Văn Chấn cần nâng cao chất lượng chế biến chè
- Cập nhật: Thứ năm, 4/8/2016 | 2:43:05 PM
YBĐT - Tháng 7, tháng 8 là thời điểm chè bước vào chính vụ, trên những nương chè dọc các xã, thị trấn có diện tích chè lớn nhất nhì của huyện Văn Chấn như xã Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn. Người dân đang khẩn trương thu hái chè bán cho các cơ sở thu mua chế biến.
Cán bộ thị trấn Nông trường Liên Sơn trao đổi kỹ thuật làm chè với người dân.
|
Thị trấn Nông trường Liên Sơn là một trong những địa phương có diện tích chè nhiều nhất nhì của huyện Văn Chấn. Theo báo cáo, tổng diện tích chè của toàn thị trấn hiện có 500 ha với 780 hộ làm chè, chiếm khoảng 60% số hộ trong toàn thị trấn. Diện tích chè phần lớn là của Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, trong đó gần 400 ha đã được cải tạo trồng mới bằng giống chè lai năng suất, chất lượng cao với sản lượng bình quân đạt 10 tấn/ha mỗi lứa, một số diện tích đạt khá từ 13 - 15 tấn/ha. Mấy năm nay, tình hình giá cả nhìn chung ổn định, dao động đầu vụ từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, còn chính vụ từ 2.600 đồng - 3.000 đồng/kg.
Với mức giá này, cơ bản đáp ứng được cuộc sống của người làm chè. Dẫn chúng tôi đến thăm nương chè rộng gần 5 ha của gia đình anh Vũ Đức Cường, tổ dân phố 9, đồng chí Phùng Mạnh Tiến - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết đây là một trong những hộ có diện tích chè nhiều nhất nhì của thị trấn, cũng là hộ đầu tư công phu và bài bản nhất cho cây chè. Là con cái của các thế hệ công nhân chè nên chuyện làm chè đã gắn bó với anh Cường từ khi biết khoác sọt lên đồi hái chè, đến khi lập gia đình ra ở riêng.
Ngoài diện tích bố mẹ cho, vợ chồng anh còn mua thêm diện tích chè của các hộ dân khác để làm, đồng thời tập trung cải tạo dần những diện tích chè già cỗi bằng giống chè cành, chè lai năng suất, chất lượng cao. Cứ được đồng tiền nào, vợ chồng anh Cường lại đầu tư hết vào cây chè. Nhờ vậy mà đến nay toàn bộ diện tích chè của gia đình anh đã được cải tạo, trồng mới bằng giống chè lai LDP2. Tất cả diện tích chè đã bước vào năm thứ 3, thứ 4 đang tạo tán và cho thu hoạch. Mấy năm nay, giá chè ổn định, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Cường cũng thu về cả trăm triệu đồng.
Có tiền, gia đình anh đầu tư mua máy hái chè, máy đốn chè. Phân bón hữu cơ gia đình cũng chủ động được nên chi phí cho cây chè cũng không hết nhiều. Đầu vụ, do thời tiết nắng nóng nên sản lượng có phần giảm, song do chủ động chăm bón, đầu tư đúng kỹ thuật nên chính vụ năng suất chè của gia đình anh đã tăng lên đáng kể, bình quân mỗi héc-ta chè đạt sản lượng 10 tấn búp tươi.
Chỉ vào nương chè đang đâm búp tua tủa, anh Cường cho biết: “Chè vốn là cây trồng cần chăm bón nhiều, sau mỗi lứa thu hái, nếu không đầu tư chắc chắn năng suất sẽ giảm. Ngày trước hái tay còn đỡ chứ bây giờ hái máy, nếu mình cứ thu hái mà không chịu đầu tư chăm bón, chả mấy mà cây chè trở nên “kiệt quệ”. Cùng nương chè như nhau nhưng các anh nhìn xem, nhà nào đầu tư chăm bón tốt, trông búp chè thì biết”.
Với gia đình ông Đào Duy Tuyến, tổ dân phố 3 cũng vậy. Nhà có 5 ha chè, ông vốn là công nhân của Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, cũng là người nổi tiếng về làm chè lâu năm và có kinh nghiệm làm chè. Nhờ cây chè mà 3 người con của ông đã trưởng thành và đi công tác, nhà cửa cũng khang trang. Thực hiện chủ trương của huyện Văn Chấn về phát triển chè, hàng năm, gia đình ông đều tập trung cải tạo những diện tích chè già cỗi bằng giống chè cành, chè lai. Đến nay, diện tích chè gia đình ông đã cải tạo trồng mới là 50%.
Ông Tuyến cho biết: “Nếu có sức, chịu khó đầu tư chăm bón thì chè vẫn là cây chủ lực. Với đồng đất này, ngoài cây chè cũng không có loại cây trồng nào thích hợp hơn. Mấy chục năm qua bao nhiêu hộ dân ở đây đều sống bằng cây chè. Những năm thuận lợi, nhiều nhà khá giả và giàu có lên nhờ cây chè là chuyện bình thường”.
Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cũng là một trong số các địa phương có diện tích chè lớn nhất nhì của huyện Văn Chấn. Theo báo cáo, diện tích chè của thị trấn là 533 ha, trong đó 454 ha là chè kinh doanh. Đồng chí Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho biết: “Thực hiện chủ trương của huyện về phát triển cây chè, đến nay, thị trấn đã cải tạo và trồng mới được 85% diện tích chè. Cùng với đó, thị trấn đã vận động nhân dân tập trung thâm canh, hình thành các nhóm hộ làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư hệ thống đường bê tông lên tận các nương chè để thuận tiện cho người làm chè đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Mấy năm nay, giá chè ổn định, mặc dù số hộ dân có diện tích chè không nhiều, hộ nhiều nhất cũng chỉ gần 3 ha song những hộ làm chè tiêu biểu và khá phải kể đến gia đình các ông, bà: Đặng Văn Xuân - tổ dân phố 4B, Lường Văn Thắng - tổ dân phố 4C, Lê Thị Hậu - tổ dân phố 2B...”.
Huyện Văn Chấn có tổng diện tích 4.950 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh trên 4.000 ha, được trồng ở 26 xã, thị trấn nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là 8 xã vùng ngoài và 3 thị trấn của huyện. Hàng năm, doanh thu từ chè đạt 150 đến 170 tỷ đồng, trực tiếp giải quyết việc làm cho gần 3 vạn lao động và bảo đảm đời sống cho 8 vạn nhân khẩu của huyện.
Để thực hiện mục tiêu phấn đấu mỗi năm sản lượng đạt 45.000 tấn chè búp tươi và 12.000 tấn chè khô, lấy cải tạo chất lượng búp đáp ứng chế biến xuất khẩu, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu chè, huyện Văn Chấn đã có nhiều giải pháp và cơ chế đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu chè có năng suất, chất lượng đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao.
Đối với các xã vùng cao như: Nậm Lành, Suối Giàng, Sùng Đô, Nậm Mười, Suối Quyền... thực hiện trồng mới bằng giống chè Shan với mật độ cao. Đối với 8 xã vùng ngoài tập trung trồng mới, trồng cải tạo, trồng thay thế giống chè Trung du già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội. Bên cạnh đó, huyện vận động nhân dân tích cực đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng thu hái.
Cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng hỗ trợ tìm nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón... giúp người dân trồng cải tạo ngày một nhiều. Bình quân mỗi năm, Văn Chấn trồng cải tạo từ 100 - 300 ha chè bằng giống chè lai, chè nhập nội và chè Shan tuyết. Năm 2016, huyện Văn Chấn thực hiện trồng mới 380 ha chè, trong đó 300 ha là giống chè lai LDP1 đã cung ứng giống cho nhân dân trồng xong trong vụ xuân; còn 80 ha là giống chè Shan hạt và chè Shan giâm cành, huyện cũng đã cung ứng giống để người dân trồng 6,7 ha tại 2 xã Nậm Búng và Gia Hội trong vụ xuân, diện tích còn lại sẽ tiếp tục được trồng trong vụ hè này.
Nông dân huyện Văn Chấn thu hái chè.
Chỉ tính 5 năm trở lại đây, huyện đã trồng cải tạo thay thế trên 1.200 ha, đưa diện tích chè giống mới chiếm 50% tổng diện tích chè toàn huyện. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục vận động nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để giúp các hộ dân thay đổi nhận thức trong việc chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm chè búp tươi, góp phần thay đổi dần chất lượng và giá trị sản phẩm chè.
Công tác chăm sóc, thâm canh, thu hái được các doanh nghiệp, các hộ dân chú trọng đầu tư đồng bộ; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, mối quan hệ giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè được cải thiện và ràng buộc chặt chẽ hơn; một số doanh nghiệp đã thực hiện tái đầu tư vào vùng nguyên liệu bằng phương thức ứng trước phân bón, hỗ trợ mua máy hái chè, đốn chè... cho các hộ trồng chè giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả lao động, bảo đảm đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy, triển khai xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa quy trình canh tác nhằm tạo ra vùng nguyên liệu an toàn, năng suất cao, chất lượng tốt và bền vững.
Tuy nhiên, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, lĩnh vực trực tiếp mang lại giá trị kinh tế cao thì ngành chè Văn Chấn vẫn còn những điều đáng bàn. Bởi hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 60 nhà máy, cơ sở tham gia chế biến chè, tổng công suất thiết kế của các đơn vị đạt trên 740 tấn chè búp tươi/ngày, gấp 3,5 lần khả năng đáp ứng của vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, máy móc lạc hậu, sản xuất thủ công, chưa bảo đảm vệ sinh công nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm... dẫn tới sản phẩm chế biến chủ yếu là chè đen bán thành phẩm, giá thành thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao.
Vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành chè Văn Chấn là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm trong khâu chế biến. Chỉ có sản phẩm chè xanh, chè đen chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì thương hiệu và giá trị của chè Văn Chấn mới được nâng lên, thị trường tiêu thụ mới được rộng mở và khi đó vị thế cây chè mới tiếp tục được nâng lên.
Thanh Tân
Các tin khác
Đúng như dự đoán, chiều 4-8, Bộ Công thương đã ra văn bản điều hành giá xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đồng loạt giảm giá xăng dầu từ 371 đến 604 đồng/lít.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra, Huyện ủy Văn Chấn đã đề ra các giải pháp, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế cụ thể đối với cả 3 vùng: vùng cao, vùng ngoài và vùng trong của huyện.
YBĐT - Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) những năm qua đã đạt được nhiều thành tích quan trọng nhưng làm thế nào để NTM đi vào thực chất, giữ được “lửa” phong trào xây dựng kiến thiết là một vấn đề hết sức quan trọng.
YBĐT - Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Xây dựng đường bộ I Yên Bái có nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng và quản lý 283 km quốc lộ và tỉnh lộ ở phía Tây tỉnh Yên Bái gồm các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ.