Thị trường Tết Bính Thân: "Cung" đang chờ "cầu"
- Cập nhật: Thứ hai, 18/1/2016 | 10:16:54 AM
YBĐT - Thời điểm này, thị trường hàng tết ở Yên Bái vẫn rất trầm lắng, hầu hết các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng nhưng vẫn còn để trong kho; các đại lý, cửa hàng tạp hóa hầu như chưa bày hàng tết ra quầy.
Cửa hàng tiêu dùng Thành Dũng (thành phố Yên Bái) chuẩn bị lượng hàng hóa lớn phục vụ dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
|
Theo đánh giá của các ngành chuyên môn thì dự báo vào dịp tết Nguyên đán Bính Thân, giá các mặt hàng sẽ không có biến động lớn. Đợt mua sắm tết Nguyên đán Bính Thân sẽ tập trung từ khoảng giữa tháng 1 đến đầu tháng 2/2016.
Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp, đại lý kinh doanh lớn đã cơ bản dự trữ đủ nguồn hàng hóa, nhu yếu phẩm, tăng cường củng cố mạng lưới bán hàng nhằm bảo đảm cân đối đủ nguồn hàng, giá cả ổn định phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đầu mối lớn đã có kế hoạch nhập hàng hóa bảo đảm cung - cầu thị trường trước và sau tết với tổng giá trị 53 tỷ đồng. Các mặt hàng được chuẩn bị tập trung chủ yếu vào lĩnh vực lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm, nhiên liệu và hàng hóa tiêu dùng khác.
Theo kế hoạch, Công ty cổ phần Thương mại Miền Tây nhập khoảng 1 tỷ đồng hàng hóa chủ yếu là bánh mứt kẹo, rượu bia và hàng tiêu dùng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Phượng nhập 10 tỷ đồng hàng công nghệ phẩm; Công ty TNHH Anh Mỹ nhập 5 tỷ đồng hàng công nghệ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, hàng điện tử và hàng tiêu dùng khác; Doanh nghiệp tư nhân Hằng Hiển nhập 10 tỷ đồng chủ yếu là hàng công nghệ phẩm; Công ty Xăng dầu Yên Bái (trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) bảo đảm lượng xăng dầu kinh doanh thường xuyên trong tháng của toàn bộ hệ thống là 4.000 m3…
Mặc dù xác định thời điểm này không còn sớm để chuẩn bị, bày bán hàng tết, nhưng tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, chợ... trên địa bàn vẫn chưa có không khí nhộn nhịp mua bán mùa lễ, tết. Theo khảo sát của phóng viên thì thời điểm này, thị trường hàng hóa vẫn rất trầm lắng, hầu hết các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng nhưng vẫn còn để trong kho, còn các đại lý, cửa hàng tạp hóa hầu như chưa bày hàng tết ra quầy.
Tại chợ trung tâm thành phố cũng như các huyện khi được hỏi về việc chuẩn bị hàng hóa bán tết, đa số tiểu thương đều cho biết, sức mua của người dân không lớn, hàng hóa bán ra chậm nên hầu như là vừa bán vừa thăm dò thị trường; chưa dám chuẩn bị hàng tết nhiều.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Phượng cho biết: “Năm nay, theo dự báo sức mua chậm nên chúng tôi nhập hàng ít hơn năm ngoái khoảng 2 tỷ đồng. Đến thời điểm này thị trường vẫn chưa có chuyển động gì nên chúng tôi sẽ tùy vào tình hình để có thể nhập thêm hàng”.
Có mặt tại chợ trung tâm một số huyện như: Yên Bình, Trấn Yên cũng khá vắng vẻ, tiểu thương vừa bán vừa mong sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Chị Hoa - một chủ cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Yên Bình cho biết: “Ở đây cứ phải giáp tết, tầm từ 26 Âm lịch trở đi người dân mới đi sắm tết, nên chúng tôi cũng chỉ dám lấy lượng hàng vừa phải, nếu có thiếu thì lấy thêm vì giờ đường sá cũng tiện chứ không dám dự trữ nhiều”.
Hiện nay, với hệ thống bán lẻ ngày càng phong phú, đa dạng, từ thành thị đến nông thôn; các mặt hàng thiết yếu như: bánh kẹo, rượu bia, gạo, thực phẩm tươi sống... được đánh giá là phong phú và dồi dào so với mọi năm nên khó xảy ra tình trạng khan hiếm hàng vào dịp cao điểm. Cùng với đó, sức mua của người dân chưa cao trong khi nguồn cung dồi dào thì giá cả sẽ ổn định, không có biến động lớn.
Thời điểm hiện tại, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, không tăng so với các tháng trước. Nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm gạo tẻ ngon (sén cù) có giá 20.000 đồng/ kg; gạo tẻ Chiêm hương 14.000 - 15.000 đồng/kg; thịt nạc thăn 95.000 - 100.000đồng/ kg; thịt mông sấn 90.000 đồng/ kg; thịt bò ngon loại A 250.000 - 260.000 đồng/ kg; gà ta loại ngon giá 90.000 - 110.000 đồng/ kg, cá các loại từ 45.000 - 75.000/kg… Nhóm hàng công nghệ phẩm như: đường tinh luyện xuất khẩu 18.000 đồng/ kg, bia Hà Nội lon 330ml 205.000 đồng/ thùng, bia Heineken 330ml 370.000 đồng/ thùng, nước mắm Cát Hải loại cao đạm 650ml 40.000/ chai, dầu ăn Simply 1lít 45.000/ chai, thuốc lá vinataba 18.000 đồng/ bao, muối I ốt 4.000đồng/ kg... |
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Điểm sáng của kinh tế thị xã Nghĩa Lộ là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Thị xã hiện có 1.563 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, tăng 213 cơ sở so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa thông qua Đề án về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng bền vững giai đoạn 2016-2020.
Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố phấn đấu đến ngày 1/6/2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 thay cho RON 92.
Nhà máy có quy mô công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu KWh một năm, được khánh thành sau 48 tháng triển khai thực hiện tại Bạc Liêu.