Ngành công thương cần nhanh chóng thể chế hóa các cam kết hội nhập
- Cập nhật: Thứ hai, 16/5/2016 | 8:12:12 AM
Chiều 15/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành công thương Việt Nam.
|
Trong diễn văn kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành công thương 65 năm qua.
Từ thời gian hòa bình lập lại (1954) đến khi thống nhất đất nước (1975), ngành công thương đã trở thành kinh tế mũi nhọn, làm động lực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế vượt bậc ở miền Bắc, làm tốt nhiệm vụ chi viện cho cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngành công thương đã xây dựng và hình thành được một số ngành công nghiệp có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có kim ngạch xuất khẩu khá và đang tiếp tục lớn mạnh, trong đó các nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế như năng lượng, khai thác khoáng sản, dầu khí, luyện kim, hóa chất, cơ khí… và những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như dệt may, giày dép, thực phẩm, nước giải khát… đã hình thành một số ngành công nghiệp cơ bản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường và đầu tư ra nước ngoài.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu từ mức tổng giá trị đạt hơn 3 tỷ USD lúc mới đổi mới (năm 1986), ngày nay đã tăng hơn 100 lần, đạt 327 tỷ USD (năm 2015), trong đó xuất khẩu đã vượt 80% GDP.
Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, chủ yếu là dịch vụ phân phối hàng hóa tăng lên nhanh chóng, tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế, trong đó có 2,5 triệu cá nhân, hộ gia đình.
Ngoài ra còn có hơn 5.000 văn phòng đại diện và 50 chi nhánh của thương nhân nước ngoài, Tập đoàn nước ngoài tham gia kinh doanh siêu thị (Metro, Bourbon, Parkson...) tham gia dịch vụ phân phối (bán buôn, bán lẻ) và các hoạt động phụ trợ khác như nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại...
Trước yêu cầu của bối cảnh mới, ngành công thương cũng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước các định hướng, chính sách và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế hợp lý, tích cực chủ trì, tham gia các tổ chức quốc tế và ký kết các Hiệp định hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và thương mại.
Đặc biệt, cùng với thực hiện các cải cách bên trong ngành, đoàn đàm phán Việt Nam đã tiến hành thương lượng thành công hơn 10 Hiệp định tự do thương mại FTA, nhất là FTA trong phạm vi cộng đồng ASEAN, Hiệp định FTA với EU với chất lượng cao (“thế hệ mới”) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong phạm vi 12 nước của châu Á-Thái Bình Dương.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tăng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành công thương, nhằm ghi nhận đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành tích của ngành công thương đạt được trong 65 năm qua đã đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dự báo, tình hình kinh tế thế giới và khu vực trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, biến động khó lường, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng quyết liệt.
Trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là tình hình sản xuất trong lĩnh vực công thương của nhiều ngành và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Nhiều dự án đầu tư hiệu quả thấp thậm chí thua lỗ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, giá trị gia tăng, chất lượng lao động còn thấp, thị trường nội địa phá triển chưa đồng đều, chưa thật vững chắc và đang đối mặt với nguy cơ các công ty nước ngoài thâu tóm, điều khiển các kênh phân phối hàng hóa trong nước, quản lý thị trường quản lý chưa cao, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gia tăng không theo kịp với thực tiễn các loại hinh kinh doanh mới như thương mại điện tử, bán hàng đa cấp.
Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn thể đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành công thương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó nhiệm vụ hàng đầu là triển khai quyết liệt Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 2016.
Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng mong muốn ngành công thương cần tập trung chỉ đạo vượt mức chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016; tiếp tục chủ trì thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đạt kết quả tốt hơn nữa.
Thủ tướng chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm phát triển theo chiều sâu; nâng cao năng lực, năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng minh bạch cho doanh nghiệp và người dân, nhanh chóng thể chế hóa pháp luật, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để pháp luật chính sách sớm đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp tận dụng triệt để hiệu quả những lợi ích mang lại từ chính sách mới.
Thủ tướng chỉ đạo ngành công thương đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân, tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng lãng phí…
Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 định hướng đến năm 2030, đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, xây dựng chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2025 tầm nhìn 2035.
Ngành công thương cần chú trọng nâng cao công tác quản lý thị trường trong nước, nhất là các kênh phân phối lớn, tích cực ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trước những rào cản thương mại và phi thương mại của nước nhập khẩu, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Bắt đầu từ thứ hai (16/5), chủ phương tiện khi đến đăng kiểm xe tại 37 trung tâm đăng kiểm khu vực miền Bắc sẽ được dán thẻ định danh xe miễn phí.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trong đó có bổ sung nhiều trường hợp được miễn, giảm thuế vừa được Bộ Tài chính công bố.
Trong thông cáo phát đi chiều 13-5, Ngân hàng nhà nước cho biết vừa chỉ định 4 ngân hàng thương mại cho vay thu mua, tạm trữ hải sản tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
YBĐT - Quá trình thực hiện, vận dụng triệt để nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, làm cho nhân dân thấy được nghĩa vụ, lợi ích của phong trào, tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền địa phương.