Nông dân Mù Cang Chải thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/5/2015 | 10:05:07 AM

YênBái - YBĐT - Để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã thực hiện tốt phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”. Qua đó, nhiều gia đình hội viên đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng bào Mông xã Púng Luông thi đua khai hoang ruộng bậc thang.
Đồng bào Mông xã Púng Luông thi đua khai hoang ruộng bậc thang.

Gia đình anh Lý A Tồng ở bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn là một trong những hộ trước đây gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Năm 2014, gia đình anh đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đầu tư mua trâu giống, nuôi ngan, vịt và mua các loại giống ngô, lúa năng suất cao về để gieo trồng. Đồng thời, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện tổ chức tại địa bàn.

Từ đó, anh được nâng cao kiến thức nên việc phát triển chăn nuôi của gia đình anh đã trở nên thuận lợi hơn và phòng tránh được dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Cùng phát triển chăn nuôi, gia đình anh còn tích cực sản xuất lúa, ngô, sắn, thảo quả và trồng rừng kinh tế như cây sơn tra, măng tre, cho thu hoạch từ 12 -13 bao thóc/vụ, thu nhập từ chăn nuôi, thảo quả, sơn tra... mỗi năm được 50 - 60 triệu đồng. Nhờ đó, từ một hộ nghèo, đến nay gia đình anh đã được công nhận thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, con anh đã có điều kiện học tập tốt hơn.
Gia đình ông Sùng A Sào ở bản Hú Trù Lình, xã Lao Chải cũng là một trong những hội viên nông dân biết làm kinh tế giỏi ở Lao Chải. Năm 2007, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư vào chăn nuôi lợn, bò, trâu. Những năm đầu mới chăn nuôi do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình ông không tránh khỏi thất bại. Không nản chí, ông tiếp tục đầu tư và tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm qua các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức và tham khảo qua báo, đài... rồi đưa vào áp dụng thực tế. Từ đó, công việc chăn nuôi và sản xuất của gia đình ông đã cho hiệu quả ngày càng cao. Hiện nay, gia đình ông có 6 con trâu, 13 con bò. Ngoài ra, ông còn nuôi lợn thương phẩm, mỗi năm xuất ra thị trường 2 - 3 lứa lợn,  mỗi lứa từ 20 con trở lên. Từ việc chăn nuôi và sản xuất, mỗi năm gia đình đã thu nhập gần 770 triệu đồng và trở thành một trong những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập cao nhất xã Lao Chải.

Ông Sùng A Sào cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, chưa nói đến làm giàu, gạo ăn hàng năm còn thiếu. Vì thế, tôi đã quyết tâm vay vốn để đầu tư vào chăn nuôi và sản xuất, sau nhiều năm phấn đấu, giờ đây thu nhập của gia đình đã được ổn định. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư vào việc phát triển rừng, trong đó tập trung trồng cây sơn tra và một số loại cây có giá trị kinh tế khác”. Trên địa bàn huyện hiện nay còn khá nhiều hội viên làm kinh tế giỏi như các gia đình: Thào Khua Kỷ ở bản Nả Háng Tâu (xã Púng Luông), Sùng A Sình bản Chế Tạo (xã Chế Tạo), Lò Văn Lăm, bản Lìm Thái (xã Cao Phạ), Sùng A Páo, bản Đá Đen (xã Nậm Có)...

Nông dân xã La Pán Tẩn chăm sóc ngô.

Hội Nông dân xã Lao Chải có 730 hội viên, sinh hoạt tại 14 chi hội. Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển chăn nuôi và sản xuất, những năm qua, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y tổ chức nhiều lớp tập huấn về tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho hội viên. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, đã có 200 lượt hội viên nông dân được tham gia các lớp tập huấn này. Tháo gỡ khó khăn về vốn cho hội viên, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tín chấp cho hội viên vay vốn với tổng số tiền trên 325 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tích cực đóng góp ngày công, tiền của và hiến đất để mở mới và sửa chữa các tuyến đường giao thông, tạo thuận lợi cho cho bà con phát triển kinh tế. Đến nay, tất cả các bản trên địa bàn xã đều đã có đường cho xe máy lưu thông.

Hiện nay, huyện Mù Cang Chải có 6.000 hội viên nông dân, trong đó có trên 2.800 hội viên đã trở thành hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi ở các cấp, trong đó cấp Trung ương có 13 hộ, cấp tỉnh có 290 hộ, cấp huyện có 658 hộ và cấp cơ sở có 1.810 hộ. Để tiếp tục tạo thuận lợi cho hội viên tiếp cận thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến mới vào sản xuất, những năm qua, Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức mở được 70 lớp đào tạo nghề cho trên 2.800 lao động nông thôn, trên 90 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 5.150 lượt hội viên, triển khai trồng thí điểm 20 mô hình lúa giống mới tại địa bàn 10 xã, thị trấn và tổ chức 4 hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả về các giống cây trồng mới đồng thời định hướng giúp cho hội viên để lựa chọn những giống có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Hội chủ động phối hợp với các ngân hàng giúp hội viên nông dân vay vốn. Ngoài ra, các cấp hội còn vận động hội viên xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 250 triệu đồng cho các hộ hội viên nghèo vay không tính lãi. Đã có nhiều tấm gương nông dân nghèo vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện xuống còn 56%.

Ông Thào A Pủa - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải cho biết: “Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay và vận động các hội viên có điều kiện tham gia chia sẻ, giúp đỡ các hội viên nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi để xóa đói giảm nghèo”.

Phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong những năm qua đã thực sự lôi cuốn, khích lệ hàng nghìn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn vùng cao.

Sùng A Hồng

Các tin khác
Tập kết, vận chuyển vải đi tiêu thụ ở huyện Thanh Hà (Hải Dương).

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thúc đẩy tiêu thụ quả vải tươi.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2014, năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74 trên thế giới, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010. Chủ trương BOT là lý do giao thông được nâng hạng.

Ảnh minh họa.

Mở cửa phiên đầu tuần sáng nay (25/5), giá bán vàng SJC vẫn được các doanh nghiệp trong nước niêm yết dưới mốc 35 triệu đồng/lượng, mức thấp nhất từ đầu năm trở lại đây.

Phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục