Mù Cang Chải nâng cao giá trị cây sơn tra
- Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2016 | 2:09:44 PM
YBĐT - Ông Lương Văn Thư - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Cây sơn tra rất dễ trồng, có thể trồng bằng bầu hoặc rễ trần, sinh trưởng và phát triển nhanh. Nếu được chăm sóc, bảo vệ tốt thì đến 5 tuổi cây ra hoa cho bói quả và từ 7 tuổi trở lên cho quả sai”.
Mù Cang Chải những ngày này, từ những đỉnh đồi cao vút cho đến những thửa ruộng bậc thang đều xanh ngắt một màu. Đó là màu xanh của những tán rừng phòng hộ, của lúa, của ngô và cả những cây sơn tra đang cho quả.
Theo chân đồng chí Thào A Sinh - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt, chúng tôi đến vùng trồng cây sơn tra tập trung của xã tại bản Hua Khắt. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã chỉ vào những cành sơn tra chi chít quả nhỏ, xanh tròn như viên bi ve cho biết: “Toàn xã có 200 ha sơn tra, riêng bản Hua Khắt có 130 ha. Điều đặc biệt là diện tích này được quy hoạch trồng tập trung nên người dân rất thuận lợi trong việc chăm sóc, bảo vệ và khai thác”.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 2.000 ha sơn tra, phân bố 13/14 xã, thị trấn; trong đó, tập trung nhiều ở các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông… với sản lượng đạt 1.700 - 2.000 tấn/năm.
Ông Lương Văn Thư - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Cây sơn tra rất dễ trồng, có thể trồng bằng bầu hoặc rễ trần, sinh trưởng và phát triển nhanh. Nếu được chăm sóc, bảo vệ tốt thì đến 5 tuổi cây ra hoa cho bói quả và từ 7 tuổi trở lên cho quả sai”.
Được biết, những năm gần đây, quả sơn tra mang lại giá trị kinh tế cao, giá bán tăng gấp 4 - 5 lần so với trước, giá bán đầu vụ và cuối vụ dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, giữa vụ 18.000 - 20.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ rộng khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung…
Ngoài lợi ích về mặt kinh tế và sức khỏe cho con người, cây sơn tra còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở các vùng đất đồi, bảo tồn và phát triển đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa; đồng thời, giúp bà con định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân miền núi.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực về hiệu quả kinh tế - xã hội, trên thực tế, nhiều năm qua, việc quản lý và phát triển sản phẩm sơn tra tại huyện Mù Cang Chải nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung còn nhiều bất cập, hạn chế.
Đó là hiện tượng thu hái quả non, trộm cắp quả sơn tra ở nhiều xã chưa được ngăn chặn, làm thiệt hại không nhỏ đến thu nhập của người dân; chất lượng nguồn giống chưa được quan tâm, việc quản lý nguồn gốc giống có lúc buông lỏng; kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa có sự đầu tư thâm canh nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Đặc biệt, do sản phẩm quả sơn tra chưa xây dựng, quảng bá thương hiệu và chưa chế biến sâu nên giá cả chưa ổn định, thị trường tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ, giá trị thương mại của sản phẩm chưa được khai thác hiệu quả.
Trước những tồn tại, hạn chế trên, để phát triển bền vững gắn với nâng cao giá trị cây sơn tra, huyện đang triển khai những bước đi cụ thể. Trước tiên, huyện đã xây dựng Đề án “Quản lý cây sơn tra gắn với phát triển kinh tế đồi rừng”.
Theo đó, huyện chủ trương tập trung phát triển thêm 1.100 ha sơn tra trong diện tích đất trống của rừng phòng hộ, rừng sản xuất, tập trung ở 3 khu vực (Lùng Cúng, Phình Ngài, Tu San ở xã Nậm Có 300 ha; 550 ha ở các xã La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Púng Luông; 250 ha ở Háng Gàng, Trống Khua thuộc xã Lao Chải). Ngoài ra, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, thiết kế trồng bổ sung 200 ha cây sơn tra trong rừng khoanh nuôi tái sinh.
Cùng với đó, để những diện tích sơn tra hiện có phát triển bền vững, huyện đang chỉ đạo các phòng chức năng, các xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại việc thu hoạch, bán quả sơn tra non; tăng cường quản lý diện tích, sản phẩm quả sơn tra đã được giao khoán; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi thu hái trộm quả sơn tra, các hành vi tiếp tay cho việc tiêu thụ sản phẩm thu hái trộm.
Ông Lương Văn Thư cho biết thêm: “Để mở rộng diện tích sơn tra, huyện sẽ triển khai lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện khuyến khích nhân dân và các thành phần kinh tế, xã hội đầu tư vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa từ khâu phát triển vùng nguyên liệu, thu hoạch, sơ chế đến chế biến, tiêu thụ”.
Một giải pháp nữa được huyện gấp rút triển khai thực hiện thời gian qua là xây dựng chứng nhận quả sơn tra mang nhãn hiệu “Sơn tra Mù Cang Chải”. Kết quả của dự án sẽ là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị kinh tế - xã hội của sản phẩm quả sơn tra.
Theo ông Sùng A Chua - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, để nâng cao giá trị cây sơn tra, huyện có kế hoạch thu hút các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy rượu vang sơn tra. Đến nay, huyện đã triển khai việc quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng nhãn hiệu cho quả sơn tra; đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích sơn tra.
Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua và chế biến thành phẩm trước khi xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, huyện tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Hà Hùng
Các tin khác
YBĐT - Sáng 29/5, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại HDT Việt Nam đã khai trương chi nhánh tại Yên Bái.
Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) đối với khách hàng vay là người cư trú.
“Không để lạm phát năm 2016 tăng cao, không để diễn biến lạm phát trong những tháng đầu năm làm tăng lạm phát kỳ vọng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra thông điệp về kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có chỉ thị về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.