Nhân rộng màu xanh no ấm

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2016 | 2:04:45 PM

YBĐT - Với năng suất hiện tại ước đạt 12 tấn/ha, cùng với đầu ra cho sản phẩm búp chè tươi ổn định, giá bán trung bình từ 5 - 6 nghìn đồng/kg, cây chè Shan đã mang lại lợi nhuận gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa.

Nông dân xã Nậm Búng (Văn Chấn) thu hái chè Shan tuyết.
Nông dân xã Nậm Búng (Văn Chấn) thu hái chè Shan tuyết.

Khi ánh nắng ban mai trải dài trên những nương chè Shan tuyết của xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, cũng là lúc gia đình chị Lê Thị Mai ở thôn Nậm Cưởm đang tất bật thu hái chè trong niềm phấn khởi 1,5 ha chè được bội thu. Có được niềm vui hôm nay là do sự mạnh dạn từ 13 năm về trước, gia đình chị là một trong những hộ đầu tiên thực hiện dự án của huyện triển khai trồng 200 ha chè Shan vùng cao tại xã Nậm Búng và Gia Hội. Sau 3 năm kiến thiết cơ bản, cây chè Shan ở Nậm Búng phát triển tốt và cho thu hoạch ổn định dần. Với năng suất hiện tại ước đạt 12 tấn/ha, cùng với đầu ra cho sản phẩm búp chè tươi ổn định, giá bán trung bình từ 5 - 6 nghìn đồng/kg đã mang lại lợi nhuận gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Chị Mai chia sẻ: “Gia đình tôi thấy cây chè Shan rất phù hợp với đất đai, khí hậu ở đây, cùng với đầu ra của sản phẩm búp tươi ổn định, nên gia đình tôi tiếp tục đăng ký trồng mới”.

Năm 2002, huyện Văn Chấn giao cho Lâm trường Văn Chấn triển khai dự án trồng chè Shan tại 2 xã Gia Hội và Nậm Búng. Ban đầu trồng thử nghiệm, chỉ có một vài hộ đăng ký tham gia, với diện tích nhỏ lẻ chỉ vài nghìn mét vuông. Tuy nhiên, với việc chủ động triển khai theo mô hình liên kết 4 nhà, cùng với sự thích nghi ngoài mong đợi của giống chè Shan tuyết trồng bằng phương pháp giâm cành, diện tích chè Shan tuyết được mở rộng theo từng năm. Đến cuối năm 2010, dự án trồng 200 ha chè Shan gieo hạt đã vượt gần 200% kế hoạch đề ra. Điều đáng nói là diện tích chè này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn. Rất nhiều hộ đã thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu với thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/năm.

Bà Phạm Thị Kim Mai - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Búng cho biết thêm: “Sự ổn định của vùng chè Shan nguyên liệu đã có tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng được nâng cao và thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Đây là những tiền đề để xã Nậm Búng tiếp tục vận động bà con đầu tư, thâm canh tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích chè”.

Khi vùng chè đã qua thời gian kiến thiết cơ bản, đi vào ổn định và cho thu hoạch, việc người dân quan tâm chính là tiêu thụ sản phẩm. Với sản lượng bình quân mỗi năm sản xuất khoảng 200 nghìn tấn chè thô, các cơ sở chế biến chè Shan trên địa bàn huyện đã chủ động hướng dẫn người dân thu hái chè đúng phẩm cấp, khoanh vùng chè nguyên liệu hợp lý với sản phẩm chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và thu mua hết chè búp tươi cho người dân. Sản phẩm chè Shan tuyết Nậm Búng và Gia Hội cũng đang tạo được sự tin tưởng của người dùng trà trên thị trường, đặc biệt là những người uống trà khó tính.

Ông Phùng Thanh Bình - Giám đốc điều hành Doanh nghiệp sản xuất chè Shan Nậm Búng, xã Nậm Búng cho biết: “Thực tế, muốn xây dựng thương hiệu chè thì buộc phải có nguồn nguyên liệu ổn định chất lượng. Để làm được điều này, doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào diện tích chè của người dân tại địa phương. Do đó, giữa người trồng chè và doanh nghiệp phải luôn có sự liên kết chặt chẽ và cần có những chính sách hỗ trợ của nhà nước để người dân ổn định vùng nguyên liệu giúp doanh nghiệp sản xuất bền vững”.

Trước hiệu quả mà cây chè Shan tuyết mang lại, huyện Văn Chấn đang tiếp tục triển khai đề án trồng 300 ha chè Shan giâm cành tại 2 xã Nậm Búng và Gia Hội từ nay đến 2020, trong đó, năm 2016, triển khai trồng 60ha. Ngay sau khi triển khai, đã có gần 8 chục hộ dân của 2 xã đăng ký tham gia, với quy mô mỗi hộ từ 5.000 m2 đến 1 ha. Anh Chu Văn Mẳn, thôn Nam Vai, xã Gia Hội chia sẻ: “Nhận thấy hiệu quả từ cây chè Shan mang lại, gia đình tôi cũng đăng ký tham gia và cải tạo đất đồi của gia đình để trồng chè Shan với mong muốn có thêm nguồn lợi kinh tế tăng  thu nhập”.

Để đề án 300 ha chè Shan giâm cành khi triển khai vào xã Nậm Búng và Gia Hội mang lại hiệu quả cao, thu hút được sự tham gia của người dân. Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: “huyện sẽ hỗ trợ giống cho người dân, chú trọng thâm canh cây chè, quản lý vấn đề sản xuất, nhất là vấn đề chất lượng búp chè. Khuyến khích các nhà máy thu mua, chế biến chè đầu tư công nghệ chế biến để tạo ra các sản phẩm chè có giá trị cao hơn. Đồng thời, việc nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè Shan tuyết vừa có tác động bảo tồn giống chè quý, vừa tạo tiền đề cho việc phát triển vùng nguyên liệu chè sạch nhằm từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm chè của Văn Chấn”.

Quang Sơn- Phan Tuấn (Đài TT-TH Văn Chấn)

Các tin khác
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu ngành đường sắt xóa bỏ độc quyền.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có chỉ đạo về việc xóa bỏ độc quyền của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VN), đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra ngành đường sắt.

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra các mặt hàng thực phẩm được bày bán tại siêu thị.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản yêu cầu sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đồng bộ với việc thực hiện “Kế hoạch hành động Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm” trong lĩnh vực nông nghiệp.

8 tháng qua, thu ngân sách đạt 649,46 nghìn tỷ đồng, còn chi ngân sách 770,7 nghìn tỷ đồng.

Khoản vốn vay 11 tỷ Yen giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập với quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục