Thành công với mô hình nấm Linh chi
- Cập nhật: Thứ ba, 1/12/2015 | 10:45:39 AM
YBĐT - Với niềm đam mê làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội, bằng ý chí dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Văn Quỳnh ở thôn 6, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm Linh chi với diện tích lớn, mở ra hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Quỳnh (đứng trước) giới thiệu sản phẩm nấm Linh chi với cán bộ xã Việt Thành.
|
Đến thăm mô hình trồng nấm Linh chi nhà ông Quỳnh đúng vào dịp gia đình thu hoạch lứa nấm mới, tuy bận nhưng ông “phá lệ” gác lại công việc dành thời gian nhâm nhi chén trà Linh chi và trò chuyện với chúng tôi. Năm nay, đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng giọng nói của công vẫn sang sảng, ánh mắt còn nhanh nhẹn ngỡ như mới ngoài 50.
Ông Quỳnh chia sẻ: “Nói thực với các bạn, gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo của thôn, hai vợ chồng là giáo viên lương thấp lắm, trong khi đó phải cố gắng nuôi các con ăn học đàng hoàng. Tôi chỉ suy nghĩ một điều lớn nhất là làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng, đời sống được nâng lên, con cái được chăm lo đầy đủ với điều kiện tốt nhất”. Bản thân ông Quỳnh là người rất chịu khó nên ngay cả khi còn công tác ông luôn trăn trở phải tìm, tạo ra việc làm gì đó. Trước đây, gia đình ông cũng đã phát triển nhiều mô hình: chăn nuôi lợn, nuôi chim bồ câu Pháp… nhưng không mấy thành công do làm nhỏ lẻ, đầu ra khó khăn.
Về nghỉ chế độ được 10 năm, ông Quỳnh bén duyên với nghề trồng nấm Linh chi khi con ông là Nguyễn Thành Long có bạn bè công tác ở Viện Giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ, tư vấn trồng các loại nấm. Ban đầu, anh Long đầu tư 2 vạn bịch nấm ở Hà Nội nhưng chi phí cao do thuê đất, khí hậu không phù hợp… Anh đã chuyển mô hình trồng nấm về cho bố. Sau thời gian nghiên cứu tài liệu con trai mang về, ông Quỳnh tự mày mò nghiên cứu kỹ thuật trồng nấm Linh chi. Thuận tiện hơn, chỗ nào không hiểu, ông điện thoại trao đổi trực tiếp với kỹ sư chuyên ngành của Viện Giống cây trồng để được tư vấn.
Ngoài ra, ông còn tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng nấm từ mạng Internet và tham quan các mô hình trồng nấm hiệu quả để có thêm kinh nghiệm. Đầu năm 2014, ông Quỳnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở trồng nấm rộng khoảng 160 m2, với quy mô 10 nghìn bịch giống nấm Linh chi đỏ, tổng chi phí 144 triệu đồng; trong đó, ông vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 120 triệu đồng. Quy mô là vậy, nhưng năm 2014, ông Quỳnh vẫn quyết định một khởi đầu mới với 7.000 bịch giống nấm Linh chi đỏ. Sang năm 2015, gia đình ông tiếp tục mạnh dạn đầu tư nâng lên đạt 10.000 bịch.
Mỗi lứa nấm được chăm sóc rất tỷ mỹ, kỹ lưỡng, lán trồng nấm phải khử trùng thật sạch bằng vôi, luôn phải giữ độ ẩm 70%, nhiệt độ từ 20 đến 280C, sau gần 3 tháng thì cho thu hoạch. Theo tính toán của ông Quỳnh, cứ 10 - 12 bịch sẽ thu được 1 kg nấm tươi, sau khi rửa sạch và phơi khô, bán ra thị trường đạt trên dưới 1 triệu đồng/kg. Cứ như vậy, mỗi năm thu hoạch 3 lứa, năm vừa qua, gia đình ông xuất 250 kg nấm Linh chi ra thị trường các tỉnh trong nước và cả nước ngoài, trừ chi phí thu về trên 100 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm Linh chi, ông Quỳnh cho biết: “Quy trình từ cấy giống, chăm sóc đến thu hoạch phải qua 7 bước nghiêm ngặt: xử lý nguyên liệu, đóng túi, thanh trùng, cấy giống, ươm túi, tưới đón và thu hoạch. Điều quan trọng nhất, tuyệt đối không được sử dụng hóa chất, công tác vệ sinh phải được đảm bảo”. Ông cho biết thêm, giống nấm Linh chi được nhập thẳng từ Viện Giống cây trồng về, nhờ thế mà tiết kiệm được chi phí, giống bảo đảm chất lượng. So với nấm rơm, nấm sò, nấm Linh chi rất kén thị trường tiêu thụ, bởi giá thành cao. Bù lại, nấm Linh chi phơi khô thì bảo quản được lâu, không sợ ẩm mốc, hư hỏng. “Tôi muốn mở rộng mô hình trên địa bàn xã, truyền đạt kinh nghiệm để bà con cùng phát triển, nhưng hiện tại tìm nguồn tiêu thụ rất khó. Nấm Linh chi đòi hỏi nguồn vốn cao, sản xuất mà không tiêu thụ được thì lại càng nghèo thêm.” - ông Nguyễn Văn Quỳnh trăn trở.
Là một trong những loại dược liệu quý được dùng trong y học để làm thuốc chữa bệnh giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, để trồng được loại nấm này cũng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn. Đồng chí Lê Thị Lụa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: “Việt Thành được chia thành 3 vùng kinh tế, từ thôn 3 đến thôn 6 ruộng ít, rừng ít nên xã quy hoạch vùng này phát triển thương mại, dịch vụ, trong đó chú trọng nghề trồng nấm, mộc nhĩ. Chúng tôi đã quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để các hộ gia đình phát triển nghề trồng nấm Linh chi, xã cũng đã hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật, kinh phí làm xưởng trồng nấm, đối với hộ nhà ông Quỳnh xã sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng... Chúng tôi cũng quan tâm tuyên truyền, quảng bá để tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi”.
Được biết, vào trung tuần tháng 11 vừa qua đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường khi về làm việc tại xã Việt Thành đã đến thăm mô hình trồng nấm Linh chi của gia đình ông Quỳnh, đồng chí đã đánh giá cao và rất quan tâm đến việc tạo điều kiện nhân rộng mô hình này. Đó cũng chính là niềm vui, là động lực để người thầy giáo già Nguyễn Văn Quỳnh tiếp tục tâm huyết, tỉ mẩn, tiếp tục thành công với mô hình nấm Linh chi giá trị góp phần khơi dậy mạnh mẽ phong trào thi đua sản xuất giỏi, xoá đói giảm nghèo trên quê hương Việt Thành.
Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Vụ mùa năm 2015, hạn hán đã xảy ra tại 7/9 huyện, thị, thành phố của tỉnh.
YBĐT -Đến nay, tất cả các tuyến đường đến trung tâm xã, đường liên xã của Trấn Yên được rải nhựa hoặc bê tông.
Cục Quản lý dược - Bộ Y tế mới có văn bản gửi Tổng cục Hải quan, trong đó ghi rõ tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol cho đến khi có thông báo mới.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh gas, từ 1/12, giá gas sẽ tăng 1.276 đồng/kg tại Hà Nội và 1.375 đồng tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).