Cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất phát triển
- Cập nhật: Thứ ba, 10/11/2015 | 8:45:16 AM
YênBái - YBĐT - Từ những cơ chế, chính sách đúng đắn của tỉnh cùng với sự nỗ lực của nông dân đã góp phần đạt được những bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đổi mới nông nghiệp - nông thôn.
Nông dân Yên Bái đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa, góp phần tăng hiệu quả sản xuất.
|
Xác định nông - lâm nghiệp là mặt trận hàng đầu, từng bước xây dựng vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị sản xuất, trong suốt chiều dài phát triển của ngành nông nghiệp Đảng, Nhà nước và tỉnh Yên Bái luôn ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ đó, trong những năm gần đây sản xuất nông - lâm nghiệp Yên Bái liên tục có những bước phát triển toàn diện từ diện tích, năng suất tới sản lượng; vùng thấp đã sản xuất theo hướng hàng hoá và thị trường; vùng cao đảm bảo an ninh lương thực và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh.
Hàng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được ban hành, tiêu biểu trong những năm gần đây phải kể đến chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp - thuỷ sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hoá tỉnh Yên Bái năm 2015 đến năm 2016..., hỗ trợ giá giống lúa lai, giống lúa thuần chất lượng cao, giống ngô lai, và các giống tiến bộ kỹ thuật khác; phân bón vô cơ trên diện tích chuyển từ lúa 1 vụ sang 2 vụ hoặc vụ 2 trồng ngô; hỗ trợ mua phân bón vô cơ cho các hộ chuyển đổi diện tích trồng lúa nương sang trồng ngô; hỗ trợ khai hoang chuyển diện tích đang bỏ hoang, diện tích nương rẫy thành diện tích lúa ruộng với mức 10 triệu đồng/ha; hỗ trợ các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng...
Trong chăn nuôi, thuỷ sản hỗ trợ 100% tiền thuốc và một phần nhân công cho công tác tiêm phòng gia súc; xây dựng chuồng trại, mua con giống, mua thuốc phòng, chữa bệnh cho các hộ đầu tư chăn nuôi với mức 30 triệu đồng/hộ có quy mô từ 50 con lợn thịt trở lên hoặc 10 con nái sinh sản trở lên; 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô 500 con/lứa, 20 triệu đồng/hộ có quy mô 1.000 con/lứa và 30 triệu đồng/hộ có quy mô 2.000 con/lứa; hỗ trợ một lần cho các hộ, nhóm hộ mua mới máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch ... và hàng loạt cơ chế khác hỗ trợ trong sản xuất với tổng kinh phí hàng năm gần 40 tỷ đồng.
Từ những cơ chế, chính sách đúng đắn cùng với sự nỗ lực của nông dân đã góp phần đạt được những bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đổi mới nông nghiệp - nông thôn. Tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản 5 năm 2010 - 2015 đạt 5,4% trở lên; cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 79,6% xuống còn 77,8%; ngành lâm nghiệp tăng từ 17,4% lên 18,2%; ngành thủy sản tăng từ 3,0% lên 4,0%.
Diện tích gieo trồng ngày càng được mở rộng, hệ số sử dụng đất canh tác năm 2015 tăng trên 2 lần, giá trị sản xuất ngành trồng trọt bình quân trên 1 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 50 triệu đồng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh trong sản xuất, chế biến nên giá trị sản phẩm tạo ra trên một đơn vị diện tích tăng khá. Một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã được hình thành rõ nét như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha, vùng ngô 15.000 ha (có 3.000 ha được chuyển đổi từ đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô), vùng chè 11.000 ha, vùng sắn cao sản 15.000 ha, măng tre Bát độ trên 3.500 ha, quế trên 33.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000 ha.
Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 5.550 tỷ đồng (nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình là 283 tỷ đồng, chiếm 5%; nhân dân đóng góp 825 tỷ đồng, chiếm 15%; các nguồn vốn khác là 4.482 tỷ đồng, chiếm 80%). Đến nay, Yên Bái có 5 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, 37 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên. |
Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Yên Bái tập trung triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” một cách đồng bộ, chú trọng vào tái cơ cấu nội ngành giữa các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cơ cấu lại nguồn lực đầu tư cho nông, lâm nghiệp và hệ thống tổ chức quản lý, các tổ chức sự nghiệp trong ngành nông nghiệp...
Phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của dân cư nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định chính trị - xã hội; có chính sách thu hút, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; rà soát, bổ sung gắn quy hoạch nông thôn mới với phát triển đô thị và bố trí hợp lý các điểm dân cư; huy động, lồng ghép các nguồn lực ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 70%; có 25 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; thu nhập người dân nông thôn tăng trên 2,0 lần so với năm 2015.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái đã triển khai đồng bộ việc công khai thông tin, mức thuế khoán của từng hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.
Ngày 9-11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực tài chính.
YBĐT - Đến nay, xã Thanh Lương (Văn Chấn) đã hoàn thành 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đây là những tiền đề quan trọng để đến năm 2020 xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Từ 1-1-2016, gần 60 mặt hàng thuộc 6 lĩnh vực sẽ được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nhiều nguồn khác.