Cho vay tiêu dùng - hướng phát triển của các ngân hàng thương mại
- Cập nhật: Thứ ba, 3/11/2015 | 10:10:51 AM
YênBái - YBĐT -9 tháng qua, thị trường tiền tệ trên địa bàn tỉnh đang rất ổn định, diễn biến có lợi cho nền kinh tế; đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu liên tục giảm; điều đáng chú ý là tín dụng cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân chiếm tới 65,45% tổng dư nợ.
Cho vay tiêu dùng là biện pháp góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
|
Phân tích kết quả hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh 9 tháng qua cho thấy, thị trường tiền tệ đang rất ổn định, diễn biến có lợi cho nền kinh tế; đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu liên tục giảm; điều đáng chú ý là tín dụng cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân chiếm tới 65,45% so với tổng dư nợ.
Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái cho thấy trong 9 tháng qua, nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá; đảm bảo tốt khả năng chi trả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) của các thành phần kinh tế và nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, QTDND đến 30/9/2015 đạt 12.647 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm.
Trong 9 tháng của năm 2015, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã có nhiều giải pháp để tăng trưởng tín dụng phục vụ phát triển SXKD của các thành phần kinh tế, tổng doanh số cho vay đạt 10.458 tỷ đồng; đã giải quyết cho vay 26.568/ 27.471 bộ hồ sơ tín dụng, đạt tỷ lệ 96,71% số hồ sơ đề nghị vay vốn (903 hồ sơ không giải quyết cho vay, nguyên nhân chủ yếu từ phía khách hàng do dự án, phương án SXKD chưa có tính khả thi, không có khả năng tài chính để trả nợ trong thời hạn cam kết...). Tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đến 30/9/2015 đạt 10.941 tỷ đồng, tăng 11,97% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2014 tăng 8,69%).
Trong đó: dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại tăng 947 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 12,62%; dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách - Xã hội tăng 11,80% tương ứng 203 tỷ đồng; dư nợ cho vay của các QTDND tăng 39,5 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,19%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục ổn định: tín dụng ngành nông, lâm nghiệp chiếm 27%; ngành công nghiệp, xây dựng 34%; thương mại, dịch vụ chiếm 39%; tín dụng đối với đối với hộ gia đình, cá nhân chiếm 65,45% so với tổng dư nợ.
Phân tích kết quả hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn trong 9 tháng qua cho chúng ta thấy, thị trường tiền tệ đang rất ổn định, diễn biến có lợi cho nền kinh tế; đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu liên tục giảm; điều đáng chú ý là tín dụng cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân chiếm tới 65,45% so với tổng dư nợ.
Ông Phạm Trung Tùng - Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Yên Bái nhận định: “Xu hướng tất yếu trong sự phát triển của các ngân hàng chính là bán lẻ. Vẫn duy trì hoạt động tín dụng truyền thống (huy động rồi cho vay) các ngân hàng đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ như chuyển tiền, thu hộ, làm trung gian trong các hoạt động kinh tế, thương mại... việc cho vay cũng hướng mạnh đến cho vay cá nhân, vay tiêu dùng”.
Được biết BIDV Yên Bái đã xây dựng chiến lược “bán lẻ” từ rất sớm với việc tập trung nhân lực, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và triển khai các loại hình dịch vụ; song song với đó là mở rộng mạng lưới, nâng cấp 100% các quỹ tiết kiệm ở thành phố Yên Bái thành các phòng giao dịch và chuyển địa điểm Phòng Giao dịch Hồng Hà lên thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên. Tổng dư nợ đến 30/9/2015 của BIDV Yên Bái đạt 2.756 tỷ đồng, hoàn thành 96,4% kế hoạch được giao năm 2015. Dư nợ tín dụng bình quân 9 tháng của năm 2015 đạt 2.551 tỷ đồng, tăng 14,5% so với bình quân năm 2014; đặc biệt trong đó dư nợ tín dụng bán lẻ đến 30/9/2015 đạt 762 tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng dư nợ, tăng 180 tỷ đồng so với đầu năm. Tự hào được làm việc tại ngân hàng “bán lẻ” hàng đầu ở Việt Nam và lớn nhất ở Yên Bái, ông Vũ Trung Kiên - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân BIDV cho biết: “Thuận lợi của việc cho vay cá nhân chính là thủ tục, quy trình đã được cải tiến, rút ngắn đi rất nhiều so với trước kia; tính chuyên nghiệp đã được nâng cao. Gần như 100% khách hàng có nhu cầu vay đều được giải quyết, dù món vay lớn hay nhỏ”.
Phòng khách hàng cá nhân BIDV Yên Bái đạt doanh số cho vay trên 30 tỷ đồng mỗi tháng.
Tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Yên Bái (Agribank Yên Bái) không đứng ngoài cuộc chơi “bán lẻ” và cho vay cá nhân. Với ưu thế mạng lưới rộng, lực lượng nhân viên đông đảo, cắm xuống tận thôn bản, Agribank Yên Bái đã làm tốt chức năng “bà đỡ” cho nông dân. Đồng vốn của ngân hàng này thực sự là động lực để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phồn thịnh. Trong quá trình hoạt động, nhân viên Agribank Yên Bái đã tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận với khách hàng, triển khai các gói sản phẩm của ngân hàng mình và liên tục gặt hái được những thành công. Một cán bộ của Agribank Văn Yên tâm sự: “Cho bà con vay vốn để mua trâu bò, giống má, máy móc phương tiên là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng phát hành thẻ ATM, cho bà con vay tiền mua ô tô, xe máy và các phương tiện sinh hoạt khác cũng được chúng tôi dành sự quan tâm lớn”.
Có thể nói “miếng bánh” cho vay doanh nghiệp ngày càng ít đi, trong khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn, đặc biệt tâm lý mua sắm khi chưa đủ tiền nhưng cuộc sống đã ổn định, nguồn tài chính trong tương lai đảm bảo cho việc chi trả ngày càng phát triển (trước đây phải đủ tiền, có khi phải thừa tiền mới xây nhà, mua xe thì nay chỉ cần 30 đến 40% số tiền là mọi người có thể thực hiện được mục tiêu với cơ chế cho vay của các ngân hàng) thì việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cá nhân là hết sức đúng đắn; mặc dù phía ngân hàng phải tốn thời gian và nhân sự do phải phục vụ nhiều khách hàng, món vay nhỏ lẻ nhưng bù lại rủi ro thấp, lãi suất cao (ít nhất cao hơn 2% đến 3% so với cho vay kinh doanh) sẽ giúp các chi nhánh đảm bảo nguồn thu nhập, đời sống, việc làm cho người lao động.
Đồng vốn tín dụng cho vay tiêu dùng không đầu tư thẳng cho cơ sở SXKD trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng nó lại kích thích tiêu dùng, khuyến khích doanh nghiệp làm ăn và nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, chính sách kinh tế vĩ mô phải liên tục điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, khả năng thật của nền kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng thật, nếu không nền "kinh tế bong bóng" sẽ xuất hiện mà cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ với việc ồ ạt cho vay mua bất động sản xảy ra mới đây là một ví dụ. Khi chưa có nhu cầu sử dụng cao, nền tài chính trong tương lai chưa đảm bảo cho việc chi trả gốc và khoản lãi khá cao thì mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình đừng “vung tay quá trán”.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, Chi cục Thuế huyện Mù Cang Chải đã tranh thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành trong công tác triển khai thu thuế tập trung. Đến thời điểm hiện tại, 100% hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã thực hiện nộp thuế khoán quý III/2015 tại ngân hàng và các điểm thu thuế tập trung.
Từ ngày 30/11/2015, việc kiểm dịch thực vật nội địa được thực hiện theo quy định tại Thông tư 35/2015/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 284,5 tỷ đồng cho 19 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2014 - 2015 và vụ Hè Thu năm 2015.
YBĐT - Đề tài nghiên cứu sử dụng phân viên nén cho cây ngô, sắn trên đất dốc tại huyện Văn Yên đã thực sự đạt hiệu quả ở một số mô hình tại huyện Văn Yên. Việc mở rộng đề tài áp dụng ra nhiều địa phương khác sẽ thực sự là lời giải hiệu quả cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 – 2020, đặc biệt là đối với 6.000 ha ngô và 10.000 ha cây sắn cao sản trên địa bàn.