Hưng Thịnh cần nước tưới cho gieo trồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2015 | 2:49:31 PM

YênBái - YBĐT - Xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) hiện có 20 công trình thủy lợi gồm đập đầu mối và mương dẫn phân bố ở 11/11 thôn. Đập đầu mối trên địa bàn có 4 công trình đã được kiên cố hóa. Các tuyến mương dẫn mới chỉ có 3.750 m được kiên cố hóa trên tổng số 16.000 m.

Một đoạn mương dẫn ở thôn Quang Vinh bị đất vùi lấp.
Một đoạn mương dẫn ở thôn Quang Vinh bị đất vùi lấp.

Đồng chí Nguyễn Thuyết Tùng - cán bộ Địa chính - Kinh tế, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên bày tỏ nhiều trăn trở về hệ thống công trình thủy lợi của địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hưng Thịnh hiện có 20 công trình thủy lợi gồm đập đầu mối và mương dẫn phân bố ở 11/11 thôn. Đập đầu mối trên địa bàn có 4 công trình đã được kiên cố hóa. Các tuyến mương dẫn mới chỉ có 3.750 m được kiên cố hóa trên tổng số 16.000 m.

Đồng chí Nguyễn Thuyết Tùng đánh giá: "Thực tế là đối với những công trình thủy lợi đã được kiên cố hóa, ý thức giữ gìn và bảo vệ của người dân cũng tốt hơn so với các công trình chưa được kiên cố hóa".

Sẽ không phân biệt được đâu là tuyến mương dẫn, đâu là đường đi trên địa bàn thôn Quang Vinh nếu không có sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Thuyết Tùng. Có những đoạn, mặt mương dẫn gần như đã lẫn vào mặt đường đất.

Một chú trâu béo tốt kéo theo vài cây gỗ vườn đi phía sau cứ vô tư ngênh ngang khắp con đường nhỏ hẹp. Đoạn khác, máy xúc đất cũng thoải mái xả đất đỏ au xuống tuyến mương sát cạnh đường. "Chuyện này không phải hiếm gì đâu và diễn ra ở hầu khắp các tuyến mương dẫn chưa được kiên cố hóa. Cũng bởi đó là những tuyến mương đất nên cũng rất dễ bị xâm hại như vậy" - đồng chí Nguyễn Thuyết Tùng chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Gia Hồng - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên:


"Hiện nay, xã Hưng Thịnh đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu hết năm nay sẽ đạt thêm 2 tiêu chí. Trong các tiêu chí chưa đạt của địa phương, có tiêu chí số 3 về thủy lợi. Chúng tôi mong muốn rằng sẽ tiếp tục được đầu tư kiên cố hóa hệ thống thủy lợi của xã để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo lộ trình phấn đấu đến năm 2020".

Hàng năm, việc tu sửa hệ thống công trình thủy lợi của xã Hưng Thịnh được thực hiện từ nguồn ngân sách cấp bù thủy lợi phí. Trên cơ sở đó, các thôn sẽ được nhận phân bổ theo thực tế diện tích đất trồng lúa từng vụ của thôn mình. Các thôn cũng từ đó huy động các nông hộ có sử dụng nước từ công trình thủy lợi tiến hành làm cỏ, dọn vệ sinh, nạo vét, đắp đào mương...

Tuy nhiên, với hiện trạng giống như tuyến mương dẫn ở thôn Quang Vinh thì có thể thấy, hiệu quả của công việc này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Khu vực thôn Quang Vinh có tổng chiều dài 1.200 m mương đất. Nơi đây đan xen diện tích ruộng lúa nước của 5 thôn: Quang Vinh, Yên Thuận, Kim Bình, Yên Thành, Yên Ninh.

Khi phần lớn các tuyến mương dẫn chưa được kiên cố hóa cộng với nguồn nước tự chảy, đương nhiên lượng nước sẽ bị hao hụt nhiều. Điều này cũng kéo theo các vấn đề đi sau là người dân chăm sóc lúa mất nhiều công hơn, khung thời vụ cũng khó bảo đảm hơn. Thường thì vụ chiêm trên địa bàn xã bị thiếu nước nhiều hơn so với vụ mùa hàng năm và thiếu nhất vào giai đoạn dưỡng lúa sau cấy. Vụ mùa diễn ra trong thời điểm mùa mưa nên lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp có khá hơn. Vậy nhưng vụ mùa năm nay, do mưa ít hơn hẳn mọi năm nên Hưng Thịnh có tới 30 ha/138 ha ruộng bị hạn, nông dân phải tích cực và cố gắng khắc phục trong khả năng cao nhất.

Nhà bà Hà Thị Thúy Đương ở thôn Quang Vinh vụ đông này không trồng thêm bất cứ loại cây trồng nào. Hỏi lý do, bà bảo bận trông cháu ngoại, không còn thời gian, lại hết cả người làm, nguồn nước cũng kém thuận lợi. Cấy 6 sào lúa giống Thiên ưu 8 trong vụ mùa, bà kể, mương dẫn về tận ruộng nhưng năm nay, trời nắng nhiều thành ra nguồn nước kém. Địa bàn thôn không có suối, rất ít hộ có ao, duy chỉ Khe Cạn chảy từ trong núi ra nên nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc tự nhiên. "Mưa nắng thuận hòa thì ơn trời mà chẳng được thế cũng đành chịu. Mọi năm, tôi cũng làm ít ngô, khoai lang vụ đông. Nếu có người, nếu đủ nước thì tôi vẫn sẽ làm vụ đông" - bà Đương giãi bày.

Vụ đông trên đất hai vụ lúa về bản chất cũng không dễ làm ở xã Hưng Thịnh. Tìm hiểu những yếu tố tác động trực tiếp tới sản xuất vụ đông tại địa phương, có thể thấy rõ các lý do khách quan. Trước hết, lượng ánh sáng trong mùa đông thấp, nền nhiệt cũng thấp nên cây trồng sinh trưởng không tốt. Thứ hai, trên địa bàn xã, cây ăn quả có múi được người dân chú trọng quan tâm hơn bởi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thứ ba, tiểu thủ công nghiệp phát triển, tiền công mà mỗi người dân đi làm thuê hàng ngày tính ra cao hơn nhiều so với trồng cây vụ đông. Rau cải các loại, su hào, súp lơ, khoai tây, khoai lang... vì thế nên lác đác có mặt trên đồng đất Hưng Thịnh trong mỗi vụ đông.

Khó khăn ấy không thể nói không khách quan song vẫn gợn những băn khoăn khi ngang qua những cánh đồng trắng đất... Là bởi nhớ lại lời của bà Hà Thị Thúy Đương ở thôn Quang Vinh: "Thật ra, làm vụ đông là cũng có thêm thu nhập đấy chứ. Nhà nông thì cứ phải "năng nhặt chặt bị" thế thôi".

Cũng nhớ lại lời của đồng chí Nguyễn Thuyết Tùng: "Cánh đồng Đồng Trò rộng đến 20 ha thuộc địa phận thôn Yên Thuận và Quang Vinh có đất tơi xốp, chân ruộng không thụt, lại thuận tiện giao thông. Nếu như các tuyến mương dẫn có thể bảo đảm đủ năng lực nước tưới cho khu vực này thì cũng có thể nghĩ đến việc sản xuất vụ đông".

 Nguyễn Thơm

Các tin khác
Cầu vượt và đường dẫn hai bên cầu thuộc dự án xây dựng nút giao thông đường đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì (huyện Đông Anh) hoàn thành trước tiến độ 170 ngày

Nút giao thông đường đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì hoàn thành đã kết nối các tuyến đường trục giữa đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì với tuyến đường 5 kéo dài và đường sắt quốc gia Bắc Hồng - Văn Điển.

Nhà thầu đã sửa chữa những vị trí lún vệt hằn bánh xe lớn hơn và bằng 2,5cm, còn các vị trí nhỏ hơn 2,5cm tiếp tục theo dõi.

YBĐT - Đến ngày 30/10, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục tình trạng lún cục bộ mặt đường và hằn lún vệt bánh xe trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Đồng chí Lương Mạnh Hà - Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn phát biểu khai mạc lớp tập huấn

YBĐT – Ngày 30/10, tại Nhà thiếu nhi tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho trên 100 đồng chí là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Mùa A Tòng (bên trái) - Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông và lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải trao đổi về việc thực hiện công tác dạy nghề của địa phương.

YBĐT- Đồng chí Mùa A Tòng - Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Nhờ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cùng với hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại, nhân dân địa phương đã tích cực tham gia trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng”. Điều này đã thực sự góp phần nâng cao thu nhập cho mỗi gia đình, giúp đồng bào cải thiện đời sống vật chất một cách thiết thực nhất, rõ rệt nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục