Lục Yên quan tâm đầu tư các mô hình nông nghiệp thử nghiệm
- Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2016 | 8:28:30 AM
YBĐT - Để phát triển ngành nông nghiệp huyện, hàng năm huyện Lục Yên luôn dành một nguồn kinh phí đầu tư thực hiện các mô hình thử nghiệm.
Gắn bó với con trâu và nghề nuôi trâu từ nhỏ, nên chị Đào Thị Duyên ở thôn Nà Khao xã Yên Thắng chưa bao giờ nghĩ đến việc thay đổi cách thức sinh sản của chúng, bởi mọi việc diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Nhưng vài năm trở lại đây, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, chăn nuôi trâu chủ yếu nuôi nhốt tại nhà. Do vậy, đến kỳ trâu động dục, chị Duyên rất khó khăn để tìm trâu đực phối giống cho trâu nái. Những gia đình có trâu đực thì không muốn cho đi phối giống, vì họ sợ rằng trâu đực sẽ phá chuồng, bỏ ăn.
Còn đối với những con đực được nuôi chuyên để làm trâu đực giống lại ở cách nhà chị tới hơn chục cây số, nên khi đưa được trâu nái tới đó thì đã qua chu kỳ động dục. Vài lần như vậy, chị Duyên đã có lúc định bỏ nghề nuôi trâu nái, nhưng may mắn là chị đã kịp biết đến mô hình thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện và chị đã đăng ký tham gia. “Hiện nay, con nghé được thụ tinh nhân tạo đã được gần 1 năm tuổi, rất khỏe mạnh. Đặc biệt là tầm vóc hơn hẳn và trọng lượng khoảng 180 kg, trong khi những con cùng tuổi chỉ khoảng 130 kg"- chị Duyên phấn khởi chia sẻ.
Tại xã Vĩnh Lạc, trong vụ xuân vừa qua, nông dân ở thôn Vĩnh Đông được tham gia thực hiện mô hình trồng lúa chất lượng cao giống Chiêm hương. Ngày thăm quan tổng kết mô hình cũng là lúc thu hoạch, ai nấy đều phấn khởi vì lúa chắc mẩy, được mùa, rất ít hạt lép. Bà con tính trung bình năng suất đạt 200 kg/sào sau khi đã phơi khô quạt sạch và một số hộ chăm sóc tốt có thể đạt tới 225 kg/sào. Đối với lúa thuần chất lượng cao, năng suất này quả là trong mơ đối với bà con.
Ông Hoàng Văn Điền - một hộ tham gia trồng lúa Chiêm hương cho biết: "Gia đình tôi có hơn 9 sào ruộng thì vụ xuân vừa rồi dành tất cả để trồng giống lúa này. Trồng xong cũng thấp thỏm lắm, vì nhỡ không may mà hỏng thì không biết lấy gì mà ăn. Nhưng đến hôm nay thì yên tâm rồi, vụ xuân sau tôi lại trồng giống lúa này”.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản mà huyện Lục Yên thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách huyện. Để phát triển ngành nông nghiệp huyện, hàng năm huyện luôn dành một nguồn kinh phí đầu tư thực hiện các mô hình thử nghiệm. Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, tổng kinh phí huyện đầu tư là gần 2 tỷ đồng, thực hiện các mô hình như: trồng hoa, khoai tây, khoai lang, mô hình trồng măng mai, làm cây rơm, nuôi cá rô phi đơn tính, chăn nuôi trâu, bò theo phương thức bán công nghiệp, mô hình cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, mô hình sản xuất lúa hàng hóa với các giống: Chiêm hương, J02, nếp, hỗ trợ máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp…
Trong đó, nhiều mô hình đã đi vào nề nếp, trở thành thói quen trong tập quán canh tác của bà con, hoặc trở thành cây trồng, vật nuôi chính, đem lại thu nhập cơ bản cho gia đình. Điển hình như mô hình trồng hoa, tuy không nhân rộng nhưng những hộ tham gia trước đây nay đã chuyển hẳn sang nghề trồng hoa, đáp ứng một phần nhu cầu hoa tươi của huyện trong các dịp lễ, tết; mô hình cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo dù mới triển khai, nhưng đến nay được nông dân rất quan tâm; mô hình làm cây rơm cũng đã giúp người chăn nuôi trâu, bò nâng cao nhận thức về việc chuẩn bị thức ăn trong vụ đông, làm giảm tình trạng gia súc chết vì đói…
Để nguồn vốn thực sự phát huy hiệu quả, trên cơ sở các tiêu chí như: mới, tiến bộ, phù hợp với điều kiện của địa phương… Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu với UBND huyện triển khai các mô hình tới các xã, thị trấn, giao nhiệm vụ thực hiện mô hình cho các cơ quan: Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Hội Nông dân… phân công cán bộ thực hiện mô hình trực tiếp về hướng dẫn người dân theo đúng chỉ đạo.
Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Thực hiện các mô hình theo nguồn vốn ngân sách của huyện có những thuận lợi cơ bản, đó là sự chủ động nguồn vốn, mô hình và quy mô thực hiện. Bên cạnh đó, tinh thần hưởng ứng của nông dân rất tốt, bà con nhanh nhạy học hỏi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…”.
Tuy nhiên, khó khăn cũng không phải là ít khi mỗi mô hình dừng lại thì khả năng tự nhân rộng của bà con là rất thấp. Đối với các mô hình đòi hỏi kỹ thuật cao như trồng ớt, trồng hoa thì rất ít người dân có thể đáp ứng được và một khó khăn cố hữu khác là vấn đề đầu ra khi có sản phẩm.
Về định hướng thực hiện các mô hình trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Số cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện thực hiện các mô hình theo hướng: mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương, sản phẩm có thể chiếm lợi thế trên thị trường với quy mô hợp lý…”.
Cho dù còn đó nhiều khó khăn cần tháo gỡ, song có thể nói, từ nguồn vốn nhỏ được trích ra hàng năm, huyện Lục Yên đã và đang từng bước nâng cao năng suất, cải tạo chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, gia tăng giá trị sản xuất cho bà con trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Mai Huyên
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ miến khá ổn định nên các hộ sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
YBĐT - Ngày 24/8/2016, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Công văn số 1819/UBND - TM về việc triển khai nộp thuế điện tử theo Nghị quyết số 19 -2016/NQ - CP.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1576/CĐ-TTg về thúc đẩy hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
YBĐT - Rời trung tâm huyện Lục Yên, chúng tôi xuôi theo tỉnh lộ 170 đến ngã ba xã Liễu Đô, rẽ phải đi về xã An Phú. Được vài chục mét, đã phải đối mặt với con đường đầy ổ gà, ổ voi. Đường vào An Phú có chiều dài gần 20 km, trong đó 13 km qua địa bàn các thôn: Pù Thao, Khau Sảo, Khau Dự, Làng Trang, Khau Vai, Khau Ngầm của xã Minh Tiến và 7 km thuộc địa phận xã An Phú.