Hội nghị giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ khu vực trung du, miền núi phía Bắc
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/2/2016 | 5:21:08 PM
YênBái -
YBĐT - Ngày 19/2, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị giám sát "Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo" khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các thành viên đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Giao thông Vận tải, Xây dựng; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh, sở khoa học - công nghệ các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc; đại diện các viện, trường đại học và một số doanh nghiệp. Tham dự, về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Hội nghị là một trong những hoạt động giám sát theo khu vực nằm trong chuỗi hoạt động giám sát theo chuyên đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mục đích nhằm tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đối với việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa- hiện đại hóa (CNH, HĐH) giai đoạn 2005-2015, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy CNH, HĐH, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo giai đoạn 2016-2020.
Hội nghị đã nghe báo cáo của Bộ KH&CN đánh giá kết quả hoạt động KH&CN thúc đẩy CNH, HĐH khu vực trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2005-2015, trong đó có kết quả thực hiện Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi", báo cáo kết quả hoạt động KH&CN của Bộ NN&PTNT nhằm thúc đẩy CNH, HĐH khu vực này; báo cáo về tình hình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, quy định pháp luật về phát triển KH&CN giai đoạn 2005-2015 của 14 địa phương; tham luận của các viện, trường, doanh nghiệp tiến hành hoạt động KH&CN trong khu vực.
Quang cảnh Hội nghị
Đánh giá kết quả hoạt động KH&CN thúc đẩy CNH, HĐH khu vực trung du, miền núi phía Bắc giai đoạn 2005-2015 cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành KH&CN của các tỉnh trong vùng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các sản phẩm chủ lực của vùng, địa phương được đầu tư, khai thác và phát triển, nhiều sản phẩm đã phát huy giá trị kinh tế cao. Tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực KH&CN của vùng được tăng cường. Các sở KH&CN được kiện toàn đầy đủ, hoạt động KH&CN cấp huyện được quan tâm cả về kinh phí và nguồn nhân lực. Các địa phương đã quan tâm nhiều hơn việc đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức KH&CN.
Nhiều địa phương đã xây dựng được các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn vốn khác ngoài ngân sách sự nghiệp khoa học hàng năm. Số lượng kết quả các nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng tăng lên rõ rệt, đạt khoảng 50-70% tổng số kết quả nghiên cứu ứng dụng theo lĩnh vực nghiên cứu…
Bên cạnh kết quả này, hoạt động KH&CN còn nhiều hạn chế, như: các địa phương mới bố trí đạt 61,9% vốn đầu tư phát triển KH&CN do Trung ương cân đối qua ngân sách địa phương; việc phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học cho các nhiệm vụ KH&CN ở một số địa phương còn dàn trải; công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN chưa được đẩy mạnh; hoạt động nghiên cứu trong các doanh nghiệp cũng chưa được chú trọng; nhiều sản phẩm có thế mạnh của vùng chưa được đầu tư phát triển thỏa đáng…
Đối với Yên Bái, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa các chủ trương phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước. Giai đoạn 2005-2015, Tỉnh ủy đã ban hành 2 chủ trương hành động, 1 nghị quyết, 1 đề án; UBND tỉnh ban hành 6 nghị quyết và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác liên quan đến lĩnh vực KH&CN; triển khai 447 đề tài, dự án khoa học, áp dụng thành tựu khoa học trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Đồng chí Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng đoàn giám sát thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm KH&CN tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp… đã trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật để phát triển KH&CN, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Các ý kiến, tham luận được đoàn giám sát, tiếp thu, giải trình một số nội dung tại Hội nghị và xem xét, hoàn thiện báo cáo giám sát, trình lên Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm KH&CN của các địa phương, doanh nghiệp, viện, trường đại học.
Hoài Văn
Các tin khác
YBĐT - Xã đã xây dựng được 6 chòi canh gác rừng tại 6 vị trí trọng điểm, là những nơi có độ cao có thể quan sát diện rộng. Việc trực gác được các bản tổ chức phân công 2 hộ/lần; mỗi lần gồm 1 ngày, 1 đêm, sau đó việc trực gác được thay cho 2 hộ khác lần lượt theo thứ tự đã được xã lập thành danh sách.
YBĐT - Năm nay, huyện Trấn Yên lựa chọn mô hình mở rộng diện tích trồng cây tre măng Bát độ tại xã Hồng Ca làm điển hình của đợt ra quân sản xuất đầu năm.
Những ôtô điện mini từ 2 đến 4 chỗ đang được nhiều người rao bán trên mạng thuộc diện không được phép lưu hành.
YBĐT - Vụ xuân 2016, Yên Bình có kế hoạch gieo cấy 2.054ha lúa, trong đó 70% là giống lúa lai, 30% còn lại là các giống lúa thuần chất lượng cao. Tính đến ngày 18/2, toàn huyện đã gieo cấy được 1.950 ha, đạt gần 95% kế hoạch, số còn lại sẽ xong trước ngày 25/2.