Tìm hướng đi trong phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/4/2016 | 10:15:40 AM

YBĐT - Đợt rét đậm, rét hại đi qua để lại cho xã Suối Giàng (Văn Chấn) những thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Diện tích lúa nước vụ này cho đến nay đã cơ bản được khắc phục nhưng với trên 300 ha chè Shan tuyết, sự biến đổi bất thường của thời tiết đã và đang làm thay đổi chu kỳ thu hoạch, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của người dân địa phương…

Chè Shan tuyết là nguồn thu nhập chính của người Mông Suối Giàng.
Chè Shan tuyết là nguồn thu nhập chính của người Mông Suối Giàng.

Chia sẻ những khó khăn trong phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng - Sổng A Nủ băn khoăn: “Thường thường như mọi năm, đến thời điểm này, nhân dân đã thu hái được vài ba chục tấn chè búp tươi, nhưng năm nay ảnh hưởng của thời tiết bất thường, cây chè chậm cho búp nên đến thời điểm này toàn xã chỉ thu hái được vài tấn. Nguồn thu nhập chính của bà con ở đây là từ cây chè, vì thế cuộc sống cũng sẽ khó khăn hơn”.

Là xã có diện tích lúa ruộng chưa đầy 80 ha, trong đó, vụ lúa xuân 2016 chỉ có hơn 30 ha nên việc bảo đảm an ninh lương thực cho nhân dân là nhiệm vụ được Đảng ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, vụ lúa xuân này ít nhiều năng suất sẽ bị ảnh hưởng. Để chủ động bù đắp lại sản lượng lương thực bị thiếu hụt, xã đang tích cực chỉ đạo rà soát lại toàn bộ diện tích đất sản xuất ngô đồi; chủ trương không trồng rừng kinh tế trên diện tích này để bảo đảm diện tích sản xuất lương thực ở địa phương. Trên cơ sở thống kê diện tích, sẽ bảo đảm cung cấp đủ giống cho nhân dân chủ động gieo trồng vụ ngô đồi xuân hè 2016, phấn đấu đạt mục tiêu cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Nhìn vào nền kinh tế của xã Suối Giàng có thể thấy, chè và ngô đồi đang là những cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Với 2 vụ ngô đồi/năm, những năm gần đây, đồng bào Mông xã Suối Giàng đã chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ, đặc biệt là đã chủ động được nguồn thức ăn phục vụ phát triển chăn nuôi hộ gia đình. Kinh tế hàng hóa đã dần len lỏi đến từng nhà.

Thay vì sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình như trước đây, nay người dân trong xã đã biết nuôi trồng những cây, con là sản vật của địa phương để phục vụ nhu cầu ăn uống, mua bán của khách thăm quan, du lịch. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế các bãi chăn thả rộng, xã chủ trương khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, xã có gần 1.000 con trâu, bò. Nghề này, theo nhu cầu của thị trường cũng được người dân đầu tư phát triển.

Trên thực tế, nền kinh tế Suối Giàng đang có bước chuyển dịch tích cực trên cơ sở khai thác và tận dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từ kinh tế đồi rừng, từ giá trị văn hóa truyền thống bản địa, đặc biệt là những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng. Năm 2011, Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ, xây dựng khu du lịch Suối Giàng” đã lập xong quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng. Đề án được triển khai đã tạo nên những đổi thay căn bản diện mạo của địa phương, khơi dậy sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, làm du lịch cộng đồng của nhiều gia đình người Mông bản địa.

Riêng bản Pang Cáng - bản văn hóa của xã hiện đã có 5 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng; 8 hộ chế biến, sản xuất chè theo phương thức cổ truyền ngay tại gia đình, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch. Tại đây, đã được tỉnh đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt truyền thống bảo tồn văn hóa dân tộc Mông trị giá hơn 1 tỷ đồng. Một số nghề truyền thống của đồng bào Mông như rèn, đan lát, dệt thổ cẩm; các lễ hội: thi giã bánh dày, mừng cơm mới, lễ cấp sắc, lễ cúng cây chè tổ... đang dần khôi phục. Suối Giàng đã có những người Mông biết làm du lịch.

Vụ hoa tam giác mạch 2016, chỉ với 2.000 m2, giá vào vườn thăm quan 20.000 đồng/người, gia đình ông Vàng A Khua, thôn Giàng A - hộ đầu tiên đưa hoa tam giác mạch về trồng trên đất Suối Giàng đã thu về vài chục triệu đồng. Hiện nay, xã đã có 2 nhóm với 5 hộ gia đình tham gia trồng hoa tam giác mạch để làm du lịch, với diện tích gần 2 ha. Diện tích này theo lãnh đạo địa phương, trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp sẽ chủ trương mở rộng, tạo vùng hoa tập trung phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong mùa hè này.

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Sổng A Nủ cho biết: “Riêng năm 2015, đã có hàng nghìn khách du lịch tới địa phương thăm quan, chủ yếu là vào mùa hè. Tuy nhiên, do cơ sở ăn, nghỉ phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu của du khách nên lượng khách du lịch dài ngày còn rất ít. Do vậy, rất cần những nguồn đầu tư lớn vào địa phương, đặc biệt là việc nâng cấp hạ tầng giao thông, nối Suối Giàng với các địa phương trong vùng, tạo cơ hội kinh tế địa phương bền vững, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân”.

Điều trăn trở và mong đợi này của chính quyền và người dân Suối Giàng đặt trách nhiệm đối với Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Chấn, mục tiêu sớm xây dựng Suối Giàng trở thành điểm nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái - văn hóa của huyện nói riêng và của tỉnh Yên Bái. 

 Phạm Minh

Các tin khác

YBĐT - Vụ đông xuân năm 2016, toàn thành phố gieo cấy 458 ha. Đến thời điểm này, 100% diện tích đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ.

YBĐT - Vụ ngô xuân năm nay, huyện Trạm Tấu phấn đấu gieo trồng 2.563 ha ngô, tăng 13 ha so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành kế hoạch, ngay từ đầu vụ, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động làm đất, chuẩn bị gieo trồng kịp khung lịch thời vụ.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 553,695 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Yên Bái để hỗ trợ cứu đói trong thời gian giáp hạt năm 2016.

Ảnh minh họa.

Xây dựng và nhân rộng các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục