Đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
- Cập nhật: Thứ tư, 11/11/2015 | 4:34:03 PM
YênBái - YBĐT - Nhìn vào lượng khách du lịch đến với Yên Bái năm 2014 chỉ đạt con số xấp xỉ 440 ngàn lượt người, doanh thu trên 178 tỷ đồng, đặc biệt số ngày lưu trú bình quân từ 2 - 3 ngày và lượng khách trở lại không nhiều, có thể thấy phát triển kinh tế du lịch ở Yên Bái vẫn chưa tương xứng với tiềm năng…
Xòe Thái (Nghĩa Lộ) được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Với vị trí thuận lợi, Yên Bái được thiên nhiên ban tặng nhiều kỳ quan, danh thắng. Mảnh đất này còn là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa hết sức đặc sắc, đa dạng và phong phú của các tộc người trong cộng đồng 30 dân tộc anh em quần cư trên địa bàn - nơi có nền văn minh sông Hồng, sông Chảy. Đặc biệt, với vị trí là trung điểm giao lưu giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy đồng bộ, thuận lợi hơn khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa phận của tỉnh, đặt Yên Bái nằm trong hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng. Đây là những tiềm năng, lợi thế vô cùng quan trọng ít địa phương có được để phát triển kinh tế du lịch.
Không thể phủ nhận, trong những năm trở lại đây, công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá liên kết vùng, liên kết tua tuyến, đặc biệt là sự liên kết giữa 3 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ và việc mở rộng liên kết 8 tỉnh Tây Bắc đã đưa du lịch Yên Bái lên một bước phát triển mới, với đa dạng các hình thức du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng được hình thành và ngày càng phát triển rõ nét. Hệ thống cơ sở hạ tầng nhà hàng, khách sạn ngày một phát triển, phong phú về cấp hạng và từng bước nâng cao được chất lượng phục vụ, dần đạt đến các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách trong nước và nước ngoài.
Một điều đáng mừng là sau rất nhiều nỗ lực tổ chức các hoạt động quảng bá, gắn du lịch với các sự kiện lớn, lễ hội truyền thống mang đậm sắc màu văn hóa của địa phương, cho đến nay không ít khách du lịch trong nước và quốc tế đã biết đến Yên Bái qua Tuần Văn hóa - Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức hàng năm; biết đến xứ sở của những rừng chè Shan tuyết - Suối Giàng cổ thụ cả trăm năm tuổi thông qua lễ hội cúng cây chè tổ; biết đến Xòe Thái Mường Lò, Nghĩa Lộ - nghệ thuật trình diễn đặc sắc mới được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khởi nguồn của 36 điệu xòe vùng Tây Bắc hôm nay, qua vòng đại xòe ghi danh trong sách kỷ lục Guinness của Việt Nam năm 2013… Trong đó, chỉ riêng trong Tuần Văn hóa - Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2015 đã có hơn 20 nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến với Yên Bái.
Khách du lịch tham quan rừng chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Trong định hướng phát triển của tỉnh Yên Bái đến năm 2020, du lịch được đầu tư phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, kinh tế du lịch của tỉnh chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; chưa thu hút đầu tư xây dựng được các điểm, khu du lịch trọng điểm; thiếu các sản phẩm, các tua, tuyến du lịch độc đáo, hấp dẫn; nguồn nhân lực làm công tác du lịch còn thiếu và yếu.
Để tạo hiệu quả liên kết vùng, miền trong tỉnh, trong khu vực và cả nước về phát triển kinh tế du lịch, cùng với tập trung tăng cường chất lượng, tạo dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho các sản phẩm du lịch của địa phương, việc nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực này và người dân về làm kinh tế du lịch, đầu tư phát triển nguồn nhân lực làm du lịch cần được các cấp, các ngành, các địa phương nhận thức và quan tâm đúng mức; tăng cường đầu tư có trọng điểm ở những khu, điểm được xác định là trọng điểm có tính chiến lược của tỉnh như: thị xã Nghĩa Lộ, Suối Giàng, Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, đầm Hậu, hồ Vân Hội, thành phố Yên Bái…, hướng phát triển dịch vụ cao cấp phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch; từng bước nâng cao tính cạnh tranh cho du lịch Yên Bái, trong đó coi trọng du lịch tâm linh, du lịch xanh, du lịch cộng đồng…; hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tăng cường khả năng kết nối các khu du lịch trọng điểm với các tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh và khu vực; tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch.
Với các khu du lịch trọng điểm của tỉnh được xác định nằm trong quy hoạch tổng thể gồm: xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ; khu nước nóng Bản Bon, Bản Hốc; khu du lịch sinh thái Suối Giàng (Văn Chấn), Nậm Khắt (Mù Cang Chải) gắn với danh thắng ruộng bậc thang; các khu du lịch đầm Hậu, hồ Thác Bà, hồ Vân Hội… gắn với các tua, tuyến du lịch tâm linh tại Hiền Lương (tỉnh Phú Thọ), Văn Yên, Lục Yên, thành phố Yên Bái…, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở lưu trú với trên 5.000 phòng, trong đó có 6 khách sạn từ 3 sao trở lên; thu hút trên 600 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch, đưa mức doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 900 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng trở lên, từng bước phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là tỉnh có diện tích rừng lớn của khu vực miền núi phía Bắc. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô, tình trạng đốt nương làm rẫy khiến nhiều héc-ta rừng (chủ yếu là rừng trồng, lau lách) bị thiêu trụi. Trước thực trạng này, các lực lượng chức năng cùng với chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng, chống “giặc lửa”, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký làm cây rơm bảo đảm trọng lượng đạt từ 500 kg; phơi khô ráo, sạch sẽ, kê cao; che chắn không để mưa ướt.
YBĐT - Năm 2015, huyện Trạm Tấu được tỉnh giao chỉ tiêu thu 14,5 tỷ đồng; Nghị quyết HĐND huyện giao chỉ tiêu thu 15,858 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, Chi cục Thuế huyện Trạm Tấu đã chủ động đề ra các giải pháp tích cực phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập và Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải.