Trấn Yên tập trung hoàn thành sản xuất vụ đông xuân
- Cập nhật: Thứ hai, 22/2/2016 | 10:06:08 AM
YBĐT - Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2015 - 2016, huyện Trấn Yên sẽ gieo cấy lúa đông xuân với diện tích 2.677 ha, năng suất 50 tạ/ha, sản lượng 13.385 tấn; trong đó, lúa chất lượng cao 700 ha, năng suất 47,5 tạ/ha, sản lượng 3.325 tấn. Dự báo, vụ này, khả năng khô hạn sẽ xảy ra nên để bảo đảm cấy hết diện tích lúa đông xuân và khắc phục tình trạng thiếu nước có thể xảy ra.
Anh Trần Đức Tiến - Cán bộ Địa chính - Kinh tế xã Báo Đáp (bên trái) kiểm tra tình hình gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân trên địa bàn thôn 16.
|
Huyện tập trung chỉ đạo tốt công tác thủy lợi phục vụ đủ nước cho sản xuất, xây dựng phương án phòng chống hạn, chủ động sửa chữa các công trình thủy lợi, thực hiện biện pháp tưới tiêu khoa học; rà soát những diện tích có khả năng bị hạn, chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích không cấy được do thiếu nước. Về cơ cấu giống, Trấn Yên lựa chọn bộ giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng, có khả năng chịu hạn, chịu rét... và đặc biệt có khả năng kháng sâu, bệnh cũng như không sử dụng giống lúa nhiễm bệnh đạo ôn trong vụ đông xuân. Khung thời vụ gieo cấy, trà 1 gieo mạ từ ngày 10/1 - 15/1/2016, cấy ném từ ngày 25/1 - 5/2/2016; trà 2 gieo mạ từ ngày 25/1 - 30/1/2016, cấy ném từ ngày 15/2 - 20/2/2016. Cũng theo dự báo, cả vụ đông xuân 2015 - 2016, các đợt rét đậm, rét hại không kéo dài; nền nhiệt độ toàn vụ cao hơn so với trung bình nhiều năm nên tập trung chủ yếu trà xuân chính vụ và trà xuân muộn.
Đồng chí Nguyễn Quốc Tưởng - Phó chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: “Vụ đông xuân 2015 - 2016, xã Việt Thành gieo cấy 125,3 ha bằng các giống lúa chất lượng cao như HT1, Hương Chiêm, Thiên ưu 8 và các giống lúa lai Nhị ưu 838, D.ưu 6511. Nông dân địa phương đã chủ động thời gian, giống lúa cũng như tham gia tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa đông xuân bên cạnh sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện”. Xác định rõ thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, công tác phối hợp giữa khuyến nông viên với các thôn bảo đảm chặt chẽ bên cạnh việc xã phân công cán bộ phụ trách các thôn để chủ động, điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Trên cánh đồng thôn 6, xã Việt Thành, hai mẹ con bà Đỗ Thị Khánh đang khẩn trương cấy lại diện tích lúa bị chết do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại và sương muối trước Tết Nguyên đán. Bà Khánh vừa nhanh tay cấy vừa nói: “Nhà có 3 sào ruộng, tôi cấy giống Chiêm Hương vào ngày 20 tháng Chạp. Thăm đồng, đã lo lại thêm lo vì ông nhà tôi cứ kêu suốt khi nhổ cây mạ lên chẳng thấy cái rễ trắng nào bén ra cả. May mà xin được mạ của bà thông gia bên Quy Mông, mẹ con tôi tranh thủ cấy lại”. Ông Phan Văn Tuất - Trưởng thôn 6 bảo: “Thôn có 1 ha lúa phải cấy lại bởi ảnh hưởng của đợt rét trước tết và 3 sào phải dặm lại do ốc bươu vàng phá hại. Bà con đã khẩn trương cấy lại, dặm lại và cả thôn đã bảo đảm toàn bộ 13,5 ha lúa đông xuân được gieo cấy đúng khung thời vụ theo hướng dẫn”.
Xã Báo Đáp vụ này gieo cấy 182 ha, nhiều nhất là thôn 1 với 17,2 ha, thôn 12 có 14,9 ha, thôn 11 là 14,4 ha... Anh Trần Đức Tiến - cán bộ Địa chính - Kinh tế xã tranh thủ gần trưa đi thăm đồng. Ông Phạm Hồng Hải ở thôn 16 vừa phun xong thuốc trừ cỏ non cho 2,8 sào lúa của gia đình được cấy hôm mùng 6 tết. Ông Hải cởi mở trò chuyện: “Tôi quyết định cấy giống lúa Thái Bình vì xem trên truyền hình thấy nói là giống mới lại dẻo, ngon cơm mà không thoái hóa. Ở đây, chúng tôi trồng nhiều giống Thái Bình lắm. Giống bây giờ chả lo gì hết vì đều mua ngay tại các đại lý trên địa bàn xã, có uy tín rồi”.
Câu chuyện giữa anh Tiến với ông Hải cứ dài thêm khi thỉnh thoảng những người nông dân xong việc gieo cấy, chăm sóc lúa... dừng lại góp lời ngay bên con mương chính ăm ắp nước dẫn về đồng. Họ bảo rằng, dẫu thời tiết có bất thường, sức mạ nảy chậm nhưng nhờ được chăm sóc kỹ, được che chắn tốt nên mạ vẫn không bị táp, không bị vàng. Đến giờ, nhà nhà, người người lại tranh thủ thời tiết ấm áp để đưa cây mạ ra ruộng. Suốt đời gắn bó với ruộng đồng nên người nông dân cũng ngày càng có sự chủ động cao, có thêm nhiều kinh nghiệm. Điều đó cộng với sự chỉ đạo sát sao của xã tạo nên tính kịp thời, hài hòa, đồng bộ và hiệu quả cao.
Anh Tiến cho hay: “Địa phương hết sức chủ động và theo sát mọi diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất. Kể cả chưa có thông báo, hướng dẫn của cấp trên nhưng nếu thấy điều kiện bất lợi là xã cũng ngay lập tức có điều chỉnh phù hợp”. Ông Hải bảo rằng: “Nông dân chúng tôi cũng có ý thức chủ động cao nhất”.
Sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, sự chủ động cao nhất của mỗi nông hộ là những yếu tố để huyện Trấn Yên hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân đúng khung lịch tốt nhất.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị nhóm công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn và các chuyên gia kinh tế nhằm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Từ đầu năm đến nay giá xăng giảm khoảng 16%, giá hạ 20%. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu.
YBĐT - Ngày 19/2, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị giám sát "Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo" khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
YBĐT - Xã đã xây dựng được 6 chòi canh gác rừng tại 6 vị trí trọng điểm, là những nơi có độ cao có thể quan sát diện rộng. Việc trực gác được các bản tổ chức phân công 2 hộ/lần; mỗi lần gồm 1 ngày, 1 đêm, sau đó việc trực gác được thay cho 2 hộ khác lần lượt theo thứ tự đã được xã lập thành danh sách.