Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam
- Cập nhật: Chủ nhật, 24/4/2016 | 9:02:02 AM
Trong bối cảnh đất nước hội nhập thì việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt là vấn đề cấp bách hiện nay.
Là một đất nước nông nghiệp, với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, thế nhưng sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Điều này làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Gạo, cà phê, hạt điều, chè là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, đứng top đầu thế giới. Tuy nhiên, các mặt hàng này chủ yếu ghi điểm ở số lượng xuất khẩu, còn về thương hiệu thì hầu như vô danh.
Đơn cử như sản phẩm chè, hiện có tới 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của chúng ta được xuất khẩu ở dạng thô, rời, chưa được chế biến và gia công. Sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài mới chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ và bán dưới nhãn chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...
Hoặc là cà phê, dù chúng ta là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà phê robusta, song thực tế, tại thị trường nước ngoài, vẫn chưa có thương hiệu cà phê của Việt Nam theo đúng nghĩa. Lý do là cà phê nước ta chủ yếu chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, sau đó họ chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán cho người tiêu dùng với giá gấp nhiều lần giá mua vào. Đây là một điều bất hợp lý nhưng dễ hiểu vì cà phê Việt Nam chưa có thương hiệu và việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cà phê vẫn còn bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê-ca cao Việt Nam cho biết: “Đối với ngành cà phê, việc quảng bá, giới thiệu các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đang còn rất ít. Mặc dù các doanh nghiệp đang đạt thương hiệu quốc gia nhưng cũng đặt ra yêu cầu phát triển được thương hiệu ra nước ngoài, quảng bá ra thị trường hình ảnh ra thị trường nước ngoài. Nếu có một giá trị chất lượng cao và có sức sáng tạo, có những thương hiệu đứng đầu và đưa sang thị trường, như vậy là đã phát huy được vai trò, tác dụng của thương hiệu quốc gia”.
Hiện tại, việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam mới dừng ở mức khuyến khích. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập. Doanh nghiệp thì hầu như chỉ mạnh ai nấy làm còn nói đến xây dựng thương hiệu ngành, khu vực thì đều khó có sự đồng thuận, hợp tác. Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát… Khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Bởi vậy, hai năm qua, giá trị thương hiệu của Việt Nam giảm tới 19%, so với năm 2014 được định giá là 172 tỷ đô la Mỹ, thì năm 2015 chỉ còn 140 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam chỉ xếp hạng trên Campuchia về thương hiệu.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, Đại học Thương Mại cho rằng: Với nhóm hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu thì hầu hết đều xuất khẩu thông qua một số nhà nhập khẩu của nước ngoài hoặc một số đầu mối. “Trên thị trường nước ngoài, người ta chỉ biết đến đó là sản phẩm của Việt Nam, người ta không biết đến sản phẩm đó do doanh nghiệp nào cung ứng ra thị trường. Đây chính là một bất lợi. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của Việt Nam rất cần phải có một đầu mối chung, đó chính là khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với các chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những định hướng mà rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã làm,” ông Thịnh nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại như hiện nay, cần phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu các mặt hàng nông sản. Trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đảm bảo các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính như khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: “Trong thời gian tới, trong khuôn khổ của chương trình thương hiệu quốc gia, chúng tôi có dành sự hỗ trợ rất cụ thể cho các doanh nghiệp riêng trong lĩnh vực nông thủy sản để hỗ trợ cho quá trình tiếp cận thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn với việc xây dựng và quảng bá thương hiệu của chính các sản phẩm đó. Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản. Riêng với nông sản, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý có giá trị hết sức to lớn. Đây là một đặc thù giúp cho các sản phẩm của chúng ta khẳng định được thương hiệu của mình, được ghi nhận, được nhận biết và khẳng định được mình tại thị trường trong nước và thế giới.”
Cùng với đó, phải thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản Việt Nam nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị, thành phố tính đến 17h ngày 23/4 thiệt hại do mưa kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại 2.469 ngôi nhà >>Yên Bái thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng do mưa và dông lốc
YBĐT - Đêm 22 và chiều tối 23/4, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã diễn ra mưa đá kèm theo gió lốc trên diện rộng, làm hư hại nhiều nhà cửa, hoa màu, đường sá, hệ thống lưới điện.
Sáng 22/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lễ ra mắt Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.
YBĐT - Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tính đến 14h ngày 22/4/2016 thiệt hại do mưa kèm theo dông lốc gây ra ước tính khoảng 3 tỷ đồng cho tỉnh Yên Bái.