Hiệu quả từ mô hình trồng nấm

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2015 | 2:54:23 PM

YBĐT - Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Yên Bái phát triển mạnh nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Từ đó, xuất hiện nhiều các cơ sở sản xuất nấm với quy mô lớn trên 3 vạn bịch nấm các loại. Các mô hình này đã mang lại thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng/năm. Hiện tại, toàn thành phố có trên 30 cơ sở sản xuất nấm đầu tư bán kiên cố lán trại để sản xuất lâu dài, sản lượng nấm bình quân mỗi năm trên 200 tấn.

Bà Vũ Thị Chay ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái kiểm tra sự phát triển của lứa nấm mới.
Bà Vũ Thị Chay ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái kiểm tra sự phát triển của lứa nấm mới.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Tĩnh - thôn Minh Long, xã Tuy Lộc là một hộ điển hình về nuôi trồng nấm. Năm 2009, gia đình ông bắt đầu trồng khoảng 4.000 bịch nấm mộc nhĩ. Sau một vài vụ có hiệu quả, vợ chồng ông bàn nhau cải tạo, xây dựng mở rộng nhà nuôi trồng nấm với diện tích gần 400 m2 trên đất vườn của gia đình.

Ông Tĩnh cho biết: “Ngoài chất lượng giống nấm, chăm sóc nấm theo đúng quy trình kỹ thuật thì việc phối trộn, xử lý nguyên liệu đóng bịch nấm rất quan trọng, khâu này đóng vai trò quyết định đến thành công của vụ nấm”. Được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn gia đình ông đã láng nền xi măng toàn bộ diện tích nhà nuôi trồng nấm, vừa sạch sẽ bảo đảm vệ sinh lại dễ dàng duy trì được nhiệt độ, độ ẩm của nhà nấm nhất là những ngày nắng nóng. Từ kiến thức học được qua các lớp tập huấn, ông Tĩnh đã áp dụng một cách linh hoạt vào điều kiện sản xuất của gia đình, trung bình mỗi năm thu nhập từ trồng nấm của gia đình ông đạt 40 - 50 triệu đồng.

Cũng ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, mô hình trồng nấm của nhóm hộ bà Vũ Thị Chay với 4 thành viên thường xuyên duy trì 20.000 bịch nấm mộc nhĩ. Năm 2013, nhóm hộ của bà Chay được hỗ trợ 30 triệu đồng mua lò hấp bịch nấm và 30 triệu đồng làm nhà đóng bịch. Mỗi vụ nấm sản xuất trong 4 tháng. Vụ nấm thu đông năm 2013, sau khi trừ các loại chi phí, mỗi hộ lãi trên 10 triệu đồng. Vụ nấm thu đông năm 2014 các hộ tiếp tục duy trì số lượng bịch nấm hiện có, đồng thời, mỗi hộ làm thử nghiệm 3.000 bịch nấm hương cho thu nhập cao.

Hiện nay, toàn xã Tuy Lộc có 5 hộ và nhóm hộ sản xuất nấm với gần 30.000 bịch nấm các loại, hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Các mô hình sản xuất nấm không những tận dụng được phế phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, mùn cưa... mà còn làm hạn chế nguồn phế phẩm thải ra gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của các hộ nuôi trồng nấm thì nghề trồng nấm không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, chuẩn bị đất cũng như chăm sóc. Với những ưu điểm như vốn đầu tư ít, kỹ thuật trồng không khắt khe, công chăm sóc không nhiều nhưng hiệu quả của nghề nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu cao gấp 3 - 4 lần so với làm ruộng. Trong các loại nấm thì nấm sò đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả do chi phí giống không cao, thời gian thu hoạch nhanh, sau khi cấy giống khoảng 1 tháng là có thể cho thu hoạch. Để giúp người dân mở rộng phát triển sản xuất, hàng năm thành phố Yên Bái có những chính sách hỗ trợ cho các mô hình sản xuất trong đó có sản xuất nấm.

Năm 2015, thành phố hỗ trợ  cho 4 hộ trồng nấm xây dựng lán trại với diện tích từ 100 m2 trở lên là 5 triệu đồng/hộ. Với những chính sách khuyến khích cụ thể, thiết thực đến nay, thành phố Yên Bái đã có 33 hộ phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô vừa và lớn. Tính đến hết tháng 10/2015, số bịch nấm người dân sản xuất vụ thu đông là 350.000 bịch; trong đó, 235.000 bịch nấm mộc nhĩ, 70.000 bịch nấm sò, 45.000 bịch nấm Linh chi.

Trồng nấm hiệu quả là vậy nhưng hiện nay việc sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của người dân chủ yếu còn mang tính tự phát, hộ làm sau học tập cách làm của hộ làm trước mà chưa có quy hoạch cụ thể. Các hộ, nhóm hộ sản xuất nấm đều phải tự tìm đầu mối tiêu thụ cho mình và thường bị tư thương ép giá, nên dù thấy được hiệu quả cao muốn mở rộng quy mô cũng rất khó. Chính vì thế, để nghề nuôi trồng nấm phát triển một cách bền vững và có hiệu quả ngoài những chính sách hỗ trợ thì thành phố cần có quy hoạch cụ thể để người dân không sản xuất ồ ạt; kêu gọi sự liên doanh liên kết của các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ. Xét trên thực tế cho dù cây nấm có giá trị đến đâu thì cũng phải phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, hầu hết số nấm thương phẩm người dân làm ra chủ yếu được bán trong thành phố. Do đó, một khi sự phát triển ồ ạt, nấm sản xuất nhiều mà đầu ra không đảm bảo thì sẽ lại khó cho người sản xuất.

 Hồng Duyên

Các tin khác

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc xây dựng, quản lý khai thác các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Ngày 16/11, Vietnam Airlines công bố tiếp tục triển khai chương trình bán vé ưu đãi dịp Tết Nguyên đán Bính Thân áp dụng trên một số đường bay nội địa của hãng.

Người dân xã Pá Hu, đã chủ động nuôi nhốt và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

YBĐT - Ngay khi bước vào vụ đông năm 2015, UBND huyện Trạm Tấu đã xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất gia súc bị chết vì đói, rét, dịch bệnh.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Lục Yên hướng dẫn người nộp thuế xem bảng công khai danh sách và mức thuế hộ kinh doanh.

YBĐT - Đến ngày 31/10/2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.126 tỷ đồng, không tính tiền giao đất thì các khoản thuế và phí đạt 1.006 tỷ đồng. Trong đó, khối tỉnh quản lý thực hiện thu đạt 397 tỷ đồng; khối huyện, thị, thành phố thực hiện 729 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục