Bộ Giao thông vận tải đề xuất 3 phương án xây cao tốc Bắc-Nam
- Cập nhật: Thứ hai, 8/8/2016 | 2:31:37 PM
Từ nay đến 2020, tuyến cao tốc Bắc-Nam sẽ được đầu tư với quy mô cao tốc 4 làn, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật đường ô tô cao tốc; tốc độ thiết kế 100-120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn, tốc độ thiết kế 60-80 km/h.
Ảnh minh họa
|
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc đầu tư và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là với tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông đoạn Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Tuyến cao tốc phía đông sẽ chạy song song với quốc lộ 1, còn phía tây sẽ đi theo hướng đường Hồ Chí Minh.
Tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông dài 1.814 km, điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP. Cần Thơ, trong đó, đoạn Hà Nội-TPHCM dài 1.624 km. Hiện tại, đã có một số đoạn đã được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 171 km, gồm: Pháp Vân-Cầu Giẽ, Cầu Giẽ-Ninh Bình, TPHCM-Trung Lương, TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.
Cũng theo Bộ GTVT, sẽ phân kỳ đầu tư cao tốc Bắc-Nam theo nhu cầu vận tải. Cụ thể, từ nay đến 2020 sẽ đầu tư với quy mô cao tốc 4 làn, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật đường ô tô cao tốc, tốc độ thiết kế 100-120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn, tốc độ thiết kế châm chước 60-80 km/h.
Quy mô các đoạn tuyến nghiên cứu theo 3 phương án. Phương án 1, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn, nhưng đoạn Hà Nội-Vinh và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây là các đoạn có nhu cầu vận tải lớn đầu tư theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn.
Các đoạn còn lại đầu tư theo quy mô 4 làn hạn chế. Phương án này cần kinh phí đầu tư khoảng 229.829 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng.
Với phương án 2, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn, đoạn Hà Nội-Vinh và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây đầu tư theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn. Phương án này cần kinh phí đầu tư khoảng 223.286 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 87.681 tỷ đồng.
Còn phương án 3 đầu tư theo quy mô quy hoạch, đoạn Pháp Vân-Nghi Sơn đầu tư quy mô 6 làn xe cao tốc, đoạn Nghi Sơn-Dầu Giây đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc. Phương án này cần kinh phí đầu tư khoảng 280.918 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 145.889 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 135.029 tỷ đồng.
Mặc dù đưa ra 3 phương án đầu tư, nhưng theo Bộ GTVT, qua tính toán cho thấy đầu tư theo phương án 1 có chi phí thấp hơn so với phương án 3 khoảng 55.000 tỷ đồng, đáp ứng được nhu cầu vận tải trong thời gian đến năm 2030, đồng thời thuận lợi cho công tác quản lý quỹ đất và hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng sau này (so với phương án 2).
Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn hiện nay, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư các dự án theo quy mô phương án 1 bảo đảm phù hợp về nhu cầu vận tải và nguồn vốn.
Thống nhất chủ trương đầu tư đường Vành đai 5-Vùng Thủ đô Bộ GTVT mới có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ phúc đáp công văn của Văn phòng Chính phủ xin ý kiến về đầu tư xây dựng đường vành đai 5-Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn từ đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai theo hình thức PPP. Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký cho biết đề xuất dự án phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lĩnh vực đầu tư phù hợp quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Vì vậy, Bộ GTVT thống nhất chủ trương đầu tư theo hình thức PPP và giao UBND tỉnh Thái Nguyên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án. Trong đó, lưu ý nhà đầu tư phải hoàn trả các đường tỉnh đường tỉnh 301 và đường tỉnh 310B khi thực hiện dự án, để bảo đảm cho người dân có lựa chọn khác khi tham gia giao thông trên tuyến này. Cũng theo ý kiến của Bộ GTVT, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhà đầu tư và tư vấn để thống nhất với Bộ GTVT về kế hoạch triển khai dự án, hệ thống quản lý giao thông ITS và các chi tiết về đấu nối tại các nút giao với đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai hiện đang khai thác. |
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) vừa có văn bản yêu cầu sở TN-MT các tỉnh, thành rà soát, công khai các tổ chức sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai chưa xử lý xong.
YBĐT - Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã đề ra, các cấp, các ngành, các địa phương đơn vị cần phát huy mạnh mẽ tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
YBĐT - Đầu tháng 8/2016, huyện Văn Chấn đã cung cấp cho nhân dân trên 96 vạn bầu giống chè Shan giâm cành và hướng dẫn nhân dân trồng hoàn thành trên 10 ha.
YBĐT - Từ nguồn hỗ trợ thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ và nguồn ngân sách hỗ trợ sản xuất của địa phương, huyện Trạm Tấu đã cung ứng 18.574 kg ngô giống cho nông dân (ảnh) với cơ cấu giống chủ yếu là ngô Bioseed 9698, LVN 885, AG59.