Hiệu quả liên kết vùng chưa cao
- Cập nhật: Thứ bảy, 9/4/2016 | 9:11:05 AM
Với địa hình trải dài, đa dạng, Việt Nam có nhiều vùng địa lý mang thế mạnh, tiềm năng cũng như hạn chế khác nhau, từ đó đặt ra vấn đề liên kết vùng (LKV) để phát triển kinh tế theo hướng hợp lý, bền vững. Tuy nhiên, đến nay hoạt động LKV chưa đạt hiệu quả đáng kể…
Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đưa vào khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng Thủ đô.
|
Liên kết vùng bộc lộ sự... rời rạc
Theo Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ, thực tế cho thấy vẫn còn những vấn đề, tồn tại trong LKV, đó là các cấp, ngành chưa nhận thức đầy đủ về phát triển kinh tế vùng như một quy luật kinh tế thị trường theo không gian kinh tế; cách phân vùng còn nhiều hạn chế để phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng; các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy hết vai trò đầu tàu kinh tế, thiếu sức lan tỏa; thiếu gắn kết giữa kinh tế vùng với nền kinh tế quốc gia và thiếu cơ chế, mô hình quản lý, điều phối hiệu quả đối với hoạt động LKV.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, đến nay mỗi tỉnh vẫn như một nền kinh tế riêng, rất thiếu tính gắn kết với địa phương khác. Sự manh mún và tự phát như vậy càng làm bộc lộ điểm yếu mà không thể phát huy thế mạnh của từng địa phương.
LKV đang lỏng lẻo, phân tán. Vì vậy, cần mạnh dạn thay đổi tư duy, từng bước chuyển sang phát triển kinh tế theo quy mô cấp vùng thay vì theo từng tỉnh. Ông Thiên cũng nhắc lại những sai lầm về cách lựa chọn động lực phát triển kinh tế trong thời gian trước đây khi xuất hiện "phong trào" các tỉnh đua nhau xây dựng nhà máy xi măng, mía đường, cảng biển, sân bay…
Những sai lầm đó làm tăng gánh nặng đầu tư vì dàn trải, chưa mang lại hiệu quả tương xứng; thậm chí dẫn đến cạnh tranh không đáng có giữa các địa phương cùng một khu vực, vì thường có cùng tiềm năng, hoàn cảnh như nhau...
Đáng chú ý, đến nay vẫn chưa có quy định pháp lý về tổ chức, chức năng hoạt động của LKV theo hướng chặt chẽ, cụ thể, mà chủ yếu tồn tại thông qua việc các tỉnh, thành phố tự nguyện tham gia. Đơn cử, như Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung, tuy thu hút 9 địa phương, nhưng chưa làm gì được nhiều và còn lúng túng trong phối hợp, điều hành. Các tỉnh cũng phân vân vì không biết nên chọn cách chỉ định đại diện từng tỉnh thay phiên làm chủ tịch hay áp dụng cách khác. Mặt khác, mô hình Ban điều phối cấp vùng cần được kiện toàn, có đầy đủ chức năng, thẩm quyền, nguồn kinh phí để phát huy vai trò của mình…
Liên kết để phát huy thế mạnh
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần đặt câu hỏi tại sao LKV chưa hiệu quả để từng bước cải thiện tình hình? Tuy nhiên, cũng chưa nên đặt mục tiêu quá lớn mà trước mắt cần thống nhất, xác định những lĩnh vực, vấn đề cần, sát với thực tế để làm trước.
Đơn cử, LKV tại Đồng bằng sông Cửu Long cần được xử lý bằng cách tham vấn, lựa chọn phương cách ứng phó hợp lý trong việc phòng chống nước biển dâng, xâm nhập mặn cũng như tiếp nhận, sử dụng nguồn nước từ thượng lưu đổ về ở thời điểm hiện tại.
Sau đó, các tỉnh sẽ có điều kiện tổng kết, rút kinh nghiệm để ngày càng phối hợp tốt hơn; mang lại hiệu quả tổng hợp, lâu dài cho cả khu vực. Cần nói thêm, thực hiện LKV cũng phải tôn trọng tiêu chí "bình đẳng" giữa các địa phương, làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ, tránh tình trạng bất cập, thiếu thống nhất.
Đặc biệt, LKV cũng là tiền đề để làm tốt nhiều yêu cầu, đòi hỏi của đời sống cộng đồng, như bảo vệ môi trường, ATVSTP, phòng chống dịch bệnh, an toàn năng lượng, nguồn cấp và thoát nước, công trình hạ tầng đầu mối như cảng biển, sân bay…
Mở rộng vấn đề trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, LKV cần được đặt ra đúng tầm, kịp thời, vì LKV là yêu cầu từ thực tiễn để giải quyết những vấn đề lớn và riêng mỗi địa phương không thể tự mình giải quyết. Về bản chất, LKV phải đảm nhận được vai trò phối hợp, nhân rộng thế mạnh và hạn chế điểm yếu của một số địa phương trong cùng một khu vực.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung nhận định, cần tìm cơ chế huy động sử dụng nguồn vốn và các động lực cho phát triển kinh tế vùng, nhất là đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng. Đây là yêu cầu quan trọng, nếu làm tốt sẽ là yếu tố thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn lực, tiềm năng kết hợp với phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch của cả vùng… trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT -Tính đến ngày 31/3, huyện Văn Chấn thu ngân sách Nhà nước được 40,66 tỷ đồng, đạt 31% dự toán tỉnh giao.
YBĐT- Mù Cang Chải mùa này, gió lào thổi suốt ngày đêm, những dải rừng già nhuộm màu vàng úa vì hanh khô, thế nhưng từ đồi Thung Là cho đến cánh đồng Trống Cáng Là, Páo Sa Lá… thuộc xã Khao Mang, lúa xuân vẫn xanh tốt. Đó chính là màu xanh của kỳ tích, màu của ấm no khi những đồng đất khô hạn, trơ rạ ngày nào đã trổ bông, mang về hàng nghìn tấn thóc cho nông dân nơi đây.
YBĐT - Với tiềm năng, lợi thế về đất đai cùng các điều kiện tự nhiên khác, huyện Lục Yên có nhiều điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc. Phát huy thế mạnh này, những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.
YBĐT - Ngoài sự nỗ lực của các ngành chuyên môn, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức, nhận thức để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi,