Mù Cang Chải đẩy mạnh cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt
- Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2015 | 4:47:44 PM
YênBái - YBĐT - Ở Mù Cang Chải (Yên Bái), công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được đẩy mạnh; nâng cao chất lượng các sự kiện xúc tiến thương mại hàng Việt Nam; bảo đảm mục đích cuộc vận động và tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải thường lựa chọn hàng Việt Nam mỗi khi xuống chợ.
|
Để cuộc vận động đạt hiệu quả, huyện Mù Cang Chải đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lồng ghép với quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam tới người tiêu dùng. Huyện đã tuyên truyền hai lượt bằng xe lưu động trên trục đường từ khu vực thị tứ Ngã ba Kim tới xã Hồ Bốn và treo 15 băng rôn, khẩu hiệu tại các điểm chợ trên địa bàn; Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng 10 bản tin và 3 phóng sự phát bằng hai thứ tiếng phổ thông và Mông để nhân dân hiểu rõ chất lượng và ý nghĩa của hàng Việt Nam.
Ngoài ra, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện còn phối hợp với Công ty Tổ chức Hội chợ thương mại F17 tổ chức 2 lần hội chợ thương mại gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với 90 gian hàng; tổ chức “Chợ phiên vùng cao” huyện Mù Cang Chải năm 2015 với 16 gian hàng được trưng bày, triển lãm các sản phẩm tiêu biểu của địa phương gồm trang phục và nhạc cụ các dân tộc, hàng nông sản, dụng cụ cầm tay...
Cùng với đó, huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9 triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát lượng lưu thông hàng hóa trên địa bàn; kịp thời xử lý, nhắc nhở các tổ chức, doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
Công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được đẩy mạnh; nâng cao chất lượng các sự kiện xúc tiến thương mại hàng Việt Nam; bảo đảm mục đích cuộc vận động và tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện đã kiểm tra 59 vụ, xử lý 39 vụ, phạt hành chính 43 triệu đồng, bán hàng tịch thu 6,1 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy 59 triệu đồng...
Anh Giàng A Sùng, bản Pú Cang, xã Nậm Khắt cho biết: "Tôi cũng như nhiều người dân của huyện cả ngày ở trên đồi, rất ít xuống chợ, không biết xuất xứ và chất lượng của các mặt hàng mà mình đã mua. Các món hàng mà mình đã mua phụ thuộc hoàn toàn vào người bán. Nay nhờ có các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, mình có cơ hội biết và dùng hàng Việt nhiều hơn".
Còn chị Trần Thị Nguyệt, hộ kinh doanh tạp hóa ở chợ Mù Cang Chải cho hay: "Trước đây, người dân khi ra chợ mua sắm đa số họ chỉ quan tâm đến giá cả đắt hay rẻ hoặc về hình thức bề ngoài đẹp hay xấu chứ ít quan tâm đến xuất xứ của sản phẩm. Thế nhưng vài năm trở lại đây, mỗi khi mua hàng hóa, người tiêu dùng đã hỏi đây có phải là hàng Việt Nam hay không. Chính sự kỹ lưỡng này của người tiêu dùng đã buộc những hộ kinh doanh như chúng tôi phải lựa chọn kỹ những mặt hàng trước khi nhập về và đa số là hàng hóa trong nước, nhất là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao".
Đồng chí Giàng A Su - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã phát động việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, giúp người tiêu dùng trên địa bàn huyện nhận thức đúng khả năng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam".
Được biết, cùng với đó huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng yêu cầu của cuộc vận động và thực hiện mua sắm hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong huyện khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên dùng các thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Là một thôn khó khăn của xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), những năm gần đây, Bản Vệ đã phát huy nội lực, khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
YBĐT - Vụ đông năm nay, toàn xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình có kế hoạch trồng trên 160 ha, trong đó có 85 ha cây ngô đông, 20 ha khoai lang và 59 ha cây rau màu các loại. Theo ước tính, mỗi ha cây vụ đông sẽ cho thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng, sản phẩm thu được từ vụ đông sẽ góp phần thúc đẩy chăn nuôi của xã phát triển.
YBĐT - Công trình cầu Cướm, xã Thượng Bằng La do UBND huyện Văn Chấn làm chủ đầu tư được triển khai thi công từ năm 2011, dự kiến đến năm 2013 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, sau 4 năm thi công, công trình mới xây dựng được 2 trụ mố cầu.
YBĐT - Với diện tích đất lâm nghiệp trên 9.500 ha, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có trên 8.900 ha rừng gồm 7.597 ha rừng tự nhiên, 1.377 ha rừng trồng, 736 ha rừng chăm sóc hàng năm.