Yên Bái xây dựng vùng măng tre Bát độ tập trung

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/1/2016 | 9:30:15 AM

YBĐT - Cây măng tre Bát độ tuy mới trồng ở Yên Bái nhưng đã có chỗ đứng vững chắc và cho hiệu quả kinh tế cao trong tập đoàn cây lâm nghiệp.

Nông dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên sơ chế măng tre Bát độ.
Nông dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên sơ chế măng tre Bát độ.

Từ những mô hình trồng thử nghiệm đầu tiên ở Trấn Yên, chỉ sau vài năm diện tích đã đạt trên 2.603,7 ha, sản lượng măng đạt trên 50 ngàn tấn, giá trị thu nhập đạt 70 tỷ đồng. Cây măng tre Bát độ đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn.

Cây tre không xa lạ với người dân Việt Nam và đã được khẳng định là loại cây hữu ích hàng ngàn đời nay nhưng việc trồng tre, nhất là tre Bát độ với quy mô lớn theo hướng hàng hóa thị trường thì mới bắt đầu 6 - 7 năm trở lại đây. Sau nhiều thất bại với các loại cây trẩu, thầu dầu ve, luồng Thanh Hóa, cà phê, Yên Bái lại đưa cây măng tre Bát độ vào trồng.

Khi mới trồng không ít người hoài nghi về tính hiệu quả của loại cây này. Nhưng sau một thời gian ngắn đưa vào trồng thử nghiệm, cây măng tre Bát độ đã thích nghi với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu cũng như trình độ thâm canh của người dân và mang lại hiệu quả rõ nét.

Diện tích măng được nhân rộng, từ một vài héc-ta trồng ở Trấn Yên, nay diện tích đã đạt 2.603,7 ha; trong đó, Trấn Yên 2.091,7 ha, Yên Bình 140 ha, Lục Yên 340 ha, Văn Chấn 32 ha...

Cây măng tre Bát độ phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai trong vùng, để nâng cao năng suất, chất lượng, các huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến măng cho các hộ gia đình; đồng thời xây dựng các mô hình trồng thâm canh tre Bát độ để nhân ra diện rộng. Thông qua các lớp tập huấn và xây dựng mô hình, đến nay, nhân dân đã nắm bắt các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến…

Nhìn chung, diện tích tre măng trên địa bàn tỉnh sinh trưởng và phát triển tốt, tre ra măng khỏe, chóng thành bụi, năng suất măng bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha. Tổng sản lượng măng ước tính 50.000 tấn/năm. Chất lượng măng tre đã đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Một yếu tố mang lại thành công của cây măng tre Bát độ là có sự vào cuộc đầu tư, liên kết của “4 nhà” đặc biệt là nhà doanh nghiệp. Công TNHH Vạn Đạt liên kết đầu tư trồng trên 1.000 ha ở Trấn Yên (tập trung ở xã Kiên Thành). Công ty TNHH Yên Thành liên kết đầu tư trồng hơn 500 ha tại Yên Bình, Lục Yên và Văn Chấn. Công ty TNHH Thành Tín liên kết phát triển tại Văn Chấn...

Qua đó hình thành vùng sản xuất tương đối tập trung, phục vụ nguyên liệu sợi dài 17 ngàn tấn, sản lượng măng đạt trên 50 ngàn tấn, giá trị thu nhập đạt 70 tỷ đồng. Riêng xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, trong vụ măng 2015 bà con thu bán đạt trên 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ trồng măng tre Bát độ, hàng năm, đã giải quyết việc làm cho 4.000 - 5.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hộ có thu nhập khá từ 30 - 40 triệu đồng/vụ, có hộ thu cả trăm triệu đồng.

Qua thực tế cho thấy, các loại cây tre nói chung và măng tre Bát độ nói riêng được trồng tại các xã thuộc huyện Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn cho thấy loài cây này hoàn toàn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trong vùng. Cây măng tre mang lại hiệu quả kinh tế cao so với một số cây trồng khác trên diện tích đất đồi rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bước đầu đã gắn kết vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, diện tích trồng măng tre không tập trung, còn manh mún. Các hộ còn thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn sản xuất và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm... Trước thực trạng đó, Yên Bái cần xây dựng phát triển tạo vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh, gắn vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ, cần tiến hành quy hoạch phát triển măng tre ổn định, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, các chính sách thu hút đầu tư… để khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tham gia trồng, chế biến, xuất khẩu măng tre.

Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Yên Bái cũng đã xác định cây măng tre là một trong 6 loại cây trồng cần tập trung đầu tư phát triển. Mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, với quy mô diện tích phù hợp, ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường… từng bước gắn vùng nguyên liệu với chế biến, hình thành chuỗi giá trị sản xuất và nâng cao giá trị, phát huy lợi thế của từng vùng. Phấn đấu đến năm 2020 hình thành vùng sản xuất măng tre tập trung, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô 6.100 ha, hàng năm cung cấp 100 - 120 nghìn tấn măng tươi cho thị trường trong và ngoài nước.

Trong đó, trồng mới 3.500 ha và duy trì diện tích măng tre hiện có 2.600 ha. Địa điểm thực hiện tại 5 huyện: Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn. Hỗ trợ cho hộ gia đình có diện tích trồng mới từ 0,5 ha trở lên với mức 1 triệu đồng/ha đối với huyện Trấn Yên; hỗ trợ không quá 3 triệu đồng/ha đối với huyện Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 8,7 tỷ đồng, vốn dân đóng góp và các nguồn vốn hợp pháp khác trên 182 tỷ đồng.

Việc xây dựng phát triển vùng măng tre Bát độ tập trung là phù hợp với xu thế phát triển nông - lâm nghiệp hiện nay và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc của “4 nhà”.

Thanh Phúc

Các tin khác
Công tác bảo vệ đàn gia súc, gia cầm đang được các địa phương, đơn vị ở Mù Cang Chải quan tâm.

YBĐT -Đến 8h sáng ngày 25/1, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có 18 con gia súc bị chết ở 8 xã gồm: Nậm Khắt, Cao Phạ, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Hồ Bốn và xã Chế Tạo.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2016 không thay đổi so với tháng trước (tháng 12-2015), dù đây là tháng có kỳ nghỉ tết Dương lịch và chuẩn bị cho kỳ mua sắm cuối năm chuẩn bị đón tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Năm 2015, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,68 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo mấy năm qua không ổn định và nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới không tăng như mong muốn. Năm 2015, tình hình xuất khẩu gạo khá ảm đạm, do số lượng hợp đồng không nhiều.

Toàn bộ số xương động vât được tiêu hủy theo quy định vào chiều 22/1.

YBĐT - Chiều 22/1, các lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đã tiến hành tiêu hủy 4.330 kg xương động vật hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục