Chuyển đổi thành công, sản xuất hiệu quả
- Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2015 | 3:42:31 PM
YênBái - YBĐT - Đã có thời gian, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao - tiền thân là Lâm trường Ngòi Lao (Văn Chấn) quản lý hoạt động phát triển rừng ở 11 xã trên địa bàn huyện. Sau khi thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, Công ty còn trồng rừng ở 5 xã. Nhờ chuyển đổi kịp thời và có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp nên Công ty đã thu được hiệu quả bước đầu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao sản xuất cây giống, phục vụ mục tiêu trồng mới 150ha rừng năm 2015.
|
Lâm trường Ngòi Lao thành lập với nhiệm vụ quản lý rừng, đất rừng trên địa bàn các xã vùng ngoài của huyện gắn liền với kế hoạch trồng rừng và khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1994, thực hiện Dự án 327 phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, Lâm trường được quy hoạch đất trên 8 xã: Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Đại Lịch, Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Bình Thuận, Nghĩa Tâm và Minh An. Năm 1998, thực hiện Dự án 661 trồng mới 5 triệu héc-ta rừng, Lâm trường quản lý thêm 3 xã vùng trong của huyện là: Đồng Khê, Suối Bu và Sơn Thịnh. Do quản lý tới gần 16.700ha đất ở địa bàn 11 xã, công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo hướng dẫn người lao động thực hiện còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
Thực hiện Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, phát triển lâm trường quốc doanh và quyết định của UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới, Lâm trường Ngòi Lao chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; được tỉnh giao 1.560ha đất rừng sản xuất, 1,14ha đất phi nông nghiệp (theo Quyết định giao đất cho Công ty của UBND tỉnh năm 2007). Cùng thời gian này, Công ty đã tiến hành giao gần 16.200ha diện tích rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh và rừng trồng trồng phòng hộ cho địa phương quản lý.
Diện tích rừng trồng sản xuất Công ty được quy hoạch quản lý tập trung các xã vùng ngoài là: Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Đại Lịch, Cát Thịnh và Thượng Bằng La. Nhờ thực hiện tốt việc bàn giao "tay ba" (giữa kiểm lâm - Lâm trường - người dân), tiến hành đo đếm cụ thể, rõ ràng đến từng thửa trên bản đồ, cùng với đó là sự phối hợp với chính quyền địa phương trong giao khoán cho người dân và kiểm tra giám sát trên hiện trường nên không có tình trạng lấn chiếm, tranh chấp xảy ra. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty đã từng bước thay đổi cơ chế quản lý đầu tư trồng rừng theo phương thức ký kết liên doanh với các thành phần kinh tế và tổ chức khoán diện tích cho hộ dân trên địa bàn.
Cùng với giao khoán, việc ký hợp đồng quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của người nhận khoán phù hợp với từng thời kỳ và cơ chế thị trường. Công ty và người nhận khoán trồng rừng đã làm rõ trách nhiệm trong quá trình trồng rừng cũng như các khoản chi phí, việc đầu tư giống cây, phân bón. Công tác quy hoạch, thiết kế, gieo ươm giống cây và hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng rừng được các đội sản xuất, cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm. Khi rừng đến tuổi khai thác, Công ty cùng hộ gia đình nhận khoán đo đạc, đánh giá phẩm cấp rừng; tiến hành bán đấu giá công khai, minh bạch, chia hưởng lợi theo tỷ lệ góp vốn đúng các quy định của Nhà nước. Cách làm này đã phát huy hiệu quả, bảo đảm cho toàn bộ diện tích rừng vẫn được trồng, bảo vệ, chăm sóc hàng năm với diện tích 1.300ha rừng sản xuất; diện tích trồng mới, khai thác luân phiên duy trì ở mức trên dưới 150ha/năm.
Công ty đã hợp đồng giao khoán cho trên 600 hộ gia đình là công nhân công ty, con em cán bộ công nhân Lâm trường nghỉ hưu, nông dân 5 xã trong địa bàn tham gia trồng rừng và sống bằng nghề rừng. Tổng doanh thu từ rừng tăng theo từ năm và đạt gần 9,5 tỷ đồng năm 2014; giá trị thu nhập bình quân mỗi héc-ta (tính theo chu kỳ cây 7 năm) tăng từ 23,4 triệu đồng (năm 2007) lên 44,3 triệu đồng (năm 2014).
Đến nay, tổng số cán bộ, công nhân viên Công ty có 52 người, số lao động gián tiếp chỉ còn 18 người. Công ty có 3 đội sản xuất lâm nghiệp, 1 đơn vị chế biến chè và 1 đơn vị chế biến gỗ. Năm qua, Công ty đã sản xuất, cung cấp 340.000 cây giống, đáp ứng kế hoạch trồng 150ha rừng năm 2015 của Công ty và nhân dân trên địa bàn. Đơn vị đã tổ chức khai thác theo hồ sơ thiết kế đạt 6.244m3 (bằng 124% kế hoạch), tiêu thụ 6.020m3; hoạt động chế biến tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. Các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước bảo đảm, trong đó, các khoản thuế nộp trên 426 triệu đồng, các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 700 triệu đồng; đời sống người lao động bảo đảm.
Đây là kết quả đáng ghi nhận, là thuận lợi để Công ty thực hiện hiệu quả các phương án sản xuất, kinh doanh, trước mắt là hoàn thành mục tiêu sản xuất năm 2015 trồng mới 150ha rừng, khai thác 5.500m3 gỗ rừng trồng, sản xuất 1.000m3 gỗ ván bóc, chế biến 150 tấn chè đen; phấn đấu doanh thu 7 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 500 triệu đồng, tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện cơ chế trồng rừng và sống được nhờ rừng cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn các xã vùng ngoài của huyện.
Minh Quang
Các tin khác
Sau nhiều ngày tăng kịch trần, sáng nay 7.5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%).
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) có 167 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản. Nhiều mô hình có hiệu quả cao như: mô hình nuôi lợn nái, nuôi gà thịt, trồng mía đỏ cho thu nhập từ 150- 180 triệu đồng/năm...
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
YBĐT - Sáng 6/5, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/4/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.