Nơi đất chuyển mình
- Cập nhật: Thứ ba, 10/11/2015 | 3:20:31 PM
YênBái - YBĐT - Nông nghiệp, nông dân Văn Chấn những năm gần đây có những đổi thay mạnh mẽ, từ vùng cao Suối Giàng, Nậm Mười, An Lương đến các xã vùng lòng chảo Mường Lò Thạch Lương, Phù Nham, Sơn A, Sơn Thịnh... Trong các xã, các bản làng, hạ tầng cơ sở điện - đường - trường - trạm xây dựng khang trang. Những đổi thay đó bắt nguồn từ sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá và xây dựng nông thôn mới.
Nông dân Văn Chấn thu hoạch lúa.
|
Nói là vậy nhưng cũng một thời đời sống người dân Văn Chấn không ổn định. Người Mông, người Thái chưa định canh, định cư. Rồi đến việc đấu tranh giữa sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất lớn, sản xuất hàng hoá. Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã “bắt đất chuyển mình”, xây dựng nông thôn mới.
Huyện đã quy hoạch và phân chia thành ba vùng kinh tế rõ rệt: vùng ngoài tập trung phát triển cây chè, cây ăn quả; vùng lòng chảo Mường Lò phát triển cây lúa theo hướng hàng hoá; vùng cao trồng rừng, chè Shan tuyết. Từ định hướng ấy, hôm nay, trên cánh đồng Mường Lò, bà con không chỉ canh tác lúa để lấy lương thực mà còn hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Trên 1 ngàn héc-ta trên cánh đồng Mường Lò được quy hoạch và đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất như: Chiêm Hương, Việt Lai 20, Thiên Hương...
Tăng mức đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng. Nhờ vậy, năng suất lúa vùng này luôn đạt trên 110 tạ/ha. Nông dân không chỉ gieo cấy hai vụ chắc ăn mà còn làm cây vụ ba, cây rau màu giá trị kinh tế cao. Sản lượng lương thực vùng này luôn chiếm 2/3 sản lượng toàn huyện. Có những mô hình đã đạt mức thu từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Đối với sản xuất lúa ở 8 xã vùng ngoài và các xã vùng cao, huyện chỉ đạo đưa 100% giống lúa lai, lúa thuần vào sản xuất, chuyển diện tích cấy lúa một vụ lên hai vụ, diện tích hai vụ lên ba vụ. Văn Chấn cũng là huyện đầu tiên của tỉnh thực hiện trồng cây vụ ba trên đất hai vụ lúa và đến nay đã trở thành vụ sản xuất chính và giá trị đem lại luôn đạt từ 35 - 40 triệu đồng/ha/vụ.
Bên cạnh đó, bà con nông dân còn kết hợp nuôi cá ruộng với diện tích hơn 200 ha. Niềm vui lớn hơn là đồng bào đã thay đổi tập quán canh tác từ manh mún, lạc hậu sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ độc canh sang đa canh, luân canh. Từ chỗ hàng năm thiếu vài ngàn tấn lương thực đến nay đã bảo đảm an ninh lương thực và có lượng lớn trở thành hàng hoá.
Vùng lúa là vậy còn vùng chè thì rộng lớn và tươi tốt gần 5 ngàn héc-ta chè thâm canh cùng vùng chè cổ thụ Suối Giàng đã tạo nên thương hiệu chè có uy tín trên thị trường. Cây chè phát triển ở hầu hết các xã vùng ngoài và vùng cao. Bà con nông dân có kinh nghiệm trong đầu tư thâm canh, thu hái đúng kỹ thuật, năng suất đạt 8 tấn/ha, có những nơi đạt 12 - 13 tấn/ha.
Sản lượng chè búp tươi thu hái hàng năm đạt trên 45 ngàn tấn, giá trị thu nhập từ chè đạt hơn trăm tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, vừa đầu tư thâm canh huyện vừa tích cực trồng mới, trồng cải tạo diện tích chè già cỗi bằng giống lai, giống nhập nội đáp ứng cho sản xuất chè xanh xuất khẩu.
Hàng trăm héc-ta chè Shan tuyết vùng Suối Giàng, Nậm Búng, Gia Hội, Nậm Mười giờ đang là nguồn thu nhập chính của người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc. Cuộc sống của hàng vạn người làm chè đã khấm khá hơn. Nhiều gia đình giàu có xây nhà cửa, mua sắm tiện nghi đắt tiền không còn hiếm. Huyện cũng là nơi hội tụ của các cơ sở chế biến chè với gần một trăm nhà máy, doanh nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách địa phương.
Văn Chấn cũng là địa phương đi đầu và hình thành phát triển mạnh vùng cây ăn quả với diện tích gần 2 ngàn héc-ta, hình thành vùng chuyên canh tập chung như vùng cam, quýt ở Nghĩa Tâm, Minh An, thị trấn Nông trường Trần Phú với diện tích gần 1 ngàn héc-ta hay vùng nhãn Sơn Thịnh.
Riêng thị trấn Nông trường Trần Phú có tới 400 ha cam, quýt; sản lượng mỗi năm đạt trên 2 ngàn tấn, thu hàng chục tỷ đồng. Theo ước tính, ngay trong vụ cam, quýt năm nay, nhân dân các xã vùng cam thu không dưới 6.500 tấn cam, giá trị đạt 120 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ ở các vùng nông thôn hiện nay. Nhiều hộ gia đình không chỉ xây nhà cao cửa rộng mà còn mua được cả ô tô.
Đến thị trấn Nông trường Trần Phú, Nghĩa Tâm, Minh An bây giờ cứ ra đường là gặp triệu phú! Cùng với phát triển cây ăn quả, huyện cũng rất chú trọng đến phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chương trình phát triển cải tạo đàn bò theo hướng Sind hoá, chăn nuôi bán công nghiệp, nuôi lợn hướng nạc, đến nay, đàn trâu có trên 20.600 con, trên 5 ngàn con bò, 95 ngàn con lợn. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm hơn 20% so với giá trị toàn ngành nông nghiệp.
Định hướng của Văn Chấn đã và ngày càng khẳng định rõ nét, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Sáng 10/11, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tổ chức đối thoại trực tuyến giữa Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái với nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh về chủ đề “Thực hiện cơ chế, chính sách và thực thi pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Yên Bái”.
YBĐT - Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh tế hợp tác, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, chương trình phát triển nông thôn, ngành nghề nông thôn, quy hoạch ổn định dân cư nông thôn và xây dựng nông thôn mới, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã không ngừng chủ động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
YBĐT - Từ những cơ chế, chính sách đúng đắn của tỉnh cùng với sự nỗ lực của nông dân đã góp phần đạt được những bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đổi mới nông nghiệp - nông thôn.
YBĐT - Nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái đã triển khai đồng bộ việc công khai thông tin, mức thuế khoán của từng hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.