An Lương gắn xây dựng Đảng với phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ ba, 22/12/2015 | 3:12:06 PM
YBĐT - Cùng với cây lúa, mũi nhọn và thế mạnh của An Lương là phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là trồng quế. Đến nay, toàn xã có gần 1.000ha cây quế, tập trung nhiều ở các thôn Sài Lương 1, Tặng Chang, Khe Cam, Khe Quéo...
Đến nay, cây quế đã trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở An Lương
|
Là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, hiện đời sống của nhân dân xã An Lương còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế đối với công tác phát triển Đảng. Nguyên nhân do trình độ văn hóa của nhân dân thấp, nhận thức không đầy đủ và mặt khác, họ cho rằng, có làm được việc gì đâu mà vào Đảng...
Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt là động lực quan trọng giúp để phát huy được tiềm năng, lợi thế và từng bước đưa nhân dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, trong những năm qua, Đảng bộ xã An Lương đã đề ra nhiều giải pháp trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác phát triển đảng viên mới nói riêng nên đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đồng chí Nông Đức Tỷ - Bí thư Đảng bộ xã cho biết: “Đối với những chi bộ khó khăn trong công tác phát triển Đảng, Đảng bộ xã đã phân công các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã trực tiếp làm bí thư chi bộ. Nhờ đó đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong việc chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cụ thể là tăng cường khai hoang ruộng nước, vận động và cho trẻ ra lớp, làm tốt công tác bảo vệ rừng, chú trọng phát triển chăn nuôi...”.
Cùng với đó, Đảng bộ xã An Lương luôn đề cao vai trò của người đảng viên trong việc gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lấy đảng viên làm gốc trong phát triển kinh tế để quần chúng nhân dân noi theo. Với chủ trương đó, Đảng bộ xã đã chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị cho đảng viên; phát động nhiều phong trong thi đua yêu nước qua đó đã phát hiện, lựa chọn được nhiều đoàn viên, hội viên, quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng.
Với cách làm sáng tạo, linh hoạt trong việc tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhiều chi bộ ở An Lương đã có bước chuyển tích cực trong việc phát triển đảng viên mới, tiêu biểu như: Chi bộ Trường PTDT bán trú Tiểu học An Lương, Chi bộ Suối Dầm, Chi bộ Sài Lương 1, Chi bộ Sài Lương 2...Trong năm 2015, Đảng bộ xã An Lương đã kết nạp được 19 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 173 đảng viên, nhiều năm liền Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh.
Nhân dân xã An Lương thu hoạch quế
Đảng mạnh là yếu tố then chốt, là tiền đề để An Lương phát huy các tiềm năng, tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước đưa nhân dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu bền vững. Trong đó, An Lương vẫn xác định tập trung lấy cây lúa là trọng tâm, chủ động đưa các loại giống mới, năng xuất cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng chí Hoàng Văn Cội - Phó chủ tịch UBND xã An Lương phấn khởi cho biết: “Đến nay, toàn xã có 109ha ruộng nước hai vụ, trong đó 70% giống lúa lai, 30% giống lúa thuần, bình quân lương thực đầu người đạt gần 450kg/năm”.
Cùng với cây lúa, mũi nhọn và thế mạnh của An Lương là phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là trồng quế. Đến nay, toàn xã có gần 1.000ha cây quế, tập trung nhiều ở các thôn Sài Lương 1, Tặng Chang, Khe Cam, Khe Quéo... Anh Lý Văn Dòng - Trưởng thôn Khe Cam cho biết: "Trong thôn có 44 hộ thì 100% hộ trồng quế, với tổng diện tích trên 52 ha, trong đó quế trên 10 năm tuổi có 20 ha. Nhiều hộ giàu lên nhờ cây quế như: Lý Văn Tăng, Đặng Quang Vinh, Lý Văn Long, Đặng Quốc Lợi, Đặng Đình Xuyên".
Còn đối với gia đình Lý Văn Dòng, cây quế đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình anh có 12ha, trong đó trên 1.000 cây quế có độ tuổi trên 20 năm, hàng năm gia đình anh bán được trên 100 triệu đồng.
Đồng chí Hoàng Văn Cội – Phó chủ tịch xã cho biết thêm: “Trong năm 2015, được sự quan tâm của huyện Văn Chấn, sự vào cuộc của các ngành, An Lương đã chỉ đạo nhân dân trồng trên 200ha cây quê, đưa tổng diện tích lên gần 1.000 ha. Nhờ cây quế mà đời sống của bà con nơi đây đã đổi thay nhiều, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 9 triệu đồng/năm”.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống giao thông đi lại chưa thuận tiện, với sự đồng tâm hiệp lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự năng động trong cách điều hành, chỉ đạo của Đảng bộ về phát triển kinh tế, xã hội, bộ mặt nông thôn mới của An Lương đang thay da đổi thịt, đời sống của nhân dân ngày càng khởi sắc.
Bài, ảnh: Văn Tuấn
Các tin khác
Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô cần kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu.
YBĐT - Ngày 21/12, tại thủ đô Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản với chủ đề “Yên Bái- điểm đến của các nhà đầu tư”.
YBĐT - Xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải có 847 nóc nhà với trên 4.677 nhân khẩu, chiếm đa số là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống của bà con chủ yếu là phát nương làm rẫy và trồng lúa nước nên tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Nậm Khắt có 5 cái nhất, trong đó khí hậu lạnh nhất vào mùa đông cũng là cái đáng sợ nhất.
YBĐT - Với lợi thế diện tích mặt nước hồ, trên 500 ha, cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của tỉnh, của huyện, xã Vĩnh Kiên (Yên Bình) đã vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản, tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.