Thành lập tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh ở thành phố Yên Bái:

Cần tạo sự đột phá

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/8/2016 | 10:09:18 AM

YBĐT - Là địa bàn tập trung đông các doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) nhưng đến nay, ở thành phố Yên Bái mới chỉ có 22 DNNNN thành lập tổ chức công đoàn.

Chỉ có 22 trong tổng số trên 600 cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở thành phố Yên Bái có tổ chức công đoàn. (Ảnh minh hoạ)
Chỉ có 22 trong tổng số trên 600 cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở thành phố Yên Bái có tổ chức công đoàn. (Ảnh minh hoạ)

 Là địa bàn tập trung đông các doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN), nên việc thành lập, duy trì hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các doanh nghiệp này trên địa bàn thành phố Yên Bái đang trở nên bức thiết, nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Nhưng đến nay, ở thành phố mới chỉ có 22 DNNNN đã thành lập tổ chức công đoàn. Việc thành lập mới cũng như duy trì hoạt động của tổ chức công đoàn ở các DNNNN hiện  nay đang nảy sinh nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Công ty Cổ phần Việt Kim đóng tại Khu Công nghiệp phía Nam được thành lập từ năm 2014 với ngành nghề đăng ký sản xuất kim loại màu và kim loại quý. Công ty đã thu hút, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức lương trung bình trên 4 triệu đồng/người/tháng. Mới nghe thì đây là mức lương chấp nhận được. Song thực tế, dù mức lương có cao hơn so với mức lương trung bình ở nhiều doanh nghiệp khác, nhưng 100% công nhân lao động (CNLĐ) trực tiếp tại Công ty không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Nhiều người đang phải đóng BHXH tự nguyện ngoài Công ty…

Một trong những nguyên nhân NLĐ ở đây chưa được đóng BHXH là Công ty chưa có tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho NLĐ theo quy định của luật pháp, mặc dù Công ty này đã hội tụ đầy đủ điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn. LĐLĐ thành phố đã trực tiếp đến Công ty nhiều lần để tuyên truyền, vận động, nhưng tổ chức công đoàn của Công ty vẫn chưa được thành lập. Còn NLĐ tiếp tục mong muốn có một tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi cho mình.

Anh Nguyễn Đình Yên - một lao động của Công ty chia sẻ: “Là CNLĐ, trong hoàn cảnh hiện nay, tôi rất muốn tham gia đóng BHXH, vì nó sẽ đảm bảo quyền lợi cho mình. Đồng thời, tôi cũng như nhiều lao động của Công ty mong muốn có tổ chức công đoàn để bênh vực và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ như trường hợp nếu có bị chậm lương hoặc có nguyện vọng gì đó thì có tổ chức đại diện để mình nêu ý kiến”.

Theo LĐLĐ thành phố Yên Bái thì Công ty cổ phần Việt Kim chỉ là một trong số gần 100 DNNNN trên địa bàn thành phố đủ điều kiện, nhưng chưa thành lập tổ chức công đoàn. Hàng loạt các giải pháp tuyên truyền, vận động đã được LĐLĐ thành phố thực hiện như: tiến hành khảo sát hoạt động của doanh nghiệp; thành lập các đoàn công tác đến làm việc với người sử dụng lao động; tiếp xúc trực tiếp với NLĐ để tuyên truyền; đặc biệt là tổ chức các hoạt động hướng về doanh nghiệp, hướng về NLĐ…

Song, số lượng tổ chức công đoàn trong các DNNNN ở thành phố vẫn ở con số khiêm tốn là 22 đơn vị. Theo ông Phan Tiến Thạch - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Yên Bái thì việc phát triển đoàn viên công đoàn trong các DNNNN đang gặp khó. Trong đó, có lý do doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ và theo quy mô gia đình; hợp đồng lao động của nhiều công ty chủ yếu theo mùa vụ, không ổn định; hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả; nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động hoặc phá sản; NLĐ phải nghỉ tự túc, đóng bảo hiểm. Một số chủ sử dụng lao động khi được cán bộ LĐLĐ đến vận động thì không mấy quan tâm đến việc tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn được thành lập...

Không chỉ có việc tuyên truyền, vận động thành lập mới CĐCS trong DNNNN gặp khó khăn, mà việc duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn ở loại hình này hiện nay cũng đang gặp phải những trở ngại không nhỏ. Một phần, do tác động của chính sách tăng thuế xuất và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường đang bước sâu vào quá trình hội nhập quốc tế. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Mặt khác, cán bộ công đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm nên kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động chưa cao, chế độ đãi ngộ thấp. Do vậy, hầu hết đều không muốn làm cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp, dẫn đến tổ chức công đoàn trong các DNNNN hoạt động trầm lắng, có nơi mang tính hình thức.

Cũng nằm trong Khu Công nghiệp phía Nam của tỉnh, Công ty TNHH Một thành viên Chế biến đá trắng CaCo3 Yên Bái chuyên sản xuất các sản phẩm từ đá trắng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với dây chuyền công nghệ của Đức khá hiện đại, những năm trước Công ty luôn đứng trong tốp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước và đảm bảo việc làm cho hàng trăm lao động. Tổ chức công đoàn của Công ty đã được thành lập ngay từ khi Công ty mới đi vào sản xuất và hoạt động tương đối hiệu quả. Nhưng giờ đây, Công ty sản xuất cầm chừng, theo đó, tổ chức công đoàn cũng ngừng hoạt động.

Anh Nguyễn Đình Toản, đoàn viên công đoàn Công ty cho hay: Trước đây mức lương của anh từ 6 - 7 triệu/tháng, nhưng hiện nay chỉ gần 3 triệu/tháng, thậm chí có tháng lương còn chậm lương. Tổ chức công đoàn cũng ngừng hoạt động và nếu có hoạt động như trước kia thì cũng không mấy hiệu quả vì cán bộ công đoàn luôn thay đổi…”.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình hoạt động của tổ chức công đoàn Công ty, ông Phạm Văn Thỉnh, đại diện Ban Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Chế biến đá trắng Caco3 Yên Bái cũng chỉ mong Công ty ổn định sản xuất trở lại, để có thể tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động như trước đây.

Mong muốn thì có nhiều, nhưng chỉ biết rằng, khi không có tổ chức đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình, thì NLĐ làm việc ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, hoặc đã có nhưng hoạt động kém hiệu quả đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Thiệt thòi lớn nhất vẫn là việc không được tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Hoặc có đóng nhưng không duy trì được thời gian đóng bảo hiểm, không được chi trả kịp thời chế độ do doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm.

Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm Xã hội thành phố Yên Bái phối hợp tư vấn các chính sách liên quan đến người lao động tại Khu Công nghiệp phía Nam.   

Theo BHXH thành phố Yên Bái, đến hết tháng 6/2016 có tới 59 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố nợ đọng bảo hiểm với số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Ngay trong tháng 5 vừa qua, BHXH thành phố đã phải khởi kiện ra tòa 6 doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài. Điều đáng nói là, cả 5 doanh nghiệp này đều chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Ông Trần Đình Lợi - Phó Giám đốc BHXH thành phố Yên Bái khẳng định: Đối với các đơn vị đã thành lập được tổ chức công đoàn thì cơ bản các chế độ, chính sách hàng tháng, các đơn vị đã trích tiền lương, tiền công để nộp BHXH, bảo hiểm y tế kịp thời cho NLĐ. Từ đó, các chế độ cho NLĐ đều được giải quyết đúng theo quy định. Còn đối với các đơn vị chưa thành lập tổ chức công đoàn, qua theo dõi cho thấy, nhiều đơn vị có số nợ các khoản bảo hiểm tương đối cao so với các đơn vị đã thành lập tổ chức công đoàn.

Không thể phủ nhận, LĐLĐ thành phố Yên Bái đã và đang triển khai tích cực hàng loạt các giải pháp tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong các DNNNN. Tuy nhiên, với số lượng trên 600 cơ sở kinh doanh, DNNNN đang hoạt động thì 22 tổ chức công đoàn trong DNNNN trên địa bàn thành phố vẫn là con số rất khiêm tốn. Đây thực sự là bài toán khó cần có sự đổi mới mang tính đột phá cả về nội dung và hình thức trong tổ chức tuyên truyền, vận động cũng như công tác phối hợp, để các DNNNN thành lập tổ chức công đoàn. Có như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ mới được bảo vệ.

Minh Chín - Tiến Bình 

Các tin khác
Cán bộ thuế huyện Lục Yên trao đổi về cấp mã số thuế với hộ kinh doanh.

YBĐT - 6 tháng đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện 178 lượt giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian cho các doanh nghiệp khi làm các thủ tục cấp mới, thay đổi, dừng hoạt động.

Ảnh minh họa.

Công tác quản lý nhà nước đối với ngành công thương cần thay đổi cơ bản để xây dựng nền kinh tế thị trường thực chất và hiệu quả.

Công trình cải tạo, nâng cấp đường vào thôn 6, xã Quang Minh (Văn Yên) được hoàn thành đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương.

YBĐT -Trong giai đoạn 2010 - 2015, Ban quản lý Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Yên đã đầu tư được 30 công trình.

Cửa hàng Xăng dầu Yên Thế, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên là cửa hàng thứ 2 triển khai bán xăng E5 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Giá rẻ hơn xăng RON 92 mỗi lít là 530 đồng, giảm lượng khí độc thải ra môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng... nhưng xăng E5 vẫn chưa đến được với người tiêu dùng. Tới thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái mới có 2 cửa hàng bán xăng sinh học E5 trong tổng số 101 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Doanh nghiệp khó - đúng là nhiều sự khó! Dân thờ ơ - thật sự rất thờ ơ!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục