Yên Bái tổng kết Chương trình 135 giai đoạn 2011 – 2015
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2015 | 2:56:25 PM
YênBái - YBĐT - Ngày 25/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015 đánh giá những kết quả đạt được, bàn phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo.
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tich UBND tỉnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015.
|
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự còn có lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ban Dân tộc Chính phủ, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan cùng đại diện các huyện, thị, 8 xã tiêu biểu thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnhđạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Uỷ ban Dân tộc, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện, xã, sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan đã góp phần tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh.
Các chương trình, dự án triển khai nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân, đặc biệt là người dân nghèo vùng khó khăn là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi. Việc đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135 cùng với việc lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn đã góp phần tích cực vào sự thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội các xã 135, tạo nên sự chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng gắn với sản xuất hàng hoá theo quy hoạch, bước đầu tạo được thương hiệu nông sản hàng hoá.
Chăn nuôi được chú trọng phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá; cơ sở hạ tầng được xây dựng và mở rộng, nhiều công trình được nâng cấp và xây mới, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về tập quán sản xuất dần được thay đổi góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân tăng 12,4%; kết cấu hạ tầng vùng nông thôn được mở rộng.
Qua 5 năm, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đạt gần 506 tỷ đồng, đầu tư cho hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện sinh hoạt, công trình giáo dục, nước sạch; trên 95 tỷ đồng hỗ trợ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất… cho các xã đặc biệt khó khăn và các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đến nay đã có 92,3% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa, các công trình thuỷ lợi đảm bảo nước tưới cho 83% diện tích lúa xuân và 95% diện tích lúa mùa.
Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng, đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào thiểu số tiếp tục được quan tâm. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 17.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 42,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm, riêng 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đạt trên 6%/năm…
Đến hết năm 2015, tỉnh đã đề nghị Trung ương xem xét quyết định 8 thôn bản đặc biệt khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu của Chương trình…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp, đề xuất tháo gỡ khó khăn, bất cập trong thực hiện Chương trình, như: giải pháp đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền cho cấp xã làm chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ sản xuất; kinh nghiệm quản lý, vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng sau đầu tư…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên đã biểu dương những cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện Chương trình.
Để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung quán triệt nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị vùng cao nhận thức nhận thức về công tác dân tộc, đặc biệt là cấp cơ sở.
Tổ chức quán triệt sâu rộng trong các cấp, các ngành, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về nội dung của các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và các chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020; kế hoạch thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với vị trí việc làm và tình hình thực tế của từng địa phương; thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách trên địa bàn để đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 13 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2011 – 2015.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Năm 2015, ngành chăn nuôi tỉnh Yên Bái có nhiều khởi sắc, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 2.000 tỷ đồng; tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 29%.
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành vùng cây sơn tra tập trung ở hai huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải với diện tích khoảng 3.000 ha; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch 980 ha, sản lượng bình quân 2.500 tấn quả/năm. Xét về giá trị kinh tế, cây sơn tra cho thu nhập cao hơn 2,5 lần so với trồng rừng sản xuất bằng cây thông.
YBĐT- Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Yên Bình đạt 15,6, tăng 0,5% so với năm 2014; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 2,6 tỷ đồng với 18 công ty có hành vi vi phạm sử dụng chất chất cấm trong chăn nuôi.