Tăng cường phối hợp phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người
- Cập nhật: Thứ năm, 12/11/2015 | 4:21:13 PM
Trước tình hình dịch bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H7N9) vẫn liên tục được ghi nhận tại: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Bộ Y tế Việt Nam đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm.
Nguy cơ dịch cúm A xâm nhập, lây lan vào Việt Nam rất cao.
|
Bộ Y tế cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đầu năm đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận 4 trường hợp mắc cúm A(H5N6), 5 trường hợp mắc cúm A(H5N1) và 2 trường hợp mắc cúm A(H7N9). Năm 2015, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H7N9) trên người, tuy nhiên đã ghi nhận một số ổ dịch cúm A(H5N1), A(H5N6) trên đàn gia cầm tại một số tỉnh.
Theo nhận định của Bộ Y tế, thời gian tới, do điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan, đồng thời sự giao lưu đi lại, làm ăn, buôn bán qua biên giới rất lớn, cùng với nhu cầu sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh nên nguy cơ dịch cúm xâm nhập, lây lan vào Việt Nam là rất cao.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm cúm từ gia cầm lây sang người, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện ngăn chặn nhập lậu gia cầm qua biên giới; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; thông báo kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm cho ngành Y tế để phối hợp giám sát, phát hiện sớm không để lây lan sang người.
Các địa phương chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng vi rút cúm độc lực cao; đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch.
Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh cúm; vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; chỉ ăn thịt gia cầm, các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có các biểu hiện hoặc dấu hiệu của bệnh cúm cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan, Sở Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết phòng chống hiệu quả đối với các chủng cúm gia cầm lây sang người.
(Theo Dangcongsan.vn)
Các tin khác
YBĐT - Xác định vai trò quan trọng của rừng đối với môi trường và đời sống nhân dân, thời gian qua, huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Từ ngày 16-21/11, tại thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 năm 2015 với chủ đề “Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương - Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các Biển Đông Á sau năm 2015," nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, xác định mục tiêu và kế hoạch mới cho khu vực Đông Á theo các cam kết toàn cầu về mục tiêu phát triển bền vững.
YBĐT - Nhìn vào lượng khách du lịch đến với Yên Bái năm 2014 chỉ đạt con số xấp xỉ 440 ngàn lượt người, doanh thu trên 178 tỷ đồng, đặc biệt số ngày lưu trú bình quân từ 2 - 3 ngày và lượng khách trở lại không nhiều, có thể thấy phát triển kinh tế du lịch ở Yên Bái vẫn chưa tương xứng với tiềm năng…
YBĐT - Yên Bái là tỉnh có diện tích rừng lớn của khu vực miền núi phía Bắc. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô, tình trạng đốt nương làm rẫy khiến nhiều héc-ta rừng (chủ yếu là rừng trồng, lau lách) bị thiêu trụi. Trước thực trạng này, các lực lượng chức năng cùng với chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng, chống “giặc lửa”, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.