Hoa nở trên Bu Cao
- Cập nhật: Thứ hai, 2/11/2015 | 3:01:08 PM
YênBái - YBĐT - Trong chuyến công tác vừa qua chúng tôi có dịp đến với bản Bu Cao của xã Suối Bu (huyện Văn Chấn). Đây là bản vùng ba đặc biệt khó khăn, có 114 hộ với 554 khẩu, hầu hết là dân tộc Mông gồm ba họ: Mùa, Vàng, Sùng. Hưởng ứng cuộc vận động định canh định cư của Nhà nước, năm 2009 có 85 hộ đầu tiên rời bản trên núi cao xuống nơi ở mới.
Được Nhà nước đầu tư từ các chương trình 135, 134 và các chương trình mục tiêu quốc gia khác nên có mặt bằng làm nhà ở, có đường bê tông, công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học mầm non. Sau hơn 5 năm hạ sơn, cuộc sống của người dân trong bản đã thuận lợi rất nhiều.
Bây giờ tất cả các hộ ở bản tái định cư đều được sử dụng điện lưới quốc gia, dùng nước sạch. Hiện 80% số hộ trong bản có xe máy, gần 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Đứng trên đồi cao nhìn xuống, những ngôi nhà người Mông lợp phi brô xi măng xếp ngay ngắn hai bên đường trục chính đẹp như phố thị mà nổi bật là ngôi nhà xây hai tầng của Trưởng bản Mùa A Chang.
Qua chuyện trò mới biết Trưởng bản năm nay 38 tuổi, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đã học hết chương trình lớp 9/12. Gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên tại bản Bu Cao tự nguyện hạ sơn xuống đứng chân tại khu tái định cư. Về đây, nhờ sự giúp đỡ của bà con cùng chính quyền địa phương đã dựng được ngôi nhà gỗ 3 gian để ở và bắt đầu làm quen với cuộc sống mới. Nhiều khó khăn lắm, nhất là vấn đề đất sản xuất, cho đến bây giờ vẫn phải về nơi cũ canh tác. Để xây dựng được ngôi nhà ngót nghét nửa tỷ đồng này vợ chồng phải tích lũy suốt 5 năm, từ trồng 5.000 m2 chè, 1.000 m2 lúa nước cùng phát triển chăn nuôi và mở thêm dịch vụ kinh doanh hàng tạp hóa. Tận tụy với công việc, Mùa A Chang chẳng mấy khi có mặt ở nhà.
Ngay khi chúng tôi đến anh cũng đang đi kiểm tra việc nạo vét và sửa chữa kênh mương lấy nước làm vụ mới. Rồi việc xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, huy động 100% trẻ trong độ tuổi đến lớp học, lao động sản xuất xóa đói nghèo, thẩm định hồ sơ giúp hộ nghèo vay vốn ngân hàng... Theo Trưởng bản Mùa A Chang, kinh tế chung của bản Bu Cao còn ở xuất phát điểm thấp, có đến 82/114 hộ nghèo, khá như gia đình anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể tên một số hộ thoát nghèo tiêu biểu như: Mùa Cư Gia, Mùa A Sinh, Vàng Sáng Lao, Mùa A Su, Sùng Thị Sía. Vì vậy, vấn đề nêu gương là vô cùng quan trọng và anh đang phát huy vai trò tiên phong của đảng viên để quần chúng noi theo.
Cũng ở đây tôi còn được gặp Sùng Thị Sía, một phụ nữ Mông đảm việc nhà, giỏi việc xã hội. Ngôi nhà của chị ở ngay đầu bản, dẫu chưa xây khang trang như nhà Trưởng bản song gọn gàng, ngăn nắp. Chỗ ở, nhà bếp, khu chăn nuôi xa nơi sinh hoạt của gia đình, nhìn vào đủ thấy sự khoa học của người quy hoạch.Vẫn cái vẻ rụt dè của phụ nữ vùng cao khi tiếp chuyện cánh báo chí, Sùng Thị Sía cho biết: Chị sinh năm 1982, gia đình ở bản Ba Cầu, lấy chồng về bản Bu Cao từ lúc 18 tuổi. Năm 1999 bắt đầu tham gia công tác xã hội, từng đảm nhiệm vị trí Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Bu Cao, rồi Chủ tịch Hội phụ nữ xã và từ tháng 1/2015 chị được giao trọng trách Phó chủ tịch UBND xã Suối Bu.
Xác định rõ vai trò nêu gương của cán bộ, chị luôn đi đầu trong nhiều phong trào như: học văn hóa, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế, tất cả vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với suy nghĩ cần có cái chữ để làm việc, Sùng Thị Sía dám vượt qua định kiến về người phụ nữ Mông chỉ biết quanh quẩn việc nhà để đi học xóa mù chữ tại xã. Sau thời gian 15 năm kiên trì chị đã học xong lớp 12 và vừa hoàn thành chương trình Đại học Luật tại chức, Trung cấp Lý luận chính trị.
Nói về sự cần thiết của học chữ, chị tâm sự: "Càng học em càng thấm thía nỗi khổ của phụ nữ các dân tộc ít người. Nhiều chị em không có điều kiện đi học, chỉ biết tiếng Mông, nhận thức rất hạn chế. Chúng em vận động hội viên phụ nữ nhiều vấn đề, đặc biệt là vận động chị em đi học xóa mù. Chị em có chữ, đọc được, viết được, nhận thức các vấn đề nhanh hơn, dễ tiếp thu khoa học kỹ thuật, mạnh dạn phát biểu ý kiến. Các hộ gia đình ở 4 thôn bản của xã Suối Bu nay đã chuyển biến nhận thức đều cho con em đi học. Trẻ em gái trước năm 1999 không ai có trình độ phổ thông cơ sở, nay đã có nhiều rồi. Từ đó, việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thuận lợi, chị em tích cực giúp nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển nông lâm nghiệp, vay vốn phát triển chăn nuôi. Nạn tảo hôn giảm hẳn; đám cưới, đám tang đã thực hiện theo nếp sống mới, văn minh hơn".
Sùng Thị Sía cũng là người đầu tiên ở bản Bu Cao và trong xã thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ ba cho dù hai lần sinh đều là gái. Biết làm tốt công tác tư tưởng cho gia đình, tập trung nuôi con ăn học nên các con gái của chị đều là học sinh ngoan. Về kinh tế gia đình chị thuộc loại khá ở bản Bu Cao. Hàng năm gia đình chị gieo cấy 1.000 m2 lúa nước, ngô nương thu được 3 tấn hạt và trồng 6.000 m2 chè Trung du cùng 8.000 m2 chè Shan, thu hái mỗi vụ 4 tạ chè búp tươi. Ngoài ra, chị tích cực chăn nuôi trâu, bò và cũng là người đầu tiên ở Bu Cao phát triển nuôi dê với số lượng 15 con. Học tập chị, ở Bu Cao giờ đã có gần chục hộ đầu tư nuôi dê. Tổng thu nhập hàng năm từ kinh tế hộ của gia đình chị đạt 30 đến 40 triệu đồng. Kinh tế ổn định, chị càng có điều kiện toàn tâm, toàn ý để làm tốt hơn công tác mà Đảng và nhân dân giao phó.
Đến nơi đây, gặp những người con dân tộc Mông đang hàng ngày cùng bà con dân bản phấn đấu vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tự đáy lòng tôi không khỏi cảm phục. Họ chính là những bông hoa đẹp của núi rừng đang tỏa hương chốn Bu Cao.
Thế Quynh
Các tin khác
Tổng thu ngân sách Nhà nước sau 10 tháng hiện đang giữ mức tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái với con số được ghi nhận là khoảng 777.000 tỷ đồng.
Chiều 1/11, các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã công bố giá gas tháng 11/2015 sẽ tăng hơn 1.416 đồng/kg, tương đương khoảng 17.000 đồng/bình 12kg so với tháng trước.
Trước tình hình hạn hán, nguồn nước thiếu hụt gay gắt, các bộ, ngành và các địa phương xác định trình tự điều tiết, cấp nước: Ưu tiên cho nước sinh hoạt của nhân dân, nước cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, rồi mới đến sản xuất công nghiệp.