Cơ hội nâng tầm cây quế

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/4/2016 | 10:25:45 AM

YBĐT - Thật khó có thể tìm thấy ở đâu cây quế lại mang đến nhiều lợi ích cho con người như ở huyện Văn Yên. “Cây quế ở đây chẳng vứt đi thứ gì, chỉ có mỗi rễ không đào lên được thì phải chịu” - câu nói đùa mà thật ấy của đồng chí Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cứ khiến tôi suy nghĩ mãi.

Giáo viên TTDN&GDTX huyện Văn Yên giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ quế với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Yên.
Giáo viên TTDN&GDTX huyện Văn Yên giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ quế với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Yên.

Tôi tự hỏi, liệu có còn lợi ích nào từ cây quế mà tôi không biết? Và quả nhiên, ở Văn Yên, còn có một nhóm các thầy, cô giáo tại Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên (TTDN&GDTX) huyện đang ngày đêm "nuôi dưỡng” nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế.

Từ khi biết thông tin về nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, tôi háo hức xen lẫn sự tò mò. Để thỏa mãn sự tò mò ấy, tôi tìm đến TTDN&GDTX huyện Văn Yên để có thể được "mục sở thị”. Niềm nở chào đón tôi là chị Nguyễn Thị Hạnh - Tổ trưởng Tổ hướng nghiệp Dạy nghề. Không biết sáng bước chân nào ra cửa mà số tôi "hên” thế, hôm nay cũng đúng là ngày nhóm sản xuất đang làm việc, còn có cả các em học sinh người Dao - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Yên sang chơi.

Chị Hạnh dẫn tôi tới gần khu nhà chế tác sản phẩm, mùi thơm của quế đã phảng phất, có lúc đậm mùi, sộc thẳng vào sống mũi cay cay. Một thầy giáo đến gần, tự giới thiệu:

- Tôi là Nguyễn Quý Hoàng - giáo viên của Trung tâm cũng là thành viên của nhóm sản xuất. Tôi đang là giáo viên dạy văn hóa, nhưng sau khi được học một khóa ngắn hạn về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế hồi tháng 8/2015 là tôi mê tít luôn rồi. Cứ tranh thủ ngày nghỉ, trống tiết là lại xuống làm. Đây thực sự là một nghề hay, mới mẻ và có rất nhiều tiềm năng nâng cao vị thế của cây quế. Anh Hoàng giới thiệu rồi đưa tôi vào thăm khu chế tác.

Một chiếc tủ kính trưng bày các sản phẩm được đặt gọn gàng, nào đồng hồ, hộp tăm, nào là lọ hoa, bát, đèn ngủ… được thiết kế tinh xảo, có tính nghệ thuật cao tất cả đều làm từ vỏ quế. Chị Hạnh bảo: "Từ khi thành lập hồi tháng 10/2015 đến nay, nhóm chị đã sản xuất được 30 loại sản phẩm khác nhau, thiết kế hàng chục mẫu logo và có cả những đơn đặt hàng của khách nước ngoài. Nhiều sản phẩm được UBND tỉnh và huyện lựa chọn trưng bày tại các lễ hội, hội nghị, hội chợ, triển lãm như: Lễ hội đền Đông Cuông, Lễ hội Quế, Hội thảo chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển ngành gia vị các tỉnh miền núi phía Bắc, Triển lãm Du lịch quốc tế Việt Nam 2016…”.

Những sản phẩm tưởng chừng như nhỏ bé nhưng đòi hỏi rất nhiều công sức và sự khéo léo, sáng tạo, tỉ mỉ từ đôi bàn tay con người. Còn riêng mùi thơm lưu lại rất lâu và đặc trưng bởi lượng tinh dầu sẵn có trên vỏ thì quả là tuyệt vời. Đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế còn được dùng keo đường - một loại keo chiết xuất từ thảo mộc để gắn kết, do đó, sản phẩm hoàn toàn được làm từ thiên nhiên, tạo nên sức hút và nét độc đáo rất riêng biệt cho sản phẩm được nhiều người, đặc biệt là du khách nước ngoài yêu thích.

Chia tay nhóm sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, được cán bộ văn hóa xã giới thiệu, tôi tìm đến nhà anh Bàn Tòn Năm - thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn. Anh chia sẻ: "Nhà có 4 ha quế, gắn bó với cây quế đã bao đời nay nhưng để bán vỏ quế làm đồ thủ công mỹ nghệ thì quả là rất mới lạ mà giá trị thành phẩm lại cao. Nếu nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ từ gỗ quế được thành lập và phát triển, đây chắc chắn sẽ là cơ hội lớn không chỉ cho tôi mà còn cho cả bà con Viễn Sơn. Tôi rất ủng hộ!”.

Theo ông Doãn Hải Sơn - Phó chủ tịch UBND xã: "Hiện Viễn Sơn là xã có diện tích trồng quế lớn với trên 1.500 ha. Từ trước đến nay địa phương chỉ bán các sản phẩm quế thô, nên giá trị kinh tế không cao và thường bị thương lái ép giá”.

Được biết, 1 ki-lô-gam vỏ quế thông thường được bán ra với giá từ 30 - 50 nghìn đồng. Nhưng cùng 1 ki-lô-gam vỏ quế có thể tạo nên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá bán từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng. Ở đây, bài toán kinh tế mang lại hiệu quả là điều dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, đến nay bà con vẫn chưa thể đi vào sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế bởi còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, khó khăn chính là do chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm. "Có một thực tế khác đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây quế là tình trạng khai thác không hợp lý, tận thu quá mức. Nguyên liệu tại vùng trồng quế chưa được sử dụng hiệu quả. Cây quế sau khi bóc vỏ thường được bán làm vật liệu trong ngành xây dựng. Trong khi thân quế và vỏ quế có tính năng đặc biệt có thể chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay sản xuất các sản phẩm sinh hoạt tiêu dùng” - ông Đoàn Văn Hoạt - Giám đốc TTDN&GDTX huyện Văn Yên nhận định.

Trở lại câu chuyện của nhóm sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, thời gian qua, để nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế tạo dựng được thương hiệu, có vị thế trên thị trường, UBND huyện Văn Yên luôn quan tâm, tập trung đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất như: máy ép, máy cắt, máy mài, cưa mỹ nghệ,… Tài liệu, giáo án dạy nghề đã được Trung tâm soạn thảo và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt; nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân lực sẵn có… Thế nhưng, nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế hiện vẫn mới được dạy theo kiểu truyền nghề, chứ chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Các sản phẩm tuy đã bán được nhưng số lượng còn khá hạn chế. Đề án Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Văn Yên, giai đoạn 2016 - 2020 được UBND huyện phê duyệt ngày 30/12/2015 dự kiến sẽ thành lập 4 làng nghề, trong đó có 2 làng nghề đồ thủ công mỹ nghệ từ gỗ rừng trồng và 2 làng nghề thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế tại xã Viễn Sơn và thị trấn Mậu A. Với nguồn kinh phí đầu tư ban đầu dự kiến cho mỗi làng nghề là 100 triệu đồng, Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động trên địa bàn các xã, giúp người lao động tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tạo thêm công ăn việc làm, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Anh Tiến - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: "Ngoài Đề án Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Văn Yên, giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện đã phê duyệt Đề án phát triển Du lịch huyện giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, bên cạnh việc tập trung cho phát triển làng nghề, huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động phòng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ, tinh dầu quế… hay tại một số nhà nghỉ, nhà hàng cũng sẽ được đặt tủ kính trưng bày các sản phẩm nhằm quảng bá trực tiếp, sâu rộng. Tích cực trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ vỏ quế tại các lễ hội, hội nghị, triển lãm… đang là cách làm hiệu quả nhằm giới thiệu, quảng bá những sản phẩm độc đáo này trong thời gian tới. Quan trọng hơn nữa, việc tích cực trưng bày sẽ thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tìm đến mua và có được đầu ra ổn định cho sản phẩm”.

Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ 2, năm 2016 dự tính được tổ chức vào đầu tháng 10 tới đây là cơ hội để người dân, du khách thập phương có thể đến gần hơn những sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế. Và từ nay cho đến khi các sản phẩm này có được chỗ đứng nhất định thì ngày ngày, các thầy cô giáo của nhóm sản xuất của TTDN&GDTX huyện vẫn đang miệt mài sáng tạo ra những sản phẩm vô cùng độc đáo, mới lạ. Cùng với đó, là mong muốn, khát khao được truyền tiếp lửa đam mê, truyền nghề cho người nông dân.

Huyện Văn Yên có trên 23.000 ha quế - diện tích được cho là lớn nhất trong toàn quốc và của tỉnh Yên Bái. Hàng năm, nhân dân toàn địa bàn trồng mới từ 1.000 ha đến 1.200 ha quế, xuất ra thị trường khoảng 7.000 tấn vỏ quế khô, sản lượng cành lá quế đạt 55.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu đạt khoảng 280 tấn/năm, sản lượng gỗ quế đạt 40.000 m3/năm, hàng năm thu về gần 400 tỷ đồng… Nguồn nguyên liệu dồi dào chính là thế mạnh sẵn có để phát triển nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế.

Mai Linh

Các tin khác
Việc người dân phải bỏ tiền ra để góp lập Quỹ Bình ổn giá điện sẽ làm tăng gánh nặng đóng thuế phí.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo lập Quỹ Bình ổn giá điện nhằm giảm tác động bất lợi của các yếu tố thị trường tới giá điện. Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia cho thấy: việc lập quỹ này sẽ “bất ổn” nhiều hơn khi người tiêu dùng phải tăng đóng góp.

Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đưa vào khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng Thủ đô.

Với địa hình trải dài, đa dạng, Việt Nam có nhiều vùng địa lý mang thế mạnh, tiềm năng cũng như hạn chế khác nhau, từ đó đặt ra vấn đề liên kết vùng (LKV) để phát triển kinh tế theo hướng hợp lý, bền vững. Tuy nhiên, đến nay hoạt động LKV chưa đạt hiệu quả đáng kể…

Sản xuất, chế biến và kinh doanh chè là một trong những nguồn thu lớn của huyện Văn Chấn

YBĐT -Tính đến ngày 31/3, huyện Văn Chấn thu ngân sách Nhà nước được 40,66 tỷ đồng, đạt 31% dự toán tỉnh giao.

Những cánh đồng ở xã Khao Mang vào vụ mới.

YBĐT- Mù Cang Chải mùa này, gió lào thổi suốt ngày đêm, những dải rừng già nhuộm màu vàng úa vì hanh khô, thế nhưng từ đồi Thung Là cho đến cánh đồng Trống Cáng Là, Páo Sa Lá… thuộc xã Khao Mang, lúa xuân vẫn xanh tốt. Đó chính là màu xanh của kỳ tích, màu của ấm no khi những đồng đất khô hạn, trơ rạ ngày nào đã trổ bông, mang về hàng nghìn tấn thóc cho nông dân nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục