉnh ta hiện nay vẫn thiếu tính bền vững, giá trị chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng. Để chăn nuôi phát triển bền vững, điều tiên quyết vẫn là nâng cao chất lượng con giống. Tuy nhiên, người chăn nuôi hiện vẫn đang thiếu giống tốt.

Nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn ngày một tăng cao, trong khi đó, lượng giống sản xuất cung ứng trên địa bàn chỉ đáp ứng được từ 60 - 70% nhu cầu. Qua khảo sát tại các trang trại chăn nuôi được biết, hiện nay, lợn giống khá khan hiếm và khó mua. Bà Đoàn Thị Đạt ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái - một chủ hộ chăn nuôi cho biết: “Vừa rồi, gia đình đi tìm mua giống để tái đàn,  tuy nhiên, hỏi nhiều nơi không có. Mua giống ở các trung tâm lớn tuy có tốt về chất lượng nhưng giá quá cao, trong khi giá lợn hơi đang hạ nên chúng tôi không dám đầu tư”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Phúc - Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: “Hiện nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố cơ bản đã chủ động được nguồn con giống. Tuy nhiên, còn khoảng 30% các hộ chăn nuôi không chủ động được con giống phải mua giống ngoài. Hiện, giống chuẩn (hướng nạc) hiếm hơn và khó mua. Còn giống chất lượng cao (siêu nạc) giá cao, trung bình lợn sau cai sữa có giá khoảng 1,2 triệu đồng/con. Với giá này, người chăn nuôi không dám đầu tư vì đội chi phí giá thành lên cao trong khi giá lợn hơi xuất chuồng hiện đang ở mức thấp”.

Nhìn vào thực tế sản xuất giống ở Yên Bái có thể nhận thấy, số lượng chưa bảo đảm, chất lượng hạn chế và quy mô phát triển sản xuất giống chưa được chú trọng. Điển hình như việc cung cấp lợn giống chủ yếu là từ nguồn cung ứng của các hộ dân. Trên địa bàn, hiện có khoảng trên 200 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại có quy mô từ 10 nái trở lên, trong đó, có 2 doanh nghiệp nuôi giữ lợn giống gốc ông bà. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu con giống có năng suất, chất lượng cho chăn nuôi của tỉnh mới đáp ứng được khoảng 45%.

Ngoài ra, tỉnh đã có 22 cơ sở truyền tinh nhân tạo tại cơ sở do Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh xây dựng và một số cơ sở khác của tư nhân. Các cơ sở truyền tinh nhân tạo này hiện tại mỗi năm cung ứng và phối giống khoảng 20.000 lượt lợn nái tại vùng thấp, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu con giống trong vùng. Còn đối với gia cầm, 90% là giống địa phương có năng suất thấp. Quy mô sản xuất con giống vẫn mang tính phân tán, nhỏ lẻ, tự sản, tự tiêu. Do việc sản xuất con giống chưa đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh nên thời gian qua, người chăn nuôi vẫn phải nhập một số lượng lớn con giống trôi nổi trên thị trường, không bảo đảm phẩm cấp và an toàn dịch bệnh.

Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giống phục vụ người chăn nuôi. Trước hết, tỉnh cần khuyến khích Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, các trang trại chăn nuôi phát triển các đàn giống bố mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất tại địa phương.

Cụ thể, đối với giống lợn, cần xây dựng trung tâm sản xuất giống, tinh dịch, nâng cấp chất lượng đàn giống ông bà, tạo đực cuối cùng có năng suất cao; tổ chức kiểm tra, giám định, bình tuyển và loại thải đực giống không bảo đảm chất lượng, xây dựng đàn đực giống bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và quản lý chặt chẽ. Các huyện vùng thấp (vùng chăn nuôi hàng hóa) cần bố trí cơ cấu nuôi 3 loại lợn thương phẩm (F1, F2, lợn ngoại); duy trì các cơ sở chăn nuôi lợn ngoại hiện có, hàng năm, nhập thêm một số giống lợn ngoại hậu bị cấp bố mẹ để chủ động cung cấp giống lợn nuôi thịt cho người dân; khuyến khích các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn nái phát triển để cung cấp đủ con giống tại chỗ bảo đảm về chất lượng, an toàn về dịch bệnh.

Đối với giống gia cầm, cần xây dựng hệ thống cơ sở nuôi gia cầm bố mẹ trong vùng quy hoạch chăn nuôi hàng hóa, các cơ sở nuôi gia cầm bố mẹ phải được quản lý chặt chẽ về chất lượng, không sử dụng gia cầm thương phẩm để làm giống bố mẹ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống; chọn tạo từ 1 - 2 giống gà lông màu chủ lực có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của tỉnh, kết hợp với đổi mới công nghệ chăn nuôi để mở rộng phát triển sản xuất trong nhân dân. Các giống gà nội như: Ri, Mông, gà đen... ở các xã vùng cao là nguồn gen quý, có phẩm chất thịt, trứng thơm ngon, khả năng chống chịu bệnh tật cao, vì vậy, cần có kế hoạch đầu tư và dùng lai tạo với các giống khác để cải tiến năng suất.

Ngoài các giải pháp kỹ thuật trên, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống ra, vào địa bàn tỉnh, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh, khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, tránh mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát dịch bệnh.

 Văn Thông

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông Vận tải 0GTVT) vừa có những thảo luận liên quan đến quy định tốc độ trên đường bộ.

Hạ tầng thành phố ngày càng được hoàn thiện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
   Ảnh: Đường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Những năm gần đây, thành phố Yên Bái trở thành một trong những địa phương có sự đột phá về thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Không những thế, chất lượng các dự án đã triển khai khá đồng bộ và hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ảnh minh họa.

Bắt đầu từ 9h sáng nay (6/5), "Cơ chế một cửa quốc gia" sẽ chính thức được triển khai mở rộng tại cảng biển quốc tế.

Ảnh minh họa.

Liên Bộ Công thương – Tài chính vừa quyết định từ 21h ngày 5/5, các đầu mối kinh doanh xăng dầu được phép tăng giá mặt hàng xăng khoáng và xăng E5 là 1.950 đồng/lít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục