Lục Yên phát triển vùng tre măng Bát độ tập trung

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/5/2016 | 10:30:41 AM

YBĐT - Huyện phấn đấu đạt diện tích 1.000 ha tre măng Bát độ vào năm 2020. Tuy nhiên, qua bước đầu triển khai nhân dân tại nhiều xã đang vấp phải không ít khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc tháo gỡ của các cấp, ngành.

- Với lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như những hiệu quả về kinh tế so với nhiều cây lâm nghiệp khác, huyện Lục Yên đang tập trung xây dựng, phát triển vùng cây tre măng Bát độ tại các xã dọc quốc lộ 70.

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại xã Động Quan, huyện Lục Yên, trên mọi nẻo đường đâu đâu cũng rộn ràng khí thế lao động chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Dừng chân, hỏi chuyện ông Hoàng Văn Chỉnh đang tất bật chăm sóc đồi măng mới trồng, ông cho biết: “Được chính quyền xã tuyên truyền, vận động năm nay gia đình tôi dành toàn bộ 3 ha đất đồi để trồng tre Bát độ. Toàn bộ 1.500 cây giống được tỉnh hỗ trợ, gia đình chỉ bỏ công đào hố, trồng và chăm sóc”.

Theo ông Lương Thanh Tập - Chủ tịch UBND xã Động Quan, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, ngay từ đầu năm xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời, tiến hành rà soát quỹ đất và tìm nguồn cây giống để cung ứng cho nhân dân. Đến nay, xã đã tiến hành trồng được 36,6 ha cây tre măng Bát độ, diện tích này chủ yếu tập trung tại các thôn 1, 5, 8, 11, 12. Được biết, để tạo thuận lợi cho nhân dân khi triển khai cây trồng mới này, Động Quan đã tổ chức cho đại diện các hộ dân và trưởng thôn đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế trồng tre Bát độ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên và triển khai hỗ trợ các hộ dân với mức 3 triệu đồng/ha theo đề án phát triển cây tre măng Bát độ của tỉnh.

Theo ông Hoàng Văn Số - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay, qua rà soát trên địa bàn huyện có khoảng 175 ha cây tre măng Bát độ. Mặc dù chưa có các mô hình trồng tập trung, quy mô lớn nhưng những năm qua cây tre măng Bát độ đã được người dân tại nhiều xã như: Động Quan, Tân Lập, Tân Lĩnh, Mường Lai, An Phú… đưa về trồng, cho hiệu quả, thu nhập cao.

Ông Số đưa ra phép tính: “Với mật độ 500 cây/ha, sau 3 năm, mỗi gốc sẽ cho thu 70 kg măng, với giá thị trường như hiện nay thì mỗi héc-ta tre măng Bát độ sẽ cho người dân thu từ 140 - 150 triệu đồng/năm. Rõ ràng, so với các cây lâm nghiệp hiện nay thì cây tre măng Bát độ cho thu nhập thường xuyên và cao hơn nhiều”.

Thực tế cho thấy, cây tre măng Bát độ rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Lục Yên, đặc biệt là tại các khu vực có đất nạc, đồi thoải, ít đá thuộc các xã dọc Quốc lộ 70. Trên cơ sở đó, huyện xác định phát triển vùng tre măng Bát độ tập trung tại địa bàn các xã này, trong đó, trọng điểm là xã Động Quan, từ đó phát triển ra các xã khác.

Theo đó, ngay từ đầu năm, huyện đã giao cho xã Động Quan triển khai vận động nhân dân trồng 50 ha tre măng Bát độ theo đề án của tỉnh. Bên cạnh đó, huyện cử cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống hỗ trợ người dân các biện pháp kỹ thuật; đồng thời, Huyện đoàn cũng tổ chức ra quân đào hố và hướng dẫn các hộ dân trồng tre giống. Ngoài ra, huyện cũng tiến hành rà soát quỹ đất, chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre măng Bát độ và giao chỉ tiêu cho các xã để thực hiện trồng theo các năm.

Chủ trương xây dựng vùng tre măng Bát độ của huyện Lục Yên là hoàn toàn hợp lý, bởi đây là loại cây dễ trồng, cho giá trị kinh tế cao, sẵn đầu ra. Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu, huyện đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chủ trương này. Trước tiên đó là quỹ đất còn thiếu và manh mún, người dân chưa có sẵn đất trong tay. Thứ hai là nguồn cây giống tại chỗ chưa có, phải đi mua ở địa phương khác.

Quan trọng hơn, hiện nay huyện chưa có nhiều mô hình điểm, hiệu quả để người dân học tập, vì thế, nhiều người còn chưa mặn mà với tre măng Bát độ. Một trong những khó khăn nữa là người dân vẫn còn thiếu kỹ thuật, hiểu biết về cây trồng này; công tác chuyển giao kỹ thuật còn hạn chế, do vậy, nhiều diện tích mới trồng cây đã bị chết do ảnh hưởng của nắng nóng…

Khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về cây tre măng Bát độ; tập trung chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích đã trồng; tiến hành rà soát, chuẩn bị quỹ đất để trồng trong các năm tiếp theo. Đặc biệt, huyện tập trung xây dựng các mô hình điểm về trồng tre măng Bát độ sau đó nhân rộng trên địa bàn các xã; cử cán bộ nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân về kỹ thuật; phân công các tổ chức đoàn thể phụ trách từng địa phương trong trồng, chăm sóc cây tre măng Bát độ; tận dụng các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ người dân…

Hùng Cường

Các tin khác
Sản xuất hoa ly tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Muốn đạt hiệu quả, giá trị kinh tế cao đòi hỏi sản xuất phải đi đôi với chế biến, nhất là trong sản xuất nông - lâm sản. Thực tế đó đã được chứng minh trong sản xuất chè, gỗ rừng trồng và một số mặt hàng nông sản như quế, lúa gạo... không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giải quyết khá nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Bên ngoài một chi nhánh của Fitch Ratings.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa công bố giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-/B, triển vọng “ổn định”...

YBĐT - Vừa qua, tại UBND xã Minh Quân, UBND huyện Trấn Yên phối hợp với Công ty cổ phần Sân golf Ngôi Sao Yên Bái đã tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết xây dựng tổ hợp sân golf Ngôi Sao Yên Bái tại khu du lịch sinh thái hồ Đầm Hậu, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 được phép tăng tối đa lên mức 15.829 đồng một lít từ 15h chiều nay (20/5).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục