Đưa cây ngô trở thành cây chủ lực

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/6/2016 | 9:37:23 AM

YBĐT - Trong sản xuất lương thực, ngô là cây trồng quan trọng, diện tích và sản lượng ngô chỉ đứng sau cây lúa. Ngô hạt là loại lương thực không thể thiếu đối với đồng bào các dân tộc vùng cao. Ngoài ra, ngô còn để chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và chất đốt. Mặc dù Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ và chỉ đạo phát triển sản xuất song cây ngô vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của nó.

Quy hoạch và phát triển vùng ngô hàng hóa góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Quy hoạch và phát triển vùng ngô hàng hóa góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.

Diện tích lớn, năng suất thấp

Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh bởi những dãy núi cao và sông ngòi nhưng Yên Bái lại có diện tích trồng ngô bình quân hàng năm trên 28.000 ha, chiếm hơn 40% diện tích gieo trồng cây lương thực toàn tỉnh. Với lợi thế đó, những năm qua, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo phát triển cây ngô. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng ngô rất thấp, bình quân mới đạt trên dưới 30 tạ/ha.

Với năng suất này chỉ bằng 70% năng suất ngô của cả nước và bằng 73% năng suất ngô của các tỉnh miền núi phía Bắc và chưa đạt 50% tiềm năng năng suất của giống ngô lai. Năm 2015 được đánh giá là thắng lợi nhất từ trước đến nay mà năng suất ngô cũng chỉ đạt 32 tạ/ha, sản lượng đạt trên 93.000 tấn, chiếm 30% tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh.

Với quyết tâm đưa cây ngô trở thành cây chủ lực trong sản xuất lương thực, tỉnh quy hoạch và phát triển trên 5.000 ha ngô đông trên đất 2 vụ lúa thành vùng ngô hàng hóa. Song song với quy hoạch vùng ngô hàng hóa, những năm qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ vùng ngô đông đến ngô đồi vùng cao.

Tại các huyện, thị cũng thành lập ban chỉ đạo phát triển ngô nhưng kết quả mang lại chưa đạt được như mong muốn. Nguyên nhân chính là do địa hình canh tác chủ yếu là đất dốc, cùng với đó là không có thị trường tiêu thụ; sản xuất thiếu tập trung và chưa có sự đầu tư đồng bộ từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ; việc đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn hạn chế...

Giải pháp cho cây ngô phát triển

Để cây ngô thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất lương thực, nhất là sản xuất theo hướng hàng hóa, trước tiên, ngành nông nghiệp và các huyện, thị có lợi thế về phát triển cây ngô phải xây dựng, đầu tư, quy hoạch cụ thể. Trong quy hoạch, đầu tư không nên làm tràn lan mà chỉ tập trung ở các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Bởi đây là các huyện có diện tích trồng ngô hàng năm lớn và người dân đã có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật cơ bản trong trồng ngô.

Bên cạnh đó, chúng ta phải áp dụng đồng bộ các giải pháp về thâm canh: đưa các giống ngô lai năng suất cao vào sản xuất phù hợp với sinh thái và vụ sản xuất. Những diện tích ngô đông nhất thiết sử dụng giống ngắn ngày; ngô trên đất đồi, đất dốc sử dụng giống chịu hạn tốt, thân khỏe… áp dụng linh hoạt về thời vụ, mật độ gieo trồng hợp lý, đầu tư thâm canh tốt...

Giống ngắn ngày bà con nên bố trí trồng mật độ cao từ 6,6 - 7 vạn cây/ha, giống dài ngày trồng mật độ 5 vạn cây/ha. Trong đầu tư thâm canh cần bón từ 8 - 10 tấn cộng với 520 kg NPK và 150 - 180 kg đạm urê cùng 90 - 120 kg kali.

Trong thực tế, thời gian qua, mật độ cây/ha có thể bảo đảm song khoảng cách giữa các cây không bảo đảm đặc biệt là các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc có thói quen gieo dày cây/hốc và khoảng cách giữa các hốc thưa, do đó, tình trạng cây phát triển hạn chế ra bắp nhỏ, năng suất thấp.

Một trong những giải pháp tăng năng suất ngô một cách bền vững là phải ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như làm ngô bầu và làm đất tối thiểu đối với ngô đông trên đất hai vụ lúa; sử dụng thảm che phủ đất bằng tàn dư thực vật và trồng xen cây họ đậu bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và thoái hóa trên đất dốc.

Cuối cùng là làm tốt công tác thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang triển khai đề án hỗ trợ sản xuất ngô đông trên đất hai vụ lúa giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu ổn định trên 6.000 ha ngô vụ đông; trong đó, có 4.000 ha ngô trên đất 2 vụ lúa, phấn đấu năng suất đạt 35 - 40 tạ/ha. Đề án hỗ trợ 20% giá giống ngô lai, mức hỗ trợ không quá 320.000 đồng/ha, tổng vốn thực hiện dự án trên 360 tỷ đồng.

Giải quyết tốt những vấn đề nêu trên, chắc chắn sản xuất ngô sẽ thành công, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và thu nhập của người dân. Đây cũng là một mắt xích quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng trên đất lúa.

 Ngọc Nghiên

Các tin khác
Nông dân huyện Lục Yên thu hoạch lúa xuân, năng suất ước đạt 60 tạ/ha.

YBĐT - Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, Yên Bái luôn dành một nguồn vốn khá lớn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng đồng bào các dân tộc cho tới những vùng sản xuất hàng hóa. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ đó đã làm nên một diện mạo mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn.

Trồng dưa lê giúp hội viên Hội Phụ nữ thị trấn Yên Thế nâng cao thu nhập.

YBĐT - Vài năm trở lại đây, nhiều hội viên Hội Phụ nữ thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa nước, cây màu kém hiệu quả sang trồng dưa lê đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.

YBĐT - Huyện Lục Yên đang xây dựng các dự thảo về quy chế cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên”; dự thảo quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu.

YBĐT - Đến 31/5/2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đạt 29,3 tỷ đồng, bằng 43% dự toán tỉnh giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục