Nông nghiệp - Bao giờ hết “mong manh”?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/4/2016 | 9:13:03 AM

Nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, vấn đề thường được cử tri lo lắng và đặc biệt quan tâm là chính sách đầu tư cho nông nghiệp trong thời gian tới.

Bởi kinh tế nông nghiệp gắn liền với 70% dân số, tác động đến nhiều mặt đời sống của đại bộ phận người nông dân và người tiêu dùng thành thị. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nền nông nghiệp nước ta vẫn ở trong tình trạng mong manh, đời sống của nông dân vẫn bấp bênh và dễ bị tổn thương, nhất là trong quá trình hội nhập.

Nền nông nghiệp vẫn còn “trông nắng, trông mưa”

Các đại biểu nhận định, mặc dù nông nghiệp nói chung chỉ đóng góp khoảng 17%-19% tổng GDP của nền kinh tế, nhưng gắn liền với 70% dân số sống ở nông thôn, đời sống của họ gắn với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong các năm qua, Chính phủ và bộ, ngành rất quan tâm lĩnh vực này bằng nhiều chính sách có tính lâu dài và tình thế, nhất là tái cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp…

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn phải chịu tác động mạnh của điều kiện tự nhiên, trong đó ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp vô cùng lớn. Chỉ mấy tháng đầu năm 2016, tác động của hạn, xâm nhập mặn với nguy cơ làm nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng âm và có ảnh hưởng đến nông nghiệp tại các vùng khác như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Vấn đề biến đổi khí hậu đã thực sự tác động đến tài nguyên nông nghiệp và tài nguyên sinh học và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nhận xét: “Qua các vấn đề này, cho thấy nền nông nghiệp của chúng ta hiện rất mong manh và khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì dễ bị tổn thương".

Cho rằng hệ thống dự báo về khí hậu, thời tiết của nước ta chưa đáp ứng kịp thời và cách phối hợp liên ngành trong lĩnh vực thông tin, ứng phó còn kém, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) lo lắng, trong khi sản xuất nông nghiệp và người nông dân rất cần những dự báo và tác động ngắn hạn để ứng phó.

“Rõ ràng, lĩnh vực khoa học, công nghệ chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu này” - đại biểu Công Đỉnh nêu. Ông cho rằng, vấn đề biến đổi khí hậu có liên quan mật thiết đến quá trình sử dụng tài nguyên nước của sông Mê Công, trong đó điều tiết của các nước khu vực thượng lưu đều có tác động sâu sắc đến hạ lưu. Cho đến nay, các giải pháp phối hợp liên quốc gia, thậm chí thông tin cũng rất rời rạc.

Sản xuất manh mún, đầu ra bấp bênh

Cho biết vấn đề thường được cử tri quan tâm và luôn đề cập đối với nông nghiệp là sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản vẫn còn “lẩn quẩn” và điệp khúc “được mùa, mất giá” - đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng, thương hiệu sản phẩm chủ lực vẫn chưa có nên tính cạnh tranh và giá xuất khẩu còn thấp, vật tư nguyên liệu đầu vào biến động và quản lý chưa hiệu quả, tổ chức sản xuất chưa định hình được các mô hình hay.

Cũng chung quan tâm về vấn đề này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đác Nông) đưa ra thí dụ, tình trạng thị trường nông nghiệp của Tây Nguyên hiện nay không khác gì 10 năm trước đây.

“Chúng ta cứ than trách về phát triển diện tích cây trồng tự phát nhưng chúng ta vẫn chưa có chiến lược đầu ra nông sản mang tính bền vững để người nông dân yên tâm sản xuất. Trong khi đó không như các loại cây trồng ngắn ngày khác muốn có thu nhập ổn định, nông dân trồng cà phê, tiêu phải có thời gian kiến thiết tương đối kéo dài đến bốn năm với nhiều công đoạn kỹ thuật phức tạp, tốn kém nhiều chi phí”- đại biểu Ngọc Hạnh cho biết.

Đất nông nghiệp đang bị thu hẹp

Nêu ý kiến, một số nơi do “nôn nóng” trong phát triển công nghiệp và muốn tranh thủ các nhà đầu tư nên đã cho phép thu hồi san lấp mặt bằng với một lượng lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, sau đó do thiếu vốn nên các dự án thực hiện cầm chừng, đất đai bị bỏ hoang, Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) lo ngại: “Người bị tịch thu đất mất việc làm dẫn đến lãng phí nguồn lao động và tài nguyên đất đai”.

Việc chuyển đổi một số lượng lớn đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp trong một thời gian ngắn, nhất là tại các vùng trồng lúa có điều kiện canh tác tốt, thiếu cân nhắc đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, môi trường lâu dài đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của một bộ phận nông dân.

“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu kiện đông người diễn ra trong một thời gian dài gây nên tình trạng mất ổn định về an ninh, trật tự và an toàn xã hội” - đại biểu Phương nhận định.

Việc dồn điền, đổi thửa đã thực hiện từ lâu, nhưng đến nay, ở nhiều nơi vẫn còn bị phân bố, manh mún, gây trở ngại lớn cho việc ứng dụng khoa học, cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đại biểu Lê Công Đỉnh bày tỏ, nông nghiệp thời gian qua có điều “vừa đáng mừng, nhưng vừa đáng buồn và đáng lo”.

“Đáng mừng vì Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, có chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng lại đáng buồn, vì những kết quả đạt được chưa đáp ứng mong mỏi của đại biểu cử tri, nhất là nông dân. Thật đáng lo vì sản xuất nông nghiệp nước ta đang rất mong manh, đời sống người dân bấp bênh, dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập” - đại biểu Công Đỉnh nói.

Hội nhập, nông dân rồi có tự bơi?

Đại biểu Lê Công Đỉnh cho rằng, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, sản xuất nông nghiệp sẽ còn chịu các tác động lớn khi Việt Nam thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Chúng ta đã làm gì để giúp người nông dân hiểu biết và chủ động ứng phó để không bị tổn thương trong quá trình hội nhập này hay cứ để người nông dân tự bơi trong khi chưa biết bơi?” - đại biểu Công Đỉnh trăn trở.

Từ những lo ngại này, đại biểu Đỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ vấn đề cấp bách là cần phải có các giải pháp giúp cho nông dân hiểu được phải làm gì để chủ động trong quá trình hội nhập.

Vị đại biểu này cũng đề xuất các giải pháp chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp phải đáp ứng năm chiến lược cơ bản: gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, khắc phục nhược điểm cố hữu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam, liên kết doanh nghiệp với nông dân theo hướng sản xuất an toàn, xem xét lại các phương thức và quy mô các ngành không có tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập để có những định hướng và chính sách phù hợp hơn, nghiên cứu và đề xuất có chiến lược rõ ràng đối với phân khúc các sản phẩm nông nghiệp, có giải pháp bền bỉ, nâng cao khả năng của nông dân trong quản lý nông nghiệp.

Cần chính sách và đầu tư đột phá

Phân tích từ những thực tế tồn tại thời gian qua, các đại biểu nhận định, nền nông nghiệp nước ta tuy không góp nhiều cho GDP nhưng lại vô cùng quan trọng. Theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), lĩnh vực này có 67% dân số Việt Nam đang sống và lao động ngày đêm để nuôi sống hơn 90 triệu dân. “Đặc biệt, đây là những người đang bảo đảm an ninh lương thực, vấn đề quan trọng số một của mỗi đất nước”.

Vì vậy, các đại biểu kiến nghị Chính phủ trong năm 2016 và kế hoạch 2016-2020 cần có những chính sách điều hành đột phá hơn, đầu tư nhiều hơn, chú ý nhiều đến sản xuất và tiêu thụ, tiếp tục xem trọng nền nông nghiệp hơn nữa để có thể vượt qua khó khăn, làm chuyển biến căn bản nền nông nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả và vai trò của nông nghiệp.

Đại biểu Lê Công Đỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần kiên trì và kiên quyết thương thảo đấu tranh với các nước dùng chung tài nguyên sông Mê Công thông qua nhiều hình thức nhằm đạt được các quy tắc sử dụng nước lưu vực liên quốc gia, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa là cơ sở vững chắc cho việc dự báo và đề xuất các ứng phó và điều chỉnh các quy hoạch cần thiết. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu về biến đổi khí hậu một cách hệ thống hơn và thực tiễn hơn, đặc biệt phải có những dự báo ngắn hạn.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, về chính sách điều tiết thị trường với tầm nhìn chiến lược thì trách nhiệm thuộc về Nhà nước, trách nhiệm của Chính phủ. “Nếu chúng ta có chính sách, có chiến lược tạo ra một thị trường nông sản tương đối ổn định, người dân trồng cà-phê hình dung được tương lai giá cả sản phẩm làm ra thì tái canh cà-phê trở thành nội dung tự giác của người trồng cà-phê, chứ không đợi đến chương trình hỗ trợ của ngân hàng như hiện nay” - đại biểu Hạnh cho biết.

Theo đại biểu Bùi Thị An, chúng ta cần nghiên cứu để sao cho nông nghiệp đi lên bền vững, bảo đảm cho đồng bào Việt Nam ta có “gạo sạch, thịt ngon, rau không độc hại” để ăn và nghiên cứu để triệt tiêu yếu tố phi thị trường trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Đại biểu An cho rằng, Chính phủ nên phân công một lãnh đạo chuyên phụ trách mảng này, bởi “nông nghiệp nước ta ít nhất trong 20 năm tới vô cùng quan trọng”.

(Theo NDĐT)

 

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị

YBĐT- Chiều 1/4, Sở Giao thông Vận tải Yên Bái tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai và đảm bảo giao thông năm 2016; triển khai thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Người dân xã Phúc Sơn tham gia làm đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Con đường vào thôn Bản Nụ 2, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn như chuyển mình khi hàng trăm người dân cùng các phương tiện, máy móc vận chuyển vật liệu, san gạt cấp phối, nâng cấp toàn bộ tuyến đường.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mù Cang Chải giải ngân vốn cho vay.

YBĐT - Với những hoạt động cụ thể, bám sát từng địa bàn, đối tượng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mù Cang Chải đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng phí đường bộ từ ngày 1/4.

Từ ngày 1/4, phí đường bộ trên quốc lộ 5 và cả 2 tuyến đường từ Hà Nội đi Hải Phòng là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chính thức tăng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục