Đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/9/2015 | 5:15:27 PM

YênBái - YBĐT - Những năm qua, phát triển du lịch đã được thị xã Nghĩa Lộ xác định là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng thị xã văn hóa - du lịch vào năm 2020. Đặc biệt, mô hình phát triển du lịch cộng đồng đã được quan tâm đầu tư, bước đầu đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Các cơ sở du lịch cộng đồng học nấu các món ăn phục vụ du khách phương Tây.
Các cơ sở du lịch cộng đồng học nấu các món ăn phục vụ du khách phương Tây.

Từ khi Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ" được phê duyệt và triển khai thực hiện, từ năm 2013, hoạt động phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch cộng đồng nói riêng của thị xã Nghĩa Lộ đã có những nét khởi sắc. Các chỉ tiêu về phát triển du lịch được quan tâm xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện. Năm 2013, thị xã đón 30 ngàn lượt khách và đến năm 2015, đạt 40 ngàn lượt, số cơ sở lưu trú đạt chuẩn năm 2013 là 15 cơ sở, năm 2015 là 20 cơ sở, tỷ trọng ngành du lịch chiếm 2,98% GDP của thị xã.

Bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã cho biết: "Nghĩa Lộ có 17 dân tộc, trong đó người Thái chiếm gần 50%. Thời gian qua, thị xã đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng như: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, hỗ trợ kinh phí mở lớp dạy tiếng và chữ Thái cổ, khôi phục, bảo tồn lễ hội truyền thống, mở lớp dạy nấu các món ăn truyền thống, truyền dạy các làn điệu dân ca dân vũ, nhạc cụ dân tộc, hỗ trợ hoạt động câu lạc bộ văn hóa dân gian và đội văn nghệ cơ sở. Cụ thể, thị xã hỗ trợ cho hộ gia đình làm du lịch cộng đồng 10 - 15 triệu đồng/hộ, mở lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, tổ chức khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe dân tộc Thái, các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ truyền thống.

Đến nay, thị xã đã có gần 20 hộ làm du lịch cộng đồng, 50 đội văn nghệ, trong đó có 13 đội văn nghệ nòng cốt, trên 30 câu lạc bộ thể thao…".
Cùng với khu du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa An, năm 2014, Nghĩa Lộ đã xây dựng mới 1 khu du lịch cộng đồng tại bản Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi với quy mô 13 hộ gia đình, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhân dân 3,9 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế Đề án 260 triệu đồng. Dự án đã đi vào hoạt động, hoàn thiện các điều kiện, bảo đảm đón, phục vụ khách du lịch đến thăm quan. Đến tháng 8/2015, trung bình mỗi hộ gia đình đón từ 500 đến 800 khách du lịch, có những hộ gia đình có lượng khách du lịch đến thăm quan thường xuyên ở mức một nghìn khách/hộ/năm như hộ gia đình ông Chu Văn Luật ở xã Nghĩa An, gia đình bà Lường Thị Hồng Chung ở xã Nghĩa Lợi...

Bà Hoàng Thị Loan ở bản Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi cho biết: "Khi thị xã có chủ trương mở mới thêm khu du lịch cộng đồng, đầu năm 2015, gia đình tôi mạnh dạn làm mô hình du lịch cộng đồng CBT đầu tiên của bản. Ban đầu, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng cơ sở vật chất, kiến thức du lịch, cách giao tiếp, ngôn ngữ bất đồng... nhưng được sự động viên của chính quyền các cấp, gia đình quyết tâm đầu tư gần 200 triệu đồng để tu sửa, mua sắm trang thiết bị, phục vụ tối đa 20 khách ăn, ngủ nghỉ. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, thu hút gần 500 lượt khách. Trừ hết chi phí, gia đình thu gần 30 triệu đồng".

Thực tế cho thấy, phát triển khu du lịch cộng đồng đã góp phần thu hút khách du lịch, đặc biệt, tạo việc làm tại chỗ, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Nét mới trong phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ, thời gian vừa qua, các hộ gia đình chủ động liên kết với các công ty du lịch để được hỗ trợ về kiến thức, thiết kế nhà sàn, cách giao tiếp, ẩm thực của người khách nước ngoài... Điển hình như Công ty cổ phần Thân thiện Hà Nội liên kết trong kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng với gia đình bà Hoàng Thị Phượng (xã Nghĩa An). Theo đó, Công ty hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng để gia đình cung cấp những dịch vụ du lịch chất lượng tốt nhất. Công ty Á châu Hà Nội (Alirika) liên kết với gia đình ông Lò Văn Bình (bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi)...

Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ còn nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến các cơ sở tự phát, manh mún, chưa thực hiện quy hoạch tập trung trong một vùng. Kế đến là vấn đề vệ sinh môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ấn tượng của khách. Mặc dù được các hộ đầu tư nhưng cơ sở vật chất phục vụ việc ngủ, nghỉ của khách nước ngoài chưa thực sự bảo đảm...

Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND thị xã cho biết: "Mục tiêu của Nghĩa Lộ đến năm 2020 sẽ có 40 cơ sở lưu trú, đón và phục vụ trên 60 nghìn lượt khách. Để thúc đẩy và đưa du lịch phát triển bền vững, thị xã cần có quy hoạch chiến lược, cần tổ chức thực hiện theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của nhân dân về du lịch; chủ động liên kết, phối hợp hình thành tour, tuyến du lịch: Yên Bái - Văn Chấn - Nghĩa Lộ - Mường Lò gắn với chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc; quan tâm và có cơ chế để khuyến khích, kêu gọi các cá nhân tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch, tu bổ, nâng cấp các công trình văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống".

Với những giải pháp mang tính chiến lược và cụ thể, Nghĩa Lộ đã và đang dần tạo nên những diện mạo mới trong phát triển du lịch cộng đồng. Tin rằng, trong tương lai gần, nơi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Trần Minh

Các tin khác

YBĐT - Chiều 11/9, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc đánh giá tiến độ triển khai và bàn các giải pháp xử lý vướng mắc còn tồn tại Dự án đường tránh ngập thành phố Yên Bái. Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. (ảnh)

Quang cảnh Hội nghị.

YBĐT - Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, triển khai Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức sáng 11/9. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Vị trí một trạm thu phí tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Quang Cường/Vietnam+)

Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ vừa có đề nghị lên Bộ Giao thông Vận tải cho phép nhà đầu tư tổ chức thu phí hoàn vốn dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) từ ngày 15/9.

Du khách muôn phương thích thú khi được hòa nhập vòng xòe với đồng bào Thái ở thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

YBĐT - Tuần Văn hóa - Du lịch (VH&DL) Mường Lò năm 2015 được tổ chức chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng Nghĩa Lộ (18/10/1952 - 18/10/2015) và nhằm tôn vinh, quảng bá nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục