Cần phát huy thế mạnh cây chè Shan tuyết
- Cập nhật: Thứ năm, 10/12/2015 | 10:27:42 AM
YBĐT - Bên cạnh cây chè vùng thấp, Yên Bái có giống chè Shan tuyết trồng trên núi bốn mùa mây phủ, búp to, phủ tuyết trắng. Chè có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới!
Đồng bào Mông xã Suối Giàng (Văn Chấn) thu hái chè Shan tuyết.
|
Nói đến Yên Bái phải nói đến chè, không chỉ lớn về diện tích mà còn được coi là “cội nguồn” của chè. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm nhưng cây chè vẫn là loại cây “chiến lược” xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh cây chè vùng thấp, Yên Bái còn có giống chè Shan tuyết trồng trên núi bốn mùa mây phủ, búp to, phủ tuyết trắng. Chè có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới!
Tiềm năng chưa khai thác hết
Hiện, toàn tỉnh có trên 11.000 ha chè, sản lượng thu hái đạt 90.000 tấn. Trong đó, 2.290 ha chè Shan tuyết vùng cao tập trung ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Trấn Yên. Qua quá trình sinh trưởng và phát triển lâu đời, đến nay, đã hình thành các vùng chè cổ thụ tập trung tại xã Suối Giàng, Suối Bu, Nậm Lành (Văn Chấn), vùng chè Phình Hồ (Trạm Tấu).
Ngoài ra, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách, quy hoạch và phát triển vùng chè Shan tập trung ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích chè được mở rộng ra xã Nậm Búng, Gia Hội (Văn Chấn) trồng với diện tích 500 ha cho năng suất, sản lượng và chất lượng rất cao.
Nói về chè Shan tuyết thì không phải địa phương nào cũng có được. Đây là giống chè có sức sống mãnh liệt nhưng ưa trồng trên núi cao và ưa lạnh. Chả vậy mà có những cây chè Shan tuyết to cả người ôm, khi thu hái bà con phải bắc thang để trèo lên ngắt từng búp một. Cũng chính vì ưa lạnh và sống trên núi cao, sức sống mãnh liệt không cần phải chăm bón mà búp vẫn mượt mà, óng ả.
Phát triển hoàn toàn tự nhiên, chỉ hút tinh tuý của trời đất nên chè có vị rất ngon, nước pha vàng sánh như mật ong, uống vào rất có hậu. Viện sĩ K.M.Djemmukhatze (Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô) khi đến Suối Giàng năm 1960 đã phải thốt lên: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là cội nguồn của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới”.
Thực tế cũng đã chứng minh chè Shan tuyết Yên Bái nói chung và chè Shan tuyết Suối Giàng nói chung đã trở thành một thương hiệu mạnh trong giới sản xuất, kinh doanh chè cũng như người nghiền chè trên thế giới. Chè xanh Shan tuyết Yên Bái đã xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc rồi sang Hà Lan, Anh, Pháp... Ngay thị trường trong nước, chè Shan tuyết loại đặc biệt có giá hơn 1 triệu đồng/kg, chè loại bình dân cũng dao động từ 100 ngàn đến vài trăm ngàn đồng/kg. Giá thu mua nguyên liệu chè giống Shan tuyết vùng cao của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp cũng cao gấp đôi, gấp ba giống chè thường.
Ngon là vậy, giá trị là vậy, tiềm năng là vậy nhưng những năm qua, giống chè Shan tuyết vùng cao vẫn chưa phát huy hết hiệu quả vốn có của nó. Mặc dù tỉnh, ngành nông nghiệp đã rất quan tâm chỉ đạo nhưng trong việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập. Những diện tích trồng ở vùng cao trước đây mật độ không bảo đảm, việc đầu tư chăm sóc chưa tốt, trâu bò phá hại, nhiều diện tích bỏ hoang hóa mọc như cây rừng. Dẫu giống chè này có sức sống tốt nhưng vẫn cần phải có sự đầu tư và chăm sóc từ kiến thiết cơ bản, tạo tán, phát quang làm cỏ thì cây mới cho thu hoạch đều.
Một nguyên nhân nữa là phần lớn được trồng ở vùng cao nhận thức của bà con về phát triển cây chè chưa được chú trọng, làm theo kiểu được chăng hay chớ dẫn tới năng suất thấp. Khâu chế biến còn nhiều bất cập, vùng thì quá nhiều nhà máy, vùng thì không có, sự liên doanh liên kết giữa người dân vùng nguyên liệu và doanh nghiệp gần như không có. Rồi có không ít doanh nghiệp làm ăn chụp giật, chỉ tính đến cái lợi trước mắt chứ không quan tâm và có trách nhiệm đến vùng nguyên liệu, không quan tâm đến xây dựng thương hiệu...
Nông dân xã Sùng Đô (Văn Chấn) thu hái chè Shan tuyết.
Phát triển vùng chè gắn với chế biến
Theo các chuyên gia và thực tế diễn biến thị trường, thị trường chè trong và ngoài nước những năm tới còn rất lớn. Đặc biệt là chè xanh bảo đảm chất lượng, chè an toàn, chè hữu cơ. Như vậy, việc phát triển chè Shan tuyết vùng cao rất phù hợp với thị trường cũng như theo đánh giá ở vùng cao hiện nay chỉ có táo mèo và chè Shan tuyết là hai cây trồng mang lại hiệu quả tốt nhất trong chiến lược xóa đói giảm nghèo.
Quan trọng hơn là tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động cũng như chất lượng giống chè Shan tuyết của Yên Bái rất tốt. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng quan tâm đến phát triển cây chè Shan vùng cao. Tuy nhiên, để phát huy một cách hiệu quả, rõ nét, ngành nông nghiệp, các huyện, thị đã và đang phát triển chè Shan tuyết cần rà soát và đánh giá cụ thể thực trạng, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển theo lộ trình cụ thể. Chúng ta cũng không nên mở rộng diện tích mà tập trung vào trồng cải tạo, thay thế những diện tích đã có. Nên đầu tư trồng theo hình thức công nghiệp gắn với chế biến (trồng liền ô, liền thửa, mật độ cao 16 ngàn cây/ha).
Vấn đề mấu chốt là làm sao để người dân các vùng dự án hiểu, thông và xác định phát triển cây chè là cuộc sống là cơ hội làm giàu nhanh và hiệu quả nhất. Từ đó họ mới yên tâm, tích cực đầu tư cùng nguồn vốn Nhà nước xây dựng nên vùng chè có chất lượng, hiệu quả. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, các giải pháp trong việc bảo vệ và phát triển vùng chè theo hướng an toàn và bền vững. Bởi thực tế đã có khá nhiều hộ dân xã Gia Hội, Nậm Búng trồng chè Shan giâm cành theo hướng công nghiệp nay đã đạt năng suất 12 - 13 tấn/ha.
Như vậy, bà con làm tốt, làm theo quy trình mỗi héc-ta chè sau ba năm kiến thiết cơ bản sẽ cho thu gần 100 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè xanh Shan tuyết gắn với liên kết nông dân, đầu tư vốn, kỹ thuật cùng xây dựng vùng nguyên liệu.
Một vấn đề mấu chốt là phải có sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp chính quyền từ huyện đến xã trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát trong việc trồng và kiến thiết cơ bản bởi đây là những năm đầu người nông dân chưa được hưởng lợi, rất dễ chán nản, bỏ bê chăm sóc.
Giải quyết tốt những hạn chế và làm bài bản, tích cực của các cấp, các ngành, người nông dân hiểu thông sẽ là những yếu tố tạo nên thành công trong việc phát triển cây chè Shan tuyết vùng cao. Phát triển chè Shan tuyết vùng cao cũng phù hợp với định hướng phát triển nông - lâm nghiệp, nâng cao thu nhập, tạo vùng chè ổn định, cải thiện môi trường sinh thái. Quan trọng hơn là giúp người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội rõ nét phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của thị xã Nghĩa Lộ đạt 27 triệu đồng/người/năm.
YBĐT - "Các loại rau cải thì bị bọ nhảy ăn hết, súp lơ thì nhìn cây rõ đẹp nhưng bị thối giữa thân, lá vàng dần rồi chết, su hào cứ vàng quạch, củ cũng chỉ bằng cái chén uống nước".
Độ che phủ của rừng tăng từ 39,7% (năm 2011) lên 40,43% năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt 40,73% nhưng kết quả không đạt so với mục tiêu.
Đây là thông tin từ Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2015 vừa tổ chức hôm qua (9/12), tại Hà Nội.