Những nương chè VietGAP
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 5:35:18 PM
YBĐT - Chúng tôi về thăm những người làm chè Văn Chấn sau một năm đầy nhọc nhằn vất vả. Cuối năm, chè đã hết vụ nhưng câu chuyện của người làm chè vẫn còn khá rôm rả từ vùng thấp đến vùng cao của huyện, chuyện cây chè cành, chè lai rồi chủ trương của tỉnh, của huyện về phát triển cây chè đã mở ra cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
|
Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi và cái bắt tay thật chặt, ông Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ - Lê Ngọc Long cho biết: “Mặc dù là một năm khó khăn, thời tiết không ủng hộ nhưng gần 1.300 số hộ dân làm chè của địa phương vẫn có thu nhập ổn định, hộ ít cũng thu về vài chục triệu đồng, hộ nhiều chè thu về hàng trăm triệu đồng, chuyện làm giàu từ cây chè không còn là xa lạ với người dân nơi đây.
Xác định chè là cây trồng mũi nhọn và là cây chủ lực của địa phương nên trong những năm qua, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh chè, thay thế dần những giống chè trung du già cỗi năng suất thấp bằng giống chè lai, chè cành năng suất chất lượng cao, thực hiện việc sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất kinh doanh chè nhờ vậy cây chè đã dần khẳng định được vị thế.
Trong số hơn 500 ha chè của toàn xã thì diện tích cải tạo, trồng mới đã chiếm tới trên 90%, cùng với đó các nhóm hộ sản xuất chè theo quy trình VietGAP cũng đã góp phần nâng cao chất lượng chè cho địa phương”.
Khoát một vòng tay chỉ về những nương chè chạy tít tắp phía xa, ông Long cho biết thêm: “Tất cả những diện tích đó đều đã được thay thế bằng chè lai, chè cành, quy trình VietGAP đầu tư hệ thống đường, hỗ trợ mua máy móc và tập huấn kỹ thuật nên người làm chè cũng có thêm kiến thức để sản xuất chè theo đúng tiêu chuẩn chè sạch”.
Gia đình chị Nguyễn Thu Hường, tổ 5A là một minh chứng như vậy, trước đây toàn bộ diện tích hơn 1 ha chè gia đình chị nhận khoán của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, được tham gia vào nhóm hộ sản xuất chè theo quy trình VietGAP, chị đã cải tạo toàn bộ diện tích chè trung du bằng giống chè lai mới, đầu tư phân bón, chỉ sau 3 năm chè đã cho thu hái. Năm 2014, gia đình chị thu hái được trên 40 tấn chè; năm 2015 thu được trên 43 tấn, nhờ có nhân lực lại có máy móc để thu hái chè nên chí phí cũng giảm đi khá nhiều, bình quân gia đình chị thu lãi cả trăm triệu đồng.
Chỉ vào ngôi nhà vừa mới hoàn thành trị giá cả tỷ đồng, chị Hương cho biết: “Tất cả cũng nhờ cây chè mà ra, nhà báo ạ!”.
Gia đình ông Nguyễn Tiến Luật, tổ 5A cũng tham gia nhóm hộ sản xuất chè theo quy trình VietGAP từ năm 2004 đến nay cuộc sống gia đình ông cũng khá lên trông thấy. Với hơn 1,3 ha diện tích chè nhận khoán của Công ty cổ phần Chè Nghĩa lộ, vì nhà có nhân lực nên toàn bộ diện tích chè già cỗi của gia đình được thay thế bằng giống chè cành, chè lai LDP1.
Theo như tâm sự của ông Luật thì làm chè bây giờ so với trước đây không khó, nếu nhà có nhân lực, đưa cơ giới hoá vào sản xuất cũng giải phóng khá nhiều công lao động nhờ vậy mà năng suất chè tăng đáng kể so với trước đây. Nếu trước đây 1 ha giống chè trung du cao lắm cũng chỉ được 8 tấn/ha/năm thì nay đã tăng lên trên 20 tấn, có những nhà tới gần 30 tấn, với giá chè ổn định thì mỗi héc-ta chè, sau khi trừ chi phí cũng thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm, chỉ vài ba năm có thể xây nhà là chuyện bình thường.
Quả thật không sai chút nào bởi theo như trao đổi của ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ thì nhờ cây chè mà cuộc sống của người dân đã thay đổi đáng kể, hơn nữa số hộ dân của thị trấn làm chè thì tỷ lệ hộ khá giàu cũng chiếm tới trên 60%, nhờ làm chè nhiều hộ đã xây nhà, mua sắm được các vật dụng, phương tiện sinh hoạt đắt tiền.
Cũng như thị trấn Nông Trường Nghĩa Lộ, mặc dù diện tích chè của Sơn Thịnh chỉ có gần 342 ha song nhờ tập trung thâm canh, cải tạo giống chè trung du năng suất chất lượng thấp bằng giống mới năng suất chất lượng cao mà đời sống người làm chè ở đây đã khá lên trông thấy.
Dẫn chúng tôi tới thôn Thác Hoa 3, là thôn có diện tích chè tương đối nhiều, với gần 100 ha, Phó chủ tịch UBND xã Lê Gia Thuần cho biết: “Toàn bộ diện tích này người dân thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, từ đường xá đến việc thâm canh cây chè cũng được người dân chú trọng hơn rất nhiều. Nếu nói về năng suất có lẽ trong 13/16 thôn có chè thì Thác Hoa 3 vẫn là nơi chè cho năng suất cao nhất, trước đây toàn bộ diện tích chè của địa phương đều thuộc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, nhưng khi giao khoán cho nhân dân, đặc biệt là thực hiện việc sản xuất theo quy trình VietGAP, cây chè đã thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây chè như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hương, chị Trần Thị Yên, gia đình ông Nguyễn Đức Hiển, gia đình chị Vũ Thị Hoan… với mức thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm”.
Nhân dân thôn Thác Hoa 3, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) cơ giới hóa việc thu hái chè.
Huyện Văn Chấn có tổng diện tích trên 4.950 ha trong đó diện tích chè kinh doanh trên 3.800 ha, chè kiến thiết cơ bản 500 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 45.000 tấn, doanh thu bình quân mỗi năm đạt trên 150 tỷ đồng. Cây chè trực tiếp giải quyết công ăn việc làm cho gần 5 vạn lao động, tương đương với hơn một nửa số dân của huyện.
Thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè theo Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Yên Bái, việc trồng chè đã được nâng lên một tầm cao mới khi sử dụng các giống chè có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp chế biến như: LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Shan tuyết... Bình quân mỗi năm Văn Chấn trồng cải tạo từ 100 - 300 ha chè.
5 năm trở lại đây, huyện đã trồng cải tạo thay thế trên 1.200 ha, đưa diện tích chè giống mới lên trên 2.000 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích chè toàn huyện. Để tiếp tục phát triển vùng chè nguyên liệu rộng lớn, năng suất cao, chất lượng búp tốt, đáp ứng cho chế biến, huyện tiếp tục vận động nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay trên địa bàn huyện đã đã hình thành được 86 nhóm hộ VietGAP với tổng diện tích khoảng 1.800 ha. Thông qua việc định hướng cho người trồng chè tiếp cận với quy trình và các tiêu chí của việc sản xuất chè VietGAP đã giúp các hộ dân thay đổi nhận thức trong việc chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm chè búp tươi, góp phần thay đổi dần chất lượng và giá trị sản phẩm chè.
Chia tay những người làm chè Văn Chấn khi một mùa xuân mới đang về cũng là khởi đầu một mùa vụ mới mang lại cuộc sống ấm no cho người làm chè trên quê hương Văn Chấn.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Năm 2015 khép lại, với truyền thống đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã giành được những kết quả rất đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc.
YBĐT - Vẫn biết đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài, tỷ lệ lợi nhuận thấp, đấy là chưa kể đến thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, Yên Bái đã có nhiều nỗ lực để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
YBĐT - Khi nàng xuân mang hơi ấm lan tỏa đất trời làm những nụ đào khoe sắc cũng là lúc những chồi dâu vươn mình đơm lộc nhuộm cả vùng Lan Đình (Việt Thành, Trấn Yên) thành một chiếc thảm xanh trải dài. Màu xanh mỡ màng ấy đã tạo nên cuộc sống no ấm cho nhiều hộ nông dân...
YBĐT - Chuyển mình đi lên cùng sự phồn thịnh của đất nước trên con đường hội nhập, thành phố Yên Bái hôm nay đang trên đà lớn mạnh, xứng tầm trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh với một diện mạo mới - khang trang hơn, hiện đại hơn.