Nậm Mười cần nhiều nỗ lực xóa đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ năm, 17/12/2015 | 2:51:27 PM
YBĐT - Nậm Mười là xã vùng cao khó khăn của huyện Văn Chấn. Toàn xã có trên 647 hộ sống rải rác ở 8 thôn, bản. Do điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa phát huy được lợi thế sản xuất nên tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao. Nhiều năm qua, giải bài toán thoát nghèo cho người dân nơi đây luôn là trăn trở của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Từ quốc lộ 32, vượt qua đoạn đường 14 km đường đất khó đi, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Nậm Mười. Với 3.378 nhân khẩu, 98% số hộ dân Nậm Mười là đồng bào dân tộc Dao. Người dân trong xã chủ yếu vẫn độc canh cây lúa, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 68%.
Nguyên nhân là do hệ thống giao thông gặp nhiều khó khăn. Tuyến đường hơn 14 km từ quốc lộ 32 tới trung tâm xã vẫn là đường đất, việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của bà con nhiều trở ngại, bình quân chỉ bán được bằng nửa giá thị trường trong khi đó, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu lại phải mua với giá cao hơn. Bên cạnh đó, trình độ canh tác của bà con còn nhiều hạn chế, dẫn đến năng suất cây trồng thấp, chất lượng sản phẩm không cao.
Để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Đảng ủy, chính quyền xã đã nỗ lực giảm nghèo với nhiều giải pháp thiết thực, trong đó xã khai thác tối đa lợi thế của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Với 114 ha lúa nước trong đó 70 ha làm được 2 vụ, hàng năm, xã vận động bà con đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào thay thế các giống lúa địa phương. Cán bộ khuyến nông xuống tận thôn, bản hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa nước, cách phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, năng suất lúa đã cải thiện đáng kể, đạt 47 tạ/ha. Ngoài ra, xã còn gieo cấy 100 ha ngô, 40 ha chè, 80 ha sắn.
Chăn nuôi đã được chú ý, phát triển tập trung. Rút kinh nghiệm những năm trước vào mùa đông thường xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết rét, năm nay, xã chỉ đạo nhân dân làm hàng trăm cây rơm và làm chuồng trại cho gia súc để bảo vệ đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó đàn trâu, bò của xã hiện giữ ổn định với gần 1.400 con.
Bên cạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, xã định hướng cho người dân tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, đặc biệt là phát triển cây quế và trồng thảo quả. Hiện, diện tích quế của toàn xã có gần 400 ha.Cũng nhờ cây quế mà nhiều hộ đã thoát nghèo, mua sắm được các tài sản có giá trị phục vụ đời sống.
Trong những năm gần đây, xã đã có trên 60 hộ trồng thảo quả dưới tán rừng. Nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng từ thảo quả như: gia đình ông Bàn Kim Vượng, Bàn Kim Định ở thôn La Háo Pành. Từ hiệu quả đó, Nậm Mười đang chỉ đạo mở rộng diện tích thảo quả và hy vọng ngoài cây lúa, cây ngô, đây sẽ là loại cây giúp người dân Nậm Mười thoát nghèo.
Mặc dù có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế địa phương song Nậm Mười vẫn là xã nghèo. Toàn xã còn trên 446 hộ nghèo.
Để từng bước thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định: phải tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, phát huy nội lực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực vận động bà con khai hoang ruộng nước, đưa diện tích ngô đồi vào trồng thay dần diện tích lúa nương.
Bên cạnh đó, cần phát huy thế mạnh về rừng và đất rừng xã phải đưa loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng rừng kinh tế. Trong chăn nuôi chú trọng chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó xây dựng các mô hình kinh tế gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương tạo điều kiện cho người dân đổi mới tư duy làm ăn, phát huy hiệu quả vốn đất, vốn rừng.
Quan trọng hơn, Nậm Mười rất cần sự tiếp tục quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành cải thiện công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống giao thông, đồng thời có cơ chế hỗ trợ phù hợp về vốn, giống, tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Văn Thông
Các tin khác
Bộ Tài chính vừa ban hành Văn bản 18410/BTC-NSNN đề nghị các địa phương thực hiện một số giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách địa phương trong thời gian còn lại của năm 2015.
Mở cửa sáng nay (17/12) các doanh nghiệp trong nước nâng nhẹ giá vàng SJC khoảng 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước còn vàng Rồng Thăng Long cũng tăng 100.000 đồng/lượng.
YBĐT - Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có trên 320 HTX và trên 26.000 tổ hợp tác với tổng vốn điều lệ hơn 265 tỷ đồng.
YBĐT - Với mục đích ổn định an ninh lương thực, góp phần đảm bảo mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân, ngay sau khi nhận được kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2015 - 2016 của UBND tỉnh, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đôn đốc các xã, thị trấn khẩn trương sản xuất vụ đông xuân, phấn đấu gieo cấy xong trước tết Nguyên đán.