Yên Bái: Cần nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
- Cập nhật: Thứ năm, 25/8/2016 | 8:21:23 AM
YBĐT - Theo báo cáo của Sở Công thương Yên Bái, qua 7 tháng của năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 44 triệu USD, bằng 58,87% kế hoạch.
Sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu tại Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
|
Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 75 triệu USD trong năm 2016, cần nhiều giải pháp tổng thể trong bối cảnh một số mặt hàng khoáng sản, nông sản còn gặp nhiều khó khăn.
7 tháng của năm 2016 với bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm, mặt bằng giá cả hàng hóa ở mức thấp, cộng thêm sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Sở Công thương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì, cũng như đẩy mạnh giá trị xuất khẩu hàng hóa của địa phương.
Trong đó, Sở tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ trong và ngoài nước, nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, xây dựng website thương mại điện tử... giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Công thương, 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,15 triệu USD, tăng 19,22% so với cùng kỳ, bằng 58,87% kế hoạch. Đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu là nhóm sản phẩm khoáng sản đá bột + hạt, đá block; tinh bột sắn, giấy vàng mã...
Các đơn vị có kim ngạch xuất khẩu khá là: Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái; Công ty cổ phần Mông Sơn; Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam, Công ty TNHH Nhựa và Khoáng sản An Phát Yên Bái, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF Trấn Yên, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Yên Bình…
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng khá nhưng theo phân tích nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt gần 37 triệu USD, không đạt 50% kế hoạch đề ra là do nhóm ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tiếp tục gặp khó khăn. Đặc biệt, mặt hàng đá CaCO3 sụt giảm mạnh. Đây vốn là mặt hàng chủ lực của tỉnh nhưng từ đầu năm tới nay, Công ty liên doanh Canxi Cacbonat YBB là doanh nghiệp xuất khẩu chính gặp khó khăn trong quy định về mặt hàng khoáng sản được phép xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu của Yên Bái đã phát triển và mở rộng ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt nhóm nông - lâm sản như: tinh bột sắn, tinh dầu quế vẫn tập trung vào thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, không ổn định, khó dự báo.
Bên cạnh thị trường thu hẹp, tại Hội nghị sơ kết tình hình xuất nhập khẩu diễn ra mới đây do Sở Công thương phối hợp với Chi cục Hải quan Yên Bái tổ chức, đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung vào chính sách thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, chi phí cho vận chuyển hàng hóa cao, công tác thanh tra kiểm tra còn chồng chéo, những vướng mắc trong quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế là do các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu còn hạn chế, nhất là dịch vụ logistics (dịch vụ từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ).
Trước những khó khăn trên, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 75 triệu USD, thời gian tới, Sở Công thương triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Trong đó, tập trung vào việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp tục khai thác mở rộng thị trường thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và EU; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các hiệp định thương mại mới, về những thay đổi trong chính sách tới doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ vốn cho xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng, các dự án trong cụm, khu công nghiệp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại giải quyết khó khăn cho các đơn vị kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Triển khai Đề án phát triển chăn nuôi, 6 tháng đầu năm, huyện Văn Chấn đã hỗ trợ 22 hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con/hộ tại 6 xã gồm: Nậm Búng, Gia Hội, Thượng Bằng La, Đại Lịch, Cát Thịnh và Phù Nham.
YBĐT - Xác định phát triển giao thông cũng là phát triển kinh tế, 10 năm qua, Yên Bái đã đầu tư trên 7.422 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông.
YBĐT - 439 ha lúa và 185 ha hoa màu trên địa bàn huyện Trấn Yên bị ngập do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 những ngày qua. Diện tích này chủ yếu tập trung ở 9 xã ven sông Hồng.
YBĐT - Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Yên Bái đã tiến hành thử nghiệm truyền tinh nhân tạo cho đàn trâu cái bằng giống trâu nội và trâu Murah, đã phối giống cho trâu cái sinh sản với tỷ lệ phối đạt 60%.