Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ bắt đầu thu phí từ tháng 7 tới
- Cập nhật: Thứ ba, 12/5/2015 | 1:24:08 PM
Được khởi công từ tháng 7/2014, đến nay, dự án nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính.
|
Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước 30/6/2015, rút ngắn tiến độ 6 tháng so với hợp đồng ký kết và chính thức bắt đầu thu phí từ tháng 7/2015.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, dự án sau khi nâng cấp hoàn thành giai đoạn 1 sẽ áp dụng hình thức thu phí kín, như các tuyến đường cao tốc khác tại Việt Nam.
Mức phí áp dụng là 1.500 đồng/km/PCU, mức phí trên được tính toán theo các quy định của pháp luật và đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án. Mức thu phí của dự án này tương tự như một số dự án: Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai… Mức phí này được tính toán và áp dụng cho cả giai đoạn 2 sau khi hoàn chỉnh 6 làn xe.
Dự án đầu tư, nâng cấp đường Pháp Vân-Cầu Giẽ được khởi công từ tháng 7/2014 do Liên danh Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco1)-Minh Phát-Phương Thành làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, các nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí trên đoạn đường Pháp Vân-Cầu Giẽ. Thời gian thu phí 17 năm 3 tháng.
Thời gian thực hiện giai đoạn 1 theo Hợp đồng của dự án thi công từ Quý 3/2014 đến quý 4/2015. Tuy nhiên, trên cơ sở tình hình thực tế và tính cấp bách của dự án, nhà đầu tư đã huy động nhân lực thiết bị và tài chính tập trung triển khai thi công để hoàn thành sớm hơn kế hoạch, rút ngắn tiến độ so với Hợp đồng ký kết khoảng 6 tháng. Đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính. Dự kiến Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước 30/6/2015.
Tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh phía Nam và khu vực lân cận; là một phần của đường Quốc lộ 1 trùng với đường cao tốc Bắc-Nam sẽ được hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2018.
Tuyến đường được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2002 với quy mô đường cấp I đồng bằng đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác cũng như có nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp không thể bố trí để đầu tư nâng cấp mở rộng, nên Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp thành đường cao tốc theo hình thức BOT.
Dự án có điểm đầu tại Km182+300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội). Điểm cuối tại Km211+256 (tại Km211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình). Dự án đi qua địa bàn quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên-Thành phố Hà Nội với tổng chiều dài khoảng 29Km.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 6.731 tỷ đồng và được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có mức đầu tư 1.974 tỷ đồng bao gồm: cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới; tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m và sẽ được thi công từ quý 3/2014 đến năm 2015.
Giai đoạn 2 có mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, bao gồm: xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe; bề rộng nền đường 33,5m; xây dựng đường gom song hành hai bên. Giai đoạn 2 tiến hành giải phóng mặt bằng trong năm 2015-2016, hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào khai thác đầu năm 2018.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Năm 2015, huyện Yên Bình được tỉnh giao kế hoạch thu ngân sách trên 106 tỷ đồng; HĐND huyện ra nghị quyết phấn đấu thu 120 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/4, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 28,5 tỷ đồng (bằng 26,9% dự toán tỉnh giao và 23,8% dự toán HĐND huyện giao); trong đó thu quốc doanh 1,2 tỷ đồng, ngoài quốc doanh 9,3 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 2,1 tỷ đồng, trước bạ 6,9 tỷ đồng...
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (Hội đồng thẩm định).
YBĐT - Nhờ tích cực tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích phát triển kinh tế, đến nay Hội Phụ nữ xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có từ 20 - 30 hội viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng/năm.